Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
[ 06/11/2012 10:51 AM | Lượt xem: 2354 ]

Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh 

               trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta

 

                               GS,TS Tạ Ngọc Tấn

                           Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

 

            1. Với sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, chủ nghĩa Mác - Lênin bị đặt trước thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Các nhà chính trị và tư tưởng tư sản hí hửng tung ra đủ thứ luận điệu nhằm bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và rêu rao về sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản, sự diệt vong của chủ nghĩa cộng sản. Trong trào lưu đó, không chỉ có kẻ thù của chủ nghĩa Mác - Lênin mà cả một số người trước đây một thời được coi là mác-xít, giờ đây cũng ra sức xuyên tạc, bác bỏ, công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng học thuyết đó giờ đã lỗi thời.

        Sau sự kiện đó, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” dưới nhiều hình thức, thủ đoạn nhằm chống phá chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ hoàn toàn các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Để thực hiện mục đích này, các nhà tư tưởng thù địch tìm mọi cách hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin cùng những giá trị tư tưởng đã hình thành trên cơ sở vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin thích ứng với những biến đổi của thời đại cũng như điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Đồng thời, họ tuyên truyền, tô vẽ cho những “thành tích” tự do, dân chủ dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, kích động dư luận xã hội để tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản và thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có nước ta.

Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, được tổng kết, đúc rút từ sự phân tích toàn bộ lịch sử nhân loại và thực tiễn xã hội thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản, kế thừa một cách có hệ thống những giá trị tư tưởng và thành tựu khoa học quan trọng nhất của loài người. Nó cung cấp cho chúng ta một thế giới quan khoa học và cách mạng, những quy luật phổ biến về sự vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Đặc biệt, về mặt xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra quy luật vận động của lịch sử nhân loại và con đường tất yếu tới chủ nghĩa cộng sản - một hình thái phát triển cao của xã hội loài người, trong đó con người được tự do, hạnh phúc, có đủ các điều kiện để phát triển và hoàn thiện một cách toàn diện.

       Cùng với sự vận động nhanh chóng của thực tiễn thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng có những trải nghiệm thực tế và sự phát triển phong phú, sinh động. Đó là sự không ngừng đổi mới về nhận thức thế giới trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và những thành tựu khoa học mới để nâng cao năng lực tư duy, năng lực cải tạo thế giới của con người; là sự phát triển nhận thức về thời đại và con đường, phương pháp, mục tiêu cánh mạng thích ứng với những đặc điểm, điều kiện của thời đại; đó là quá trình không ngừng tổng kết những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để đổi mới về mô hình phát triển xã hội, về chiến lược phát triển và duy trì các quan hệ quốc tế tích cực, có lợi cho mục tiêu phát triển của chủ nghĩa xã hội; là sự phát triển và vận dụng những nguyên lý chung của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng trong những điều kiện lịch sử, thực tiễn vô cùng phong phú của các quốc gia, dân tộc trên khắp thế giới, v.v.. Đúng như C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã từng tuyên bố: Học thuyết của các ông không phải là học thuyết nhất thành bất biến mà là học thuyết về sự phát triển, học thuyết của sự phát triển. Do đó, chủ nghĩa Mác - Lênin chưa bao giờ lỗi thời mà là một học thuyết khoa học có sức sống mãnh liệt.

       Thực tiễn lịch sử của thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI vừa qua là minh chứng không thể chối cãi cho điều đó. Hàng loạt dân tộc với hàng tỷ người đã vùng lên đấu tranh tự giải phóng và lựa chọn con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa là thể hiện khát vọng chân chính, nóng bỏng của nhân loại. Sự thành công và những thành tựu to lớn vào thời kỳ đỉnh cao của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước ở châu Âu, châu Á không chỉ là hiện thực hóa lý tưởng giải phóng con người, xây dựng một xã hội hài hòa, hạnh phúc, mà còn là một động lực quyết định mạnh mẽ cho những biến đổi tích cực ngay cả ở các nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Ở thời điểm hiện nay, khi mà mô hình XHCN đã sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu thì con đường XHCN vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều dân tộc ở Tây bán cầu và khắp các châu lục khác. Đặc biệt, khi nền kinh tế thế giới lâm vào suy thoái nặng nề sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, không ít nhà xã hội học, nhà tư tưởng, trong đó có cả những đại diện của giới tư sản đã trở lại với chủ nghĩa Mác - Lênin, mà thực chất là trở lại với những nguyên lý căn bản trong quản lý kinh tế - xã hội của học thuyết về chủ nghĩa xã hội.

       Tại Việt Nam, từ những năm 20 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác- Lênin thâm nhập vào thông qua lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số chiến sĩ cách mạng tiền bối thời bấy giờ và ngày càng được truyền bá rộng rãi. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đem lại cho chúng ta nền tảng tư tưởng vững chắc, những điểm tựa lý luận, phương pháp luận khoa học sâu sắc, giúp chúng ta nâng cao tầm tư tưởng, tầm trí tuệ, tư duy độc lập, sáng tạo, tìm ra con đường và giải pháp đúng để xử lý các vấn đề quan trọng trong cách mạng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam. Người đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội nhờ có sự giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm bắt được tinh thần và xu thế phát triển của thời đại, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người đã nhiều lần khẳng định rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới xóa bỏ vĩnh viễn ách áp bức, bóc lột và nô dịch, mới giải quyết tận gốc vấn đề giải phóng xã hội, giải phóng con người. Có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể để giải quyết các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, mà còn là một bước phát triển mới của chủ nghĩa Mác - Lênin thích ứng với những vấn đề do thực tiễn đất nước và lịch sử thời đại mới đặt ra. Như Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta...”

       Với sự hoàn thiện không ngừng trong thực tiễn, tư duy lý luận của Đảng ta được nâng cao, nhận thức ngày càng đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự vận dụng và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng to lớn, nguyên nhân cơ bản của thắng lợi vĩ đại trong 2 cuộc kháng chiến, cũng như những thành tựu to lớn trong gần 25 năm sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội.

        Trải qua hơn 80 năm lịch sử của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là cơ sở lý luận, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ sở và nền tảng cho chủ thuyết phát triển trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng ta khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng.

       2. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Ðông Âu bị sụp đổ là một bi kịch lịch sử lớn của thế kỷ XX, có nguyên nhân khách quan và chủ quan mang tính lịch sử - cụ thể. Trong quá trình hình thành và phát triển, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã đạt những thành tựu to lớn về nhiều mặt, đã từng là chỗ dựa cho phong trào hòa bình và cách mạng thế giới, cho việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Nhưng do chậm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong mô hình phát triển, lại mắc phải những sai lầm nghiêm trọng về đường lối cải tổ, cộng với sự chống phá của các thế lực đế quốc, phản động nên mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Ðông Âu đã bị sụp đổ.

       Nguyên nhân cơ bản của thất bại này là xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội, sa vào chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm, không phát triển và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin lên ngang tầm những đòi hỏi mới của các giai đoạn lịch sử; chủ quan, duy ý chí, vội vã đốt cháy giai đoạn, vượt lên những giai đoạn phát triển của chủ nghĩa xã hội mà thực tiễn chưa cho phép... Nhiều nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị giải thích một chiều và hoàn toàn sai lầm, như học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; về quy luật phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất; quy luật về đấu tranh giai cấp. Những vấn đề về tính chất, đặc điểm, nội dung, quy luật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đều bị hiểu một cách méo mó, sai lệch, dẫn đến chệch choạc về đường lối, chiến lược và sai lầm về sách lược, nhất là trong việc thiết kế mô hình chủ nghĩa xã hội.

       Các nhà sáng lập của chủ nghĩa Mác - Lênin nhiều lần nhấn mạnh rằng, lý luận của các ông không phải là lời giải xong xuôi, hoàn chỉnh, có thể áp dụng máy móc vào cuộc sống. Các ông đòi hỏi hệ thống lý luận này phải phát triển gắn liền với những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của sự phát triển của xã hội. Rõ ràng, học thuyết cách mạng của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lênin không can dự vào những lỗi lầm của những người cộng sản sau này khi tiến hành xây dựng xã hội mới.

       Kinh nghiệm lịch sử của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã chứng minh rằng công cuộc cách mạng và xây dựng của một quốc gia muốn giành thắng lợi thì đảng cộng sản nước đó phải căn cứ vào tình hình cụ thể, thực tiễn lịch sử để vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra con đường cách mạng riêng của mình. Cách mạng Tháng Mười thành công bởi V.I. Lênin đã trên cơ sở nắm chắc tình hình nước Nga, tìm ra được con đường phù hợp. Cũng như vậy, sự thành công của Chính sách kinh tế mới (NEP) cũng bởi V.I. Lênin đủ bản lĩnh thừa nhận rằng, nhiều quan niệm trước đó về chủ nghĩa xã hội đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải được thay đổi căn bản. Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc sở dĩ đạt được nhiều thành tựu to lớn như vậy bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì xuất phát từ thực tiễn, kết hợp và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tế giai đoạn đầu chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc để tìm ra con đường phát triển đặc sắc Trung Quốc.

       Sự nghiệp đổi mới của nước ta đến nay đạt được những thành tựu hết sức to lớn và có ý nghĩa lịch sử cũng chính nhờ chúng ta nhận thức đúng đắn bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực tiễn 25 thực hiện chính sách đổi mới vừa qua cho thấy, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày càng đi vào chiều sâu thì chúng ta càng phải đối diện với những vấn đề khó khăn, phức tạp mới, lại đặt ra cho đất nước những cơ hội lớn và thách thức mới. Tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải nhận thức lại cho đúng, vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với bối cảnh mới của thế giới và các điều kiện cụ thể trong nước hiện nay.

       Kiên định và vận dụng sáng tạo bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã ngày càng làm sáng tỏ con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thời kỳ đổi mới. Đó là con đường phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền tảng kinh tế hiện đại.

        3. Chúng ta đang bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, loài người tiến bộ đang chứng kiến những diễn biến hết sức phức tạp của thế giới. Những xu thế phát triển của thế giới cùng với những biến đổi sâu sắc đang diễn ra trên các lĩnh vực không những trong phạm vi quốc gia - dân tộc mà còn diễn ra ở tất cả các khu vực và trên toàn cầu.

        Chủ nghĩa xã hội với những bản chất tốt đẹp của nó vẫn là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới, những giá trị nhân văn cao cả của nó vẫn đầy sức sống và tồn tại sinh động trong đời sống nhân loại. Sau những biến động lịch sử cuối thế kỷ XX, các nước tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Một số nước tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từng bước được phục hồi, có sự tập hợp lực lượng dưới nhiều hình thức mới. Phong trào “cánh tả” ở Tây Âu và Mỹ La-tinh có bước phát triển mới, đặc biệt là phong trào “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” nổi lên ở nhiều nước Mỹ La-tinh.

       Đối với nước ta, chúng ta đã thực hiện chính sách đổi mới đã 25 năm nhưng nhiều vấn đề lý luận về sở hữu, về thời kỳ quá độ, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội... vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời thật sáng tỏ.

       Trong một thế giới sống động và đầy thách thức, chúng ta phải xét tới những mâu thuẫn, đối lập nhau trong trật tự thế giới đa cực, trong quá trình toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản chi phối hiện nay để chọn một lối đi thông minh, sáng tạo, có lợi cho sự phát triển. Để đạt được mục đích đặt ra mà vẫn giữ vững phương hướng chính trị, không phạm sai lầm về đường lối, đặt ra cho chúng ta yêu cầu cấp bách là không những phải nắm vững, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện, tình hình mới.

        Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi phải nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và có hệ thống những di sản tư tưởng, lý luận của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh; phải đổi mới tư duy để trở về với chính thực chất hệ thống luận điểm của các ông đã hình thành trong những điều kiện lịch sử cụ thể, trong đó cần hết sức chú ý đến những bổ sung, phát triển mà chính các ông phác họa trước những thay đổi của thực tiễn. Điều quan trọng là phải đặt những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong cả hệ thống như một chỉnh thể, không được cắt xén. Chúng ta phải xác định rõ những luận điểm nào trước đây đúng, nay vẫn đúng và về sau vẫn đúng; những luận điểm nào không còn phù hợp do thực tiễn đã thay đổi; những luận điểm gì vốn đúng, nhưng bị nhận thức và vận dụng sai; những luận điểm mới gì cần được phát triển, cần nhận thức lại, bổ sung vào lý luận cách mạng...

        Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở khách quan, dám nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận thách thức. Không quá câu nệ và không được có thái độ cực đoan đối với những sai lầm cũng như sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu để từ đó phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội; cũng không vì bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội mà biến nó thành giáo điều, xơ cứng, trở thành bảo thủ, coi nhẹ yêu cầu đổi mới và phát triển. Không nên phủ định, vứt bỏ những tiền đề, động lực đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển, mà cần nhìn nhận đó là thành tựu của nền văn minh nhân loại để có cách xử lý, vận dụng một cách hợp lý, có hiệu quả. Và đương nhiên, chúng ta phải cương quyết phê phán những quan điểm đi ngược lại những gì thuộc về bản chất, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, phải dựa chắc trên cơ sở phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để đánh giá đúng đắn tính chất, hiệu quả từng bước đi, từng sách lược xây dựng, phát triển đất nước, dám nhìn thẳng vào những sai lầm để khắc phục và hoạch định cho sự phát triển đi lên.

       Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở thực tiễn xây dựng đất nước và những điều kiện cụ thể của thế giới đương đại. Trong giai đoạn phát triển mới này, tình hình nước ta đã khác xa so với Liên Xô, Đông Âu trước đây, hay Trung Quốc hiện nay và cũng khác xa so với tình hình của Việt Nam 25 năm trước. Vì vậy, để nhận thức và đánh giá rõ thực tế Việt Nam cần phải đặt những thay đổi của Việt Nam hiện nay trong bối cảnh, xu thế phát triển chung của thời đại. Điều này đòi hỏi chúng ta phải kiên định mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải luôn tìm tòi sáng tạo những giải pháp đặc thù cho sự phát triển đất nước. Trong khi đòi hỏi phải cảnh giác với nguy cơ chệch hướng, chúng ta cũng cần phải đặt ra vấn đề chống chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ - một thứ nguy cơ có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

       Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phải luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất, đó là con người. Trong suốt hành trình của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không bao giờ xa rời mục tiêu giải phóng con người, giải phóng xã hội, giải phóng loài người. Đó là tư tưởng khoa học, mang tính nhân văn cao cả và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trên toàn thế giới. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải vận dụng sáng tạo, hình thành những giải pháp hợp lý, xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta để từng bước thực hiện mục tiêu giải phóng và phát triển con người toàn diện. Cương lĩnh chính trị của Đảng ta khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển”; “Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất...”. Từ định hướng chung ấy cần phải cụ thể hóa nhanh chóng thành các chính sách, xây dựng những cơ chế xã hội bảo đảm thực hiện các chính sách về con người, làm cho con người Việt Nam ngày càng được hưởng cuộc sống tự do hơn, hạnh phúc hơn.

       Từ khi ra đời cho đến nay, nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã minh chứng hùng hồn: bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn cao cả là nguồn gốc sức mạnh của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình và ngày càng thu được những thành tựu to lớn. Kiên định với bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam nhất định Đảng ta sẽ lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

< GS,TS Tạ Ngọc Tấn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 7