Lịch sử và giáo dục lịch sử
[ 06/11/2012 20:39 PM | Lượt xem: 1615 ]

LỊCH SỬ VÀ GIÁO DỤC LỊCH SỬ

                                                                        PGS.TS Vũ Văn Quân

Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ, sử học và yêu cầu nhận thức lịch sử được đặc biệt coi trọng, từ các chính thể, giới nho sĩ, rồi - ở một mức độ nhất định - lan toả trên bình diện xã hội. Có thể thấy rõ điều này chỉ cần nhìn vào một thực tế: rất nhiều nhà chính trị, nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc là các nhà sử học hoặc không thì cũng rất giỏi sử.

Năm 1665, Phạm Công Trứ viết: “Vì sao mà làm quốc sử? Vì sử chủ yếu là để ghi chép sự việc. Có chính trị của một đời tất phải có sử của một đời. Mà ngòi bút chép sử giữ nghị luận rất nghiêm, ca ngợi thời thịnh trị thì sáng tỏ ngang với mặt trăng mặt trời, lên án kẻ loạn tặc thì gay gắt như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn, quan hệ đến việc chính trị không phải là không nhiều”. Năm 1942, Hồ Chí Minh viết: “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Những năm chống Mỹ cứu nước, những cuốn sách viết về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc đến với bộ đội, những buổi “nói chuyện” về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc của cán bộ và sinh viên khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với các đơn vị bộ đội, đã góp phần mạnh mẽ động viên tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Trên tất cả mọi ý nghĩa, không ai có thể phủ nhận vai trò của nhận thức lịch sử trong quá trình vận động phát triển, rộng là nhân loại, quốc gia, hẹp là ngành, lĩnh vực, cụ thể là mỗi cá nhân. Biện chứng của phát triển vốn không có sự tách rời giữa quá khứ, hiện tại với tương lai, chỉ có thể hiểu rõ được hiện tại, định hướng đúng được tương lai nếu nắm chắc được quá khứ. Tác dụng của sử học, của việc học sử, thiết nghĩ, là chuyện không phải bàn.

            2. Vấn đề đang được đặt ra trong những năm gần đây là điểm sử thấp và thất thường qua các kỳ thi tuyển sinh đại học. Yếu tố thất thường (tăng giảm trong phổ thấp) chủ yếu do đề thi, chưa thể qua đó đánh giá chất lượng dạy và học môn sử đã nâng lên hay sụt giảm. Nhưng phổ thấp lại là chuyện khác. Đó thực sự là vấn đề của môn học này. Dưới nhiều góc độ khác nhau, từ đây, xã hội, đặc biệt là giới truyền thống, đã lên tiếng mạnh mẽ. Câu chuyện không còn dừng lại ở phạm trù dạy - học của một môn học thông thường, mà được nhìn nhận xa hơn, với nhiều cách biểu thị khác nhau, nhưng tựu trung lại, là thái độ thờ ơ của thế hệ trẻ Việt Nam đối với lịch sử đất nước, mà điều này lại liên quan đến tinh thần, trách nhiệm đối với vận mệnh, sự phát triển hay tụt hậu của quốc gia - dân tộc. Đồng thời, là những mổ xẻ về nguyên nhân. Có nguyên nhân từ phía chính sách: môn sử chưa thực sự được coi trọng - thể hiện qua bố trí thời lượng ít, qua việc rất ít khi được chọn làm môn thi tốt nghiệp hoặc được chọn như một môn thi thay thế cho một môn nào đó trong trường hợp đặc biệt; có nguyên nhân từ thực tế xã hội: tính thực dụng từ phía học sinh - ít chọn nghề sử và các nghề có liên quan đến sử vì thu nhập thấp, mà chọn những ngành nghề có thu nhập cao hơn; có nguyên nhân từ sách giáo khoa: nặng nề, không hấp dẫn, từ người dạy: giáo viên không nhiệt tình, không hứng thú, phương pháp cũ kỹ… Tất cả đều đúng.

            Ở một góc nhìn khác, cũng nên đặt môn sử trong mối tương quan với các môn học khác. Điểm sử thi đại học thấp là một sự thực, nhưng nếu so sánh với các môn thi khác, thuộc các khối thi khác, thì có phải là thấp nhất và luôn luôn thấp nhất không? Thực tế, ở các môn học khác, các môn thi khác cũng có không ít điểm không, cũng có rất nhiều điểm kém. Điều này báo động cả hệ thống giáo dục. Nhưng sao chỉ gần như riêng môn sử là cứ sau mỗi mùa tuyển sinh đại học, qua kết quả thi, ta lại thấy có gì bất ổn, xã hội lại lo lắng nhiều hơn? Ở đây có vấn đề chất lượng dạy và học môn sử (mà kết quả thi tuyển sinh đại học là một biểu hiện), nhưng dường như vấn đề sâu xa hơn nằm ở chỗ, là bởi chúng ta đòi hỏi cao ở môn sử (học sinh phải say mê, kết quả học tập phải cao). Tại sao vậy? Là vì học sử liên quan đến đất nước, đến dân tộc, vì học sử là để vun trồng tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc, trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc. Đó là một đòi hỏi đúng.

            3. Có nhiều kênh để một người (không làm nghề nghiên cứu lịch sử) có được nhận thức, sự hiểu biết về lịch sử, trong đó, môn học lịch sử ở các cấp phổ thông là kênh hệ thống và chính thống nhất, có vai trò quan trọng nhất và nếu thực hiện tốt sẽ là kênh hiệu quả nhất. Đánh giá về kênh giáo dục này, sẽ thấy hết sức bi đát nếu căn cứ vào kết quả tuyển sinh đại học khối C. Tuy nhiên, nếu coi 6% thí sinh thi khối C (2011) là những học sinh giỏi nhất về các môn học xã hội, trong đó có sử, thì chỉ đúng một phần. Còn nhiều học sinh khá, giỏi các môn xã hội, trong đó có môn sử, dự thi ở các khối thi khác, cũng như có rất nhiều học sinh yếu kém, trong đó cả yếu kém các môn xã hội nói chung, môn sử nói riêng trong số các thí sinh dự thi khối C (phần lớn những thí sinh điểm không hay điểm rất thấp môn sử cũng sẽ không có điểm văn, điểm địa cao và nếu xét lực học trung bình các môn thì cũng sẽ chỉ ở nhóm cuối). Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện và từ đòi hỏi riêng của môn học này, thì việc dạy và học sử rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu, không chỉ qua kết quả thi, mà qua khảo sát thực trạng dạy và học môn sử. Học sinh “sợ” học môn sử, không thích học môn sử, nhận thức và tình yêu đối với lịch sử đất nước có được không cao. Ở đây có “lỗi” của kênh giáo dục này. “Lỗi” đó là gì?. Sâu xa là những bất cập trong hệ thống giáo dục, cụ thể là các vấn đề như chương trình, sách giáo khoa, người dạy, người học, xã hội.

Giáo dục phổ thông là giáo dục bắt buộc. Các môn học trong chương trình phổ thông cũng phần lớn là bắt buộc. Thích hay không thích, có năng khiếu hay không có năng khiếu thì cũng phải học. Môn sử cũng thế và hơn thế. Do vai trò to lớn, tác dụng lâu dài của môn học này, cần có “cơ chế” để tăng tính bắt buộc. “Cơ chế” đó không khó - như rất nhiều ý kiến đã nêu, đã được một lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, như tăng thời lượng, trở thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc, một trong các môn xã hội lựa chọn bắt buộc phải thi khi thi vào đại học. Đó có thể coi là giải pháp “từ trên xuống”, giải quyết được yêu cầu “buộc” học sinh phải học môn sử một cách chăm chỉ. Vấn đề còn lại - rất quan trọng với môn học này - là ở chỗ học sinh còn phải “thích” học sử, tự giác học sử, chỉ có như thế, ý nghĩa sâu xa của việc dạy và học môn học này mới được phát huy. Giải bài toán trên không đơn giản, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, cũng không thể một sớm một chiều. Trước hết cần xác định lại yêu cầu phải đạt tới của môn học lịch sử ở cấp phổ thông là gì để từ đó thiết kế chương trình, sách giáo khoa. Điều này các nhà sử học, các nhà giáo dục phải hợp tác với nhau. Sách giáo khoa lịch sử phải được thay đổi. Nhưng dù là cách nào thì cũng phải tránh cực đoan. Chẳng hạn như sách giáo khoa, từ chỗ nặng về sự kiện hay khái quát những vấn đề xã hội lớn với những thuật ngữ khoa học trừu tượng hiện nay dễ đi đến chỗ chú trọng vào những câu chuyện lịch sử, hiểu đơn giản sự hấp dẫn là thoả mãn sự tò mò. Cũng như thế, ngay khi chính sách đối với môn sử có thay đổi cũng phải lường tính đến mặt trái khác của vấn đề, như nếu trở thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc, thì học sinh sẽ chăm học sử hơn, nhưng sẽ lại học thêm sử, giáo viên dạy sử sẽ lại dạy thêm, thu nhập sẽ cao lên, học sinh sẽ vào ngành sử đông hơn, và liệu điều đó có tác động tiêu cực nào không đến ý nghĩa thiêng liêng của môn học này, có vì thế mà học sinh thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống dân tộc?

            4. Người Việt Nam nay có quan tâm đến lịch sử hay không? Nếu chỉ nhìn vào thực trạng dạy và học sử, vào kết quả thi đại học môn sử thì câu trả lời có vẻ như đã có. Nhưng nếu nhìn vấn đề từ lịch sử, từ những góc nhìn khác, thì không phải như vậy.

            Từ trong truyền thống, bằng rất nhiều cách khác nhau, nhà nước và làng xã, bác học và dân gian, cha ông ta trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước hình thành từ truyền thống lịch sử đó và trở thành nội lực tinh thần để cha ông ta vượt qua mọi thử thách tồn tại và phát triển. Lịch sử trong trường hợp này được thẩm thấu một cách âm thầm những không bao giờ ngừng nghỉ. Nay, chẳng hạn, vẫn có đó đều đặn hàng tuần cuộc thi “Theo dòng lịch sử” trên kênh VTV2 Đài truyền hình Việt Nam với ba bốn người chơi mà chủ yếu là học sinh sinh viên, chủ yếu là không chuyên sử, với kiến thức lịch sử khá rộng và chắc chắn, cần mẫn và đầy nghị lực ở một chương trình không quảng cáo, không tài trợ, giải thưởng lại rất bé so với các trò chơi truyền hình khác. Và vô vàn cách biểu hiện khác.

Người Việt Nam chưa bao giờ hết yêu và hết nhu cầu tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Tình yêu đó, nhu cầu đó sẽ đi cả cuộc đời. Nhưng dường như điều đó chưa được thể hiện trong những tiết học lịch sử, với những cuốn sách giáo khoa lịch sử hiện thời, ở cách dạy và học hiện thời. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc về vấn đề này, bằng hành động chứ không phải sự rùm beng với những từ ngữ đầy biểu cảm sau mỗi mùa tuyển sinh đại học.

(Bài đã in trên báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 11 tháng 8 năm 2011)

< PGS.TS Vũ Văn Quân >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 12