Cách mạng Tháng Mười Nga soi sáng con đường bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam
[ 08/11/2012 00:33 AM | Lượt xem: 1445 ]
TCCSĐT - Cách đây vừa tròn 95 năm, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, nông dân và binh sĩ Nga đã nổ ra và giành thắng lợi, thực sự thiết lập nên nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Một trong những ý nghĩa lịch sử mang tính thời đại đặc biệt quan trọng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là soi sáng con đường bảo vệ độc lập chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc của các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Cách mạng Tháng Mười Nga với Sắc lệnh về hòa bình

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã đập tan mọi xiềng xích áp bức dân tộc, tuyên bố và bảo đảm quyền dân tộc tự quyết, kể cả quyền tách ra và thành lập nhà nước độc lập trên đất nước Nga; tạo tiền đề cho các dân tộc Nga được tự do phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa, củng cố tình hữu nghị anh em trên cơ sở chủ nghĩa xã hội. Trong Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột do V.I.Lê-nin viết đã nêu rõ: “Cộng hòa Xô-viết Nga được thiết lập trên cơ sở liên minh tự do của các dân tộc tự do thành liên bang các cộng hòa dân tộc Xô-viết” (1).

Cách mạng Tháng Mười Nga đã tách nước Nga ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa; cứu nước Nga khỏi thảm họa dân tộc mà các giai cấp bóc lột đã buộc đất nước này phải chịu đựng; tránh cho nhân dân Nga khỏi nguy cơ bị tư bản nước ngoài nô dịch. Dưới ảnh hưởng lớn lao của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa đã thấy được con đường giải phóng của mình và bắt đầu hành động. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới đã trở thành thành trì vững chắc của những người lao động trong cuộc đấu tranh chống các cuộc chiến tranh xâm lược, chủ nghĩa thực dân, đế quốc, áp bức và nô dịch, vì hòa bình và an ninh của các dân tộc. Tháng Giêng năm 1918, V.I.Lê-nin đã nhận định: “Gương nước Cộng hòa Xô-viết sẽ chỉ đường cho họ trong một thời gian lâu sau. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết của chúng ta sẽ đứng vững như ngọn đuốc của chủ nghĩa xã hội quốc tế, như tấm gương cho tất cả quần chúng cần lao. Ở đằng kia là tàn sát, chiến tranh, đổ máu, là hạng triệu nạn nhân, là sự bóc lột của tư sản; ở đây là một chính sách hòa bình chân chính và là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết”(2).

Ngay sau khi giành được chính quyền, để bảo vệ thành quả cách mạng, nền độc lập dân tộc, chủ quyền và lợi ích quốc gia, hành động đầu tiên của V.I.Lê-nin và Chính quyền Xô-viết là ban hành Sắc lệnh về hòa bình. Chính phủ Xô-viết đã đề nghị nhân dân và chính phủ tất cả các nước tham chiến ký kết một hiệp ước hòa bình với những điều kiện công bằng, hợp lý với tất cả các dân tộc - một hòa ước không có sự thôn tính và không có bồi thường chiến tranh. Nội dung chủ yếu của Sắc lệnh là thiết lập những nguyên tắc cơ bản quy định quan hệ quốc tế được xây dựng không phải trên cơ sở áp bức các dân tộc nhỏ yếu, mà là thiết lập một nền hòa bình, thừa nhận quyền bình đẳng của các dân tộc, nền độc lập của tất cả các quốc gia. Sắc lệnh đã đem đến chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức để giành quyền tự quyết, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, đối lại với các chính sách xâm lược và tiến hành những cuộc chiến tranh phản động của chủ nghĩa đế quốc. Nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau trở thành nền tảng, được phát triển trong các văn kiện của Đảng Cộng sản và là một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại của Liên Xô những năm sau đó; đồng thời là một phương tiện đoàn kết quốc tế tất cả các nước, các dân tộc nhỏ yếu, thuộc địa và phụ thuộc trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc

Cách mạng Tháng Mười Nga là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời, đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo, tập hợp và đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cả nước đưa tới thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế vô sản...

Xét về bản chất và xu hướng phát triển khách quan của lịch sử trong thế kỷ XX, thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 77 năm qua chính là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta. Thắng lợi đó có nguồn gốc sâu xa và trực tiếp từ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về xu thế và quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử, về sức mạnh vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và những người bị áp bức, bóc lột được thức tỉnh, tập hợp và đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính mang bản chất giai cấp công nhân, phấn đấu cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Xét về lý luận và thực tiễn, Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo dựng nền tảng lý luận căn bản và mở đường, chỉ lối về con đường, phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn và sáng suốt nhất là bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc trên nền tảng cách mạng vô sản.  

Với ý nghĩa cách mạng to lớn nói chung và với vấn đề bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc nói riêng, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định hết sức sâu sắc: “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”(3). Được Cách mạng Tháng Mười Nga và các nước xã hội chủ nghĩa cổ vũ và giúp đỡ, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa dâng lên mạnh mẽ và ngày càng phát triển với quy mô chưa từng thấy. Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp nǎm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế. Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người. Giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam ngày càng thấm nhuần những lời dạy của V.I.Lê-nin và những bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười.

Con đường bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc

Bước sang những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, nước ta đang đứng trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển phức tạp và khó lường; những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn luôn thường trực; sức ép của các nước lớn và các thiết chế, thể chế tài chính quốc tế ngày càng lớn. Tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo có nhiều diễn biến phức tạp trên khu vực Đông Bắc Á cũng như ở Biển Đông. Lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, hội nhập và hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với các hình thức và biện pháp hết sức tinh vi, thâm nhập toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng và an ninh, kết hợp với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, hòng phá hoại nền độc lập dân tộc, xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Trước những diễn biến mới của tình hình, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nghiên cứu, học tập và vận dụng những tư tưởng và thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Để bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia, các Đại hội của Đảng, mới đây là Đại hội XI tiếp tục nhất quán kiên định đường lối đi lên chủ nghĩa xã hội của cả dân tộc Việt Nam; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Đường lối cách mạng đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và cả dân tộc ta hiện nay chính là thể hiện sự kiên định và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga về giải quyết những vấn đề chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trong khuôn khổ và tiến trình của cách mạng vô sản ở thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, cùng với sự thấu triệt những dấu ấn nổi bật về đặc điểm của thời đại hiện nay.

Độc lập, chủ quyền của đất nước ta được xây dựng trên quyền tự quyết của các dân tộc; tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không xâm phạm và can thiệp vào công việc nội bộ nhau giữa các quốc gia, dân tộc. Lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam được xây dựng và thiết lập trên cơ sở tôn trọng lợi ích quốc gia của các dân tộc, nhất là các quốc gia láng giềng; nhất quán thực hiện chủ trương Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vì sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đường lối đó thể hiện sự tôn trọng của Việt Nam đối với các nước và các đối tác, song thực hiện quyền tự vệ như Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra. Việt Nam cũng luôn kiên quyết đấu tranh với những mưu toan áp đặt từ bên ngoài, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, bất chấp những nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế và khu vực, xâm phạm, chà đạp hay bỏ qua nền độc lập, chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của nhân dân Việt Nam.

Trước sự phát triển nhanh chóng, phức tạp và khó lường hiện nay của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là khi lợi ích quốc gia và chủ nghĩa dân tộc của một số nước lớn đang nổi lên, trong một thế giới toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế sâu rộng, việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia của các nước cũng như của Việt Nam là rất khó khăn, phức tạp. Nếu không kiên định và hướng theo con đường bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra, rất dễ hoặc rơi vào tình trạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan hoặc bị cô lập, đánh mất sức mạnh dân tộc, không tận dụng được sức mạnh thời đại, đẩy đất nước đứng trước nguy cơ quay lại vòng lệ thuộc, phụ thuộc tư sản dưới những hình thức mới, nội dung mới.

Một khi độc lập, chủ quyền bị xâm phạm thì lợi ích quốc gia, dân tộc cũng sẽ bị đe dọa và ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc bị xâm phạm thì độc lập chủ quyền đất nước cũng đứng trước nguy cơ bị xâm lược, thôn tính. Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ soi sáng mà còn định hướng cho chúng ta con đường bảo vệ độc lập chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay./.


(1). V.I.Lê-nin: Toàn tập, tập 35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.263

(2). V.I.Lênin: Toàn tập, tập 35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.336

(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.300


< Đại tá, TS Nguyễn Văn Quang Trưởng Ban Nghiên cứu - Tổng kết >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 4