Thành Hà Nội dưới con mắt một người Pháp
[ 25/10/2012 10:24 AM | Lượt xem: 1504 ]

THÀNH HÀ NỘI DƯỚI CON MẮT MỘT NGƯỜI PHÁP(*)

 

Đinh Xuân Lâm

 

Đây là bài viết rút từ cuốn sách: Hà Nội trong thời kỳ anh hùng (1873-1888), xuất bản tại Pari, năm 1929. Để cung cấp thêm tư liệu cho bạn đọc, chúng tôi trích dẫn phần viết về thành Hà Nội khi thực dân Pháp đánh chiếm vào cuối thế kỷ XIX.

Bài viết mở đầu với câu nói của viên chỉ huy Pháp Phrăng-xít Gác-ni-ê (FranVis Garnier) trích trong bức thư gửi cho bạn ở Pháp trước ngày đánh thành Hà Nội, lời lẽ tuy đầy chủ quan, ngạo mạn, nhưng vẫn không dấu được nỗi lo sợ. Gác-ni-ê không bị giết chết trong trận đánh thành Hà Nội sáng ngày 20-11-1873, nhưng chỉ một tháng sau y đã phải đền tội tại trận Cầu Giấy ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, cũng trong một buổi sáng ngày 21-12 năm đó.

Lệnh đã được ban bố! Đến mai tôi sẽ tấn công, vào lúc tờ mờ sáng. 7.000 người bố trí sau thành (chỉ số quân của ta-ND) với 180 người (chỉ số quân Pháp-ND). Nếu bức thứ này tới anh mà không chữ ký, nghĩa là không có phần tôi viết thêm về sau, điều đó có nghĩa là tôi đã bị giết chết”.

Gác-ni-ê, 19-11-1873.

Cái  hình bốn cạnh xưa kia do các bức tường của toà thành chạy bao quanh-gần như hoàn toàn bị san phẳng từ 1894 đến 1897-ngày nay chỉ còn nhìn thấy trên bản đồ thành phố, được bao quanh bởi bốn con đường lớn: đại lộ Bri-e-rơ đờ Lít (Brière de l’Isle-nay là đường Hùng Vương), các đường Các-nô (Carnot-nay là đường Phan Đình Phùng), Hen-ry Oóc-lê-ăng (Henri d’Orléans-nay là phố Phùng Hưng) và Phê-lích Phô (Félix Faure-nay là đường Trần Phú-ND).

Được xây dựng dưới thời Gia Long vào năm 1805, nó là một trong những mẫu đặc sắc nhất của kiểu loại thành Vô-băng (Vauban)[1] mà xứ Đông Dương nhờ các sĩ quan Pháp mới có, các sĩ quan này đều là bạn của giám mục Đa-đrăng (d’Adran)[2].

Là những chứng nhân của sự hợp tác đầu tiên giữa hai dân tộc Pháp-Việt, từ những năm đầu của thế kỷ XIX, những người đó xứng đáng được tôn trọng. Quả vậy, như ông Pa-xkiê (Pasquier) đã nói, thật hết sức cảm động “khi tìm thấy trong các xứ thuộc Viễn Đông dấu vết mà chúng ta đã để lại ở đấy... Người ta không thể ngắm nhìn các công trình đồ sộ đó mà không cảm thấy một niềm kiêu hãnh lớn lao và một niềm tin tưởng vững vàng vào trí tuệ của dân tộc chúng ta” (chỉ dân tộc Pháp-ND)

Theo các nguồn tài liệu An Nam, bản đồ thành Hà Nội do các sĩ quan Pháp vẽ ra sau này có lẽ đã được sửa đổi năm 1805 bởi các quan lại, vì lẽ rằng nó không hợp với những quy định địa lý[3].

Tài liệu mô tả chi tiết thành Hà Nội lần đầu tiên là của thiếu tá Cha-pô-tô (Chapotot), ngày 16-11-1875[4]: “Hình thù chung của tòa thành là hình vuông lớn. Mỗi bề của hình vuông có ba mặt, trước xây pháo đài gồm 3 thành liền tháp canh của hai pháo đài và hai nửa pháo đài. Các mặt trước ở giữa, các phía Bắc, Đông và Tây và các mặt xa nhất của phía Nam đều được bảo vệ bởi những luỹ bán nguyệt không có nơi phòng thủ.

Toà thành này có một dải đất nằm giữa con hào bao quanh và chân thành (để tránh khỏi tình trạng đất thành sụt lở xuống lấp mất hào), không rộng quá từ 6 đến 7 mét. Chiều cao của thành rộng hơn chiều ngang của dải đất vào thành khoảng 5 mét. Vách thành được bọc ngoài bởi một lớp gạch xây.

Con hào bao quanh thành rộng vào khoảng từ 15 đến 18 mét và sâu gần 5 mét. Vách hào, cũng như vách thành, được ghép gạch. Phần luỹ bên trong không bao gạch. Con hào quanh năm có nước; độ sâu không quá 1m20 hay 1m30. Không có bờ dốc.

... Dấu vết duy nhất ngày nay còn lại của các dãy thành cũ, nằm lọt trong các khu nhà của Sở chế thuốc súng (nay là Bộ Quốc phòng-ND). Một bức ảnh chụp ở góc Tây Bắc của pháo đài cho phép đánh giá các chi tiết trong việc xây dựng bức thành dốc bằng những viên gạch lớn kích thước 40x14x18cm và hình trắc diện của cái gờ cũng bằng gạch đỡ lấy một lan can sau đó có một con đường đi tuần. Trên bức ảnh thứ 2, chụp thẳng đứng, người ta nhìn thấy chính diện con hào đã bị lấp, có độ cao ngày nay thấp hơn độ cao của dải đất sát chân thành trước kia một chút.

Chúng ta hãy theo dõi sự mô tả của thiếu tá Cha-pô-tô: “Các sự liên lạc với bên ngoài đều thông qua 5 cửa nằm giữa có các tường thành liền tháp canh được bảo vệ bởi các tường bán nguyệt. Muốn vào thành phải đi qua một cái vòm được đóng kín bởi các cánh cửa gỗ rất lớn và nặng nề, có khả năng phòng thủ chắc chắn. Người ta vượt qua con hào chạy quanh thành trên những cái cầu bằng gạch nối liền các thành liền tháp, không có cầu treo. Các cầu gạch chạy thẳng vào giữa các bán nguyệt. Con đường chạy tiếp tục thêm một đoạn trên đất liền rồi đổi hướng sang phải và chạy ra khỏi các công trình lộ thiên được bố trí trong các mặt phải và gần cửa thành. Các cửa thành được đóng bởi những cánh cửa gỗ hiện nay rất xấu. Người ta vượt qua các hố của các đường bán nguyệt không có cầu treo”.

Cửa Bắc là cửa duy nhất còn lại, nhưng nó bị bịt kín về phía đại lộ Các-nô và chính chỉ đứng trong thành thì người ta mới có thể thưởng thức cái vòm tuyệt đẹp bằng gạch luồn qua cổng thành, dài 23 mét và các bậc thang gạch lộ thiên rất đẹp dẫn lên chòi canh xưa kia là nơi ngồi gác, ngày nay đã được đổi thành nhà binh lính ở (chỉ binh lính Pháp-ND). ở phía ngoài, người ta vẫn còn giữ lại các vết đạn ăn sâu vào tường thành do trận bắn pháo ngày 25-4-1882, có một tấm bảng lưu niệm. Người ta cũng đọc được, phía trên cổng thành ba chữ đại tự: Chính Bắc môn (cửa chính phương Bắc).

Toàn bộ các công trình đó sẽ có một giá trị phòng thủ lớn nếu có một lực lượng pháo binh mạnh hiện đại. Nhưng sự trang bị chỉ gồm có các khẩu đại bác rỉ “sẽ có lợi nếu nằm trong căn hàng của một người bán đồ cổ hơn là đặt trên bờ một toà thành”. Tầm bắn của chúng ngắn đến nỗi, vào ngày 24-4-1882, khi chúng cố chống đỡ lại trận nã pháo của các tàu chiến của ta (tức Pháp-ND) đậu ngoài sông, các viên đạn của chúng rơi nửa chừng xuống ngay các khu phố người Nam ở.

Bên trong, nằm giữa những đám vườn ruộng, đầm lầy và ruộng lúa, khu thành gồm có ba khu nhà chính: ở giữa là Hoàng cung và Cột cờ; phía Tây là các kho của tỉnh Hà Nội; phía Đông là nhà ở và trụ sở của các quan đại diện cho nhà vua trong tỉnh.

Hoàng cung được dựng ngay trên vị trí của cung cũ đời Lý do vua Thái Tổ cho làm vào đầu thế kỷ XI[5], vào một địa điểm được chọn vì các điều kiện địa lý rất tốt[6] và những điều kiện thần bí bảo vệ nó chống lại các ảnh hưởng xấu. Hoàng cung không nằm đúng ngay vào trục của toà thành có hướng chung là Tây Bắc-Bắc-Tây Nam-Nam, mà hơi chếch về phía Tây Bắc. Phải tìm lý do của việc này trong ý thích muốn lợi dụng một vài đặc điểm địa lý trong khi vẫn tôn trọng các quy định bắt buộc phải chọn lấy một trong các hướng sau: Tí-Ngọ, Quý-Đinh, Nhâm-Bính, Càn-Tốn.

Được bảo vệ bởi một bức tường hình chữ nhật mà một số cửa ngày nay còn được giữ lại, Hoàng cung gồm có từ Nam chí Bắc ba toà nhà: Đoan Môn, Kính Thiên và Hàn Lâu. Toà nhà đầu tiên, toà nhà duy nhất hiện nay còn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn, là một cái cổng đồ sộ có 5 cửa lớn ra vào, mà 3 cửa ngày nay đã bị xây gạch kín. Trên các khối gạch xây vững chắc là một chòi canh kiểu Trung Quốc có 2 tầng mà cái dáng đẹp đẽ của nó đã bị biến hình đi bởi một dãy hành lang cùng các cửa sổ và cửa lớn (do người Pháp sửa lại để dùng làm nơi ở-ND). Phía trên cửa chính Nam, người ta còn đọc được hai chữ Đoan Môn (cửa trực tiếp).

Toà nhà chính giữa gọi là Kính Thiên (Kính Trời) được xây dựng trên một gò đất thiêng là núi Nùng suốt bao thế kỷ được xem như là nơi phát tích của Kinh thành, là một trong những tuyệt tác của kiến trúc An Nam. Trên các gờ mái có những con rồng đá uốn lượn chạy dài, các rồng đá này có sống lưng lởm chởm răng nhọn. Đầu chúng ngẩng cao về 4 góc của toà nhà[7]. Trong nhà, “các cây cột rất cao và to một vòng ôm, tất cả đều bằng gỗ lim”[8]. Điện Kính Thiên đã bị phá năm 1886 để lấy chỗ cho toà nhà ngày nay Sở Giám đốc Pháo binh đóng. Trái lại, các bậc tam cấp tuyệt đẹp của nền điện vẫn còn là những con rồng đá lớn chạy dài theo các tam cấp đá, theo ý kiến của ông Mát-xpê-rô (Maspéro) là được chạm từ thời Lý[9]. Đáng ngờ rằng chúng lại có từ một thời kỳ cổ như vậy và sự giống nhau giữa chúng với các con rồng ở các bậc tam cấp tại lăng Gia Long ở Huế cho phép đoán định một cách gần sự thật hơn là chúng được làm ra vào đầu thế kỷ XIX như toàn bộ toà thành vậy.

Còn toà nhà thứ ba gọi là Hàn Lâu, được gọi một cách không chính xác là “Chùa của các bà”, ngay từ 1876 nó đã rơi vào tình trạng hoang tàn khi Pê-tơ-ruýt (Pétrus) Ký ra thăm Hà Nội; được khôi phục lại hoàn toàn, ngày nay nó được dùng làm nhà ở cho quân lính.

Về phía Nam và nằm đúng trong trục của Hoàng cung là cái tháp cao mà ngày nay chúng ta (chỉ người Pháp-ND) thường gọi là Tháp canh, còn người An Nam thì gọi là Cột cờ, là nơi xưa kia treo lá cờ vàng của nhà vua vào những ngày lễ[10].

Được xây dựng bởi vua Gia Long năm 1812, công trình này được bảo vệ tốt nhất trong toàn bộ khu thành, được cấu tạo ở phía dưới bởi ba tầng nền đất hình chữ nhật nhỏ dần từ dưới lên trên, nền dưới cùng đo được 42 mét và tầng trên cao nhất đo được 15 mét mỗi cạnh. Các cửa của nền thứ 2-trừ cửa ra-đều còn có các tên gọi cũ bằng chữ nho:

Cửa Đông là Nghênh Húc (đón bình minh).

Cửa Nam là Hướng Minh (quay về phía ánh sáng).

Cửa Tây là Hồi Quang (ánh sáng trở về).

Nền đất thứ 3 có tháp canh hình 8 cạnh mà muốn trèo lên tận đỉnh cao người ta phải đi theo 2 bậc cầu thang cách biệt nhau, ngày nay chỉ còn một cái dùng được. Phía trên cửa vào, người ta đọc được mấy chữ sau: Kỳ Đài (Tháp Cờ).

Các kho của tỉnh Hà Nội là nơi người ta nộp thuế bằng tiền đồng và hiện vật (thóc) nằm ở phía Nam hiện là địa điểm của trường trung học An-be Xa-rô (Albert Sarraut, nay là Cơ quan của Trung ương Đảng CSVN-ND). Chúng gồm có kho lúa-chủ yếu dùng cho việc trả lương một số quan lại và phát chẩn-và kho tiền ở đấy người ta cất các quan tiền đồng hay nén bạc. Sự coi sóc các kho đó được giao cho Quan Bố (chức Bố Chánh phụ trách việc thu thuế-ND) mà trụ sở làm việc được đặt gần Cửa Bắc. Các quan lại lớn khác: Tổng đốc, Tuần vũ, án sát và Đề đốc có nhà ở phía Đông cửa thành, nhà ở của ông Tuần phủ năm 1873 là nơi ở của Thống chế Nguyễn Tri Phương, khâm phái của nhà vua.

Đi thăm thành cũ, người ta còn nhận thấy Bãi tập võ nằm sát địa điểm Sở Giám đốc Tài chính hiện nay, khu chuồng voi dưới chân Cột cờ, nhà lao trong góc Đông Nam, Trường bắn, Quân xưởng và nhiều ngôi chùa, chủ yếu là đền Khán Sơn trên ngọn núi đất đắp mang cùng tên nằm phía sau các kho tỉnh, Vũ miếu là nơi thờ thần chiến tranh (Quan Võ) và cuối cùng, bên cạnh Cột cờ là ngôi miếu nhỏ thờ Liễu Hạnh công chúa nấp kín dưới một cây đa cổ thụ “một cây rất lớn, có cành lá lạ lùng, có những rễ phụ to như những giây thừng xoắn xít uốn vòng trong bao thế kỷ theo nhiều hướng và lâu ngày mới có, chỗ này có hình con rồng, chỗ kia uốn éo và treo cao như đàn rắn. Có những cột cây thẳng đứng hình như chống đỡ một cái trần bằng lá cây, những khối u nhắc nhở tới các hình ngai, hương án, tất cả chiếm hết một khoảng 50 bước về mọi hướng”[11].

*

Nói tóm lại, thành Hà Nội không phải chỉ là cái đồn binh chính ở phía Bắc Đông Dương, mà còn là trung tâm của chính quyền một tỉnh lớn và là kinh đô lịch sử của xứ Bắc Kỳ, đã từng là nơi ở của các triều đại dân tộc (Việt Nam-ND) trong nhiều thế kỷ.

 

 

 



(*) Tạp chí Lịch sử quân sự, số 1-2000, tr.44-47

[1] Vô-băng là một sĩ quan phụ trách công binh trong quân đội Pháp vào thế kỷ XVII. Có công lớn trong việc xây dựng các thành phòng thủ, nên sau này gọi các thành xây theo kiểu của ông là thành Vô-băng

[2] Được quen gọi là Giám mục Bá Đa Lộc, đã giúp Nguyễn ánh (sau này là vua Gia Long) mộ binh, mua vũ khí đánh lại Tây Sơn.

[3] Đây là nói chọn đất xây thành theo thuyết phong thuỷ (ND).

[4] Lưu trữ Trung ương xứ Đông Dương-Phông Đô đốc 13526.

[5] Mát-xpê-rô-Nền bảo hộ nước Annam dưới đời Đường, BEFEO, 1910, tập X.

[6] Về các nguyên tắc quy định việc chọn lựa địa điểm một thành phố. Tham khảo L. Ca-đi-e (Cadierè)-Một kinh thành tuyệt diệu, B.A.V.H, 1916.

[7] F. Gác-ni-ê-ở Bắc kỳ trong thời kỳ chinh phục.

[8] Pê-tơ-ruýt Ký-Chuyến đi Bắc Kỳ năm ất Dậu (vào năm 1867)-Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ.

[9] Mát-xpê-rô-Nền bảo hộ nước Annam dưới đời Đường, BEFEO, 1910, tập X.

[10] Thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ.

[11] Đuy-mi-chi-ê (Dumoutier), Tạp chí Đông Dương, (Revue Indochinoise), 1901.

< Đinh Xuân Lâm >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 16