Tư duy lý luận về vấn đề sở hữu ở Việt Nam trước và trong quá trình đổi mới
[ 06/11/2012 10:53 AM | Lượt xem: 3006 ]

TƯ DUY LÝ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ SỞ HỮU Ở VIỆT NAM

TRƯỚC VÀ TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI

 

         TS. Doãn Hùng

Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vự I

 

     Sở hữu là quan hệ giữa con người và con người trong việc chiếm hữu tư liệu sản xuất và của cải xã hội. Có hai loại sở hữu: sở hữu có tính chất dân sự như nhà ở và đồ dùng cá nhân và sở hữu tư liệu sản xuất. Mác-Angghen coi sở hữu tư liệu sản xuất là một trong ba nội dung cơ bản của quan hệ sản xuất. Những vấn đề liên quan đến sở hữu được xác định là một trong những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin;  vì vậy trong quá trình đấu tranh lật đổ chế độ xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa các Đảng cộng sản đều vận dụng và phát triển những quan điểm của Mác- Lênin vào đường lối cách mạng và được thể chế hóa trong Hiến pháp và Pháp luật của mỗi nước.

 

     Tuy nhiên do nhận thức về chủ nghĩa Mác- Lênin nói chung và vấn đề sở hữu nói riêng chưa hệ thống và bị cắt xén dẫn đến hiểu sai và vận dụng máy móc. Ví dụ, khi các ông khẳng định: “ Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu” (1). Cần chú ý là chế độ tư hữu mà Mác- Angghen đề cập ở khẩu hiệu chiến lược trên là chế độ sở hữu tư sản, bởi trước đó các ông đã khẳng định: “ đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”. (2). Những luận điểm trên của các nhà kinh điển đề cập đã chỉ ra bản chất của chế độ người bóc lột người là chế độ tư hữu và để xây dựng chế độ không còn bóc lột phải xóa bỏ nó, nhưng không phải là làm ngay mà phải “kinh qua một quá trình rất khó khăn lâu dài trong hiện thực”. Không chỉ xóa bỏ chế độ tư hữu trong bất cứ trình độ phát triển nào của nền sản xuất bằng những biện pháp hành chính theo ý chí chủ quan của con người. Điều này đã được khẳng định trong tác phẩm “ Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản” khi trả lời câu hỏi: Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu được không? Ăng ghen nêu rõ: “ không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu” (3). Như vậy có thể thấy rằng các luận điểm của Mác- Ang ghen là rất khoa học, vấn đề xóa bỏ chế độ tư hữu theo quan điểm của các ông là phải tuân thủ quy luật phát triển kinh tế- xã hội khách quan, không tùy thuộc vào ý chí chủ quan của con người.

 

     Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- LêNin trong đường lối cách mạng dân tộc dân chủ, tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Nhưng khi bước vào hòa bình xây dựng đã mắc phải những “sai lầm khuyết điểm trong những chủ trương chính sách lớn”. Một trong những chính sách đó liên quan đến vấn đề sở hữu.

 

     Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong tư duy lí luận của Đảng và các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý ở Miền Bắc sau 1954 và cả nước sau 1975 luôn tồn tại những trăn trở tìm tòi con đường phát triển của đất nước. Liên quan đến vấn đề sở hữu là hai hướng tư duy:

- Cải tạo xã hội chủ nghĩa- xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất

- Phát triển kinh tế nhiều thành phần - công nhận sự tồn tại của tư hữu về tư liệu sản xuất.

     Nếu ở Miền Bắc sau 1954, những quan điểm của Hồ Chủ tịch về xây dựng CNXH đã xác định: Trong chế độ dân chủ mới, có 5 loại kinh tế khác nhau:

   A.   Kinh tế quốc doanh (thuộc CNXH, vì nó là của chung, của nhân dân)

   B.   Các Hợp tác xã (nó là nửa CNXH, và sẽ tiến đến CNXH)

   C.   Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào HTX, tức là nước CNXH)

   D.   Tư bản tư nhân

   E.   Tư bản nhà nước (như nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh)

     Trong 5 loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế nước ta sẽ phát triển theo hướng CNXH chứ không theo hướng tư bản" (4).

 

     Theo Hồ Chí Minh để 5 thành phần kinh té phát triển thì thời kỳ úa độ còn tồn tại bốn hình thức sở hữu chính: sở hữu của nhà nước tức của toàn dân; sở hữu của HTX tức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; sở hữu của người lao động riêng lẻ; tư liệu sản xuất của nhà tư bản.

 

     Quan điểm của Hồ Chí Minh về sở hữu phù hợp với Hiến pháp năm 1959. Điều 11 của Hiến pháp 1959 quy định:" Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ quá độ các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức của người lao động riêng lẻ và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc".

 

     Do hạn chế về nhận thức, lại ảnh hưởng mô hình CNXH tập trung và trong hoàn cảnh chiến tranh, tại hội nghị Trung ương 14 và 16 khóa II năm 1958 đa số đã thông qua nghị quyết cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế để đi đến một nền kinh tế thuần nhất với hai thành phần kinh tế và hai hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Phải khẳng định mô hình kinh tế trên phù hợp với nền kinh tế thời chiến vì nó tập trung nguồn lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mô hình kinh tế tập trung lẽ ra phải kết thúc sau 30/4/1975 khi đất nước ra khỏi chiến tranh bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng.

 

     Tuy nhiên trong những năm đầu đất nước thống nhất vẫn tồn tại hai hướng tư duy:

   - Hướng thứ nhất, áp dụng cơ chế kinh tế ở Miền Bắc vào Miền Nam, hình thành cơ chế kinh tế thống nhất.

   - Hướng thứ hai, tạm để hai cơ chế quản lý ở hai miền một thời gian. Theo lời kể của nguyên Bí thư Trung ương Nguyễn Văn Trân kể " ...Trung ương Cục có ra một nghị quyết giữ nguyên hiện trạng kinh tế trong một thời gian để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên khi đưa ra Trung ương tại Hội nghị lần thứ 24 thì đề nghị này không được chấp nhận" (5).

    Tại Hội nghị Trung ương 24 khóa III và sau đó là nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, quan điểm tiến hành cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế được thông qua. Sau Đại hội IV năm 1976, trên thực tế ở miền Nam đã diễn ra quá trình cải tạo XHCN, đến năm 1980 cơ bản hoàn thành, cả nước thống nhất mô hình quản lý kinh tế tập trung với hai thành phần là quốc doanh và tập thể với hai hình thức sở hữu cơ bản là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Hiến pháp 1980 đã thể chế quan điểm trên, điều 27 Hiến pháp chỉ quy định "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ. Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân".

     Mô hình quản lý tập trung không thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển, mà còn lâm vào khủng hoảng sâu sắc từ cuối những năm bảy mươi của thế kỷ XX. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, để thoát ra khỏi khủng hoảng, các địa phương đã phá rào cho "khoán chui" để "sản xuất bung ra" lại có hiệu quả rõ rệt.

 

     Hội nghị Trung ương sáu khóa IV (9/1979) đã chủ trương kết hợp kế hoạch với thị trường và ở miền Nam tồn tại năm thành phấn kinh tế. Sau hội nghị Trung ương 6 một số quyết định của Đảng và Nhà nước như: chỉ thị 100 về khoán trong nông nghiệp, quyết định 25-26/CP của chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý trong công nghiệp, đem lại hiệu quả đã từng bước làm thay đổi tư duy về sự cần thiết phải xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu. Tuy nhiên sau thất bại của đợt tổng điều chỉnh giá lương tiền 9/1985, Trong Đảng và trong xã hội lại nổi lên những tranh luận xung quanh 3 vấn đề lớn:

   + Cơ cấu sản xuất

   + Cải tạo xã hội chủ nghĩa

   + Cơ chế quản lý.

     Trong ba vấn đề trên liên quan đến ván đề sở hữu là cuộc tranh luận giữa hai quan điểm:

   Một là, phải tiếp tục cải tạo XHCN với các thành phần kinh tế với hai hình thức sở hữu.

   Hai là, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần tất yếu phải tồn tại đa dạng các hình thức sở hữu.

     Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đi đến một quyết định lịch sử với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần là chiến lược lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã có bước phát triển mới về tư duy lý luận, khắc phục sai lầm chủ quan duy ý chí khi chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa để xác lập hai hình thức sở hữu là nhà nước và tập thể. Đại hội VI kết thúc cuộc tranh luận kéo dài mấy chục năm với kết quả quan điểm phát triển kinh tế nhiều thành phần, công nhân sự tồn tại các hình thức sơ hữu gắn với các thành phần kinh tế. Đây chính là hướng tư duy khoa học tôn trọng sự vận động khách quan của kinh tế xã hội. Quan điểm trên được khẳng định trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên xây dựng CNXH được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 và được thể chế trong Hiến pháp 1991. Điều 15 của Hiến pháp quy định: "Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng".

 

     Đường lối của Đảng và Hiến pháp 1992 đã tạo niềm tin trong nhân dân về cơ sở pháp lý để họ yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước trong gần 30 năm đổi mới vừa qua. Nhưng trong quá trình đổi mới cũng xuất hiện những vấn đề cần đến sự hoàn thiện của lý luận và pháp luật của Nhà nước để người dân tiếp tục tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách pháp luật đối với tư liệu sản xuất đặc biệt là đất đai và mô hình quản lý các tập đoàn kinh tế các tổng công ty của Nhà nước liên quan đến đại diện chủ sở hữu Nhà nước để khắc phục những yếu kém trong quản lý đất đai và quản lý của các doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay.

 

     Chú thích:

1) Mác-Angghen toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 1995, tập 4 trang 616

2) Mác - Angghen toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 1995, tập 4 trang 616

3) Mác - Angghen toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 1995, tập 4 trang 469

4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội tập 7 trang 247, 248.

5) Dẫn theo Đặng Phong, "Tư duy kinh tế Việt Nam", Nxb Tri thức, Hà Nội 2008, trang 66 

< TS. Doãn Hùng >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 16