CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG XIÊM CUỐI THẾ KỶ XVIII -
SỰ THỂ HIỆN SÂU SẮC Ý THỨC VỀ CHỦ QUYỀN
CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TRÊN VÙNG ĐẤT NAM BỘ
1. Năm 1558, Nguyễn Hoàng lên đường vào trấn thủ xứ Thuận Hoá, rồi từ năm 1570 kiêm trấn thủ xứ Quảng Nam. Một cuộc chia cắt chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn và vì quyền lợi của hai tập đoàn phong kiến họ Trịnh và họ Nguyễn bắt đầu manh nha và trở thành hiện thực từ đầu thế kỷ XVII và kéo dài cho tới gần hết thế kỷ XVIII Chia cắt và xung đột, và để không bị tiêu diệt, họ Nguyễn đã biết làm mạnh mình, bằng cách tận dụng những thế mạnh của vùng đất mới, là đất rộng, người thưa, là tiềm năng và sự màu mỡ của đất đai. Công cuộc khai hoang được đẩy mạnh, mà họ Nguyễn, trực tiếp hay gián tiếp, dưới hình thức này hay hình thức khác, đóng vai trò là người tổ chức. Đất đai mở dần về nam - Nam Trung Bộ và đặc biệt là Nam Bộ. Cả một vùng rộng lớn, phân nửa Việt Nam, như được “kích hoạt”, bỗng trở nên sống động - nhất là đối với Nam Bộ vốn hoang vu và ngủ yên sau sự sụp đổ của Vương quốc Phù Nam và sự bất lực của chính quyền Chân Lạp. Một Việt Nam dài rộng từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau dần được định hình.
Tuy nhiên, cho dù có đến muộn hơn Đàng Ngoài, thì từ nửa sau thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến Đàng Trong cũng bắt đầu lâm vào khủng hoảng. Một biểu hiện nổi bật của tình hình này là sự tha hoá của toàn bộ hệ thống chính quyền, từ trung ương đến cơ sở. Như không thể khác, phong trào Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo, khởi từ đất Quy Nhơn - Bình Định, đã bùng nổ, chính thức từ năm 1773, và giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân nghèo. Phạm vi cai trị của chính quyền chúa Nguyễn bị thu hẹp, bị chia cắt, rồi khi ba vạn quân Lê - Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy tiến vào, tập đoàn thống trị họ Nguyễn, thành đám tàn quân, đã phải bỏ Phú Xuân, dạt vào Nam Bộ. Tại đây, quân Nguyễn được phục hồi. Nghĩa quân Tây Sơn, lượng sức mình chưa đủ mạnh để vừa đánh Trịnh mặt bắc, vừa đánh Nguyễn mặt nam, đã chủ động hoà Trịnh mà tập trung diệt Nguyễn. Nhiều lần Tây Sơn mở các đợt tấn công lớn vào Nam Bộ, quân Nguyễn bị đánh tơi tả, phải bỏ đất liền dặt dẹo ra vùng hải đảo. Đầu năm 1784, trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, trên bước đường cùng, Nguyễn Ánh đã chạy sang cầu cứu Xiêm, mong Xiêm giúp diệt Tây Sơn, khôi phục quyền thống trị. Xiêm bấy giờ đang mạnh, nuôi âm mưu thôn tính Chân Lạp và vùng đất Nam Bộ của nước ta, đã triệt để lợi dung cơ hội này.
Vua Xiêm quyết định đánh Nam Bộ bằng cả hai đường thuỷ bộ. Tháng 4 năm 1784, ba vạn bộ binh Xiêm tiến qua Chân Lạp, rồi mở đường tiến vào Gia Định. Ngày 25 tháng 7 năm 1784, thuỷ binh Xiêm gồm hai vạn quân và 300 chiến thuyền, do Chiêu Tăng và Chiêu Sương (cháu vua Xiêm) chỉ huy vượt biển tiến xuống, theo sau là tàn quân Nguyễn Ánh. Hai cánh quân Xiêm cùng phối hợp hành động. Tháng 8, thuỷ quân Xiêm chiếm Kiên Giang. Sau đó ít lâu, bộ binh Xiêm chiếm Cần Thơ. Quân Tây Sơn đồn trú ở Nam Bộ, chỉ có khoảng vài ngàn người, do tướng Trương Văn Đa chỉ huy, dù không cản được bước tiến của quân Xiêm, nhưng cũng đã chiến đấu anh dũng, gây cho liên quân Xiêm - Nguyễn nhiều tổn thất. Quân Xiêm lộ rõ bộ mặt kẻ xâm lược, cướp bóc của cải, hãm hiếp phụ nữ, giết hại dân thường. Tập đoàn Nguyễn Ánh mất mặt trước nhân dân Nam Bộ. Từ Quy Nhơn, bộ chỉ huy quân Tây Sơn theo dõ sát sao tình hình, với quyết tâm cao, đã huy động hai vạn quân, trao quyền chỉ huy cho Nguyễn Huệ, tiến vào nam đánh đuổi quân thù. Bằng sức mạnh quật khởi của đội quân nông dân yêu nước, bằng sự ủng hộ của đồng bào Nam Bộ, bằng tài năng quân sự kiệt xuất của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đã đánh tan năm vạn quân Xiêm, đánh tơi tả hàng ngàn quân Nguyễn Ánh trong trận quyết chiến chiến chiến lược Rạch Gầm - Xoài Mút ngày 19 tháng 1 năm 1785. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Xiêm cuối năm 1784 đầu năm 1785, là một trong những trang oai hùng nhất, mang nhiều ý nghĩa lịch sử lớn lao.
2. Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm - Xoài Mút đã quét sạch năm vạn quân xâm lược Xiêm ra khỏi đất Nam Bộ, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của phong trào Tây Sơn, làm suy yếu tập đoàn Nguyễn Ánh, tạo tiền đề cho phong trào tiếp tục đi lên: ra bắc lật đổ chính quyền vua Lê chúa Trịnh, xoá bỏ cục diện chia cắt đất nước, đại phá hai mươi chín vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một trong những vũ công chói lọi nhất, một trận thuỷ chiến - quyết chiến chiến lược điển hình sánh ngang với Bạch Đằng năm 938 và 1288... Trên một phương diện khác, thắng lợi này đã đưa phong trào Tây Sơn, từ một cuộc khởi nghĩa nông dân vươn lên mạnh mẽ trở thành một phong trào quật khởi của toàn dân tộc, là sự khẳng định sâu sắc ý thức về chủ quyền của người Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ.
2.1. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, trong toàn bộ không gian lãnh thổ hiện nay, trải các thời kỳ, là quá trình của xu hướng đi tới sự thống nhất. Đó là sự thống nhất về lãnh thổ, sự thống nhất về kinh tế - xã hội, và cao hơn, bản chất hơn, cơ sở của sự thống nhất bền vững, là sự thống nhất về văn hoá. Xu hướng thống nhất ấy dựa trên nền tảng là ý thức về cộng đồng quốc gia - dân tộc, là tình yêu quê hương đất nước sớm phát triển thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam[1].
Trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hiện nay, từng tồn tại ba không gian lịch sử - văn hoá và ba quốc gia cổ đại. Thứ nhất, vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và đỉnh cao là Đông Sơn, với người Việt cổ, là quốc gia cổ đại Văn Lang - Âu Lạc. Thứ hai, vùng Trung Bộ và Nam Trung Bộ, từ Sa Huỳnh, với người Chăm cổ, là quốc gia cổ đại Chămpa. Thứ ba, vùng Nam Bộ, từ Óc Eo, với cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo, là quốc gia cổ đại Phù Nam. Quá trình lịch sử và văn hoá Việt Nam là quá trình đi đến sự thống nhất và hoà đồng giữa các quốc gia và các nền văn hoá đó.
Từ thế kỷ X, khi người Việt giành được độc lập và bắt đầu công cuộc phục hưng đất nước thì cũng là khi quốc gia Chămpa đang trong giai đoạn cường thịnh. Từ đây, ít nhất là cho đến cuối thế kỷ XV, tính đến trước cuộc hành quân năm 1471 của Lê Thành Tông, nhìn toàn bộ quá trình của quan hệ (hay tương tác) Đại Cồ Việt - Đại Việt và Chămpa, có một khuynh hướng “tiến vào”, nhưng cũng có đồng thời một khuynh hướng “tiến ra”. Thực tế này có lý do chính trị - thường là nguyên nhân trực tiếp. Nhưng cũng còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Người Việt với địa bàn cư trú truyền thống Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mà tập trung là vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và dải đồng bằng hẹp ven biển Bắc Trung Bộ, từ rất sớm, đã lựa chọn cây lúa nước làm cây trồng chủ yếu và nông nghiệp làm ngành kinh tế chủ đạo, có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Dân cứ ào ào đổ xuống, chặn đứng quá trình châu thổ và tạo nên tình trạng tập trung dân số với mật độ cao. Sức ép được nhân lên mỗi khi chính quyền tỏ ra không hiệu quả trong các chính sách kinh tế và điều hoà các quan hệ xã hội. Một “nhu cầu tiến vào” để mở đất là thực tế. Người Chămpa vùng Trung và Nam Trung Bộ còn khó khăn hơn. Đồng bằng hẹp lại luôn bị lũ lụt bởi hệ thống sông ngắn và dốc rất khó cho phát triển nông nghiệp. Vì thế, sự lựa chọn dường như có nghiêng về biển cả, nhưng cũng chưa đủ sức để trở thành một “quốc gia hàng hải”. Một “nhu cầu tiến ra” để mở đất cũng là một thực tế. Hai “khuynh hướng” của cùng một “nhu cầu”, có khi tạo nên thế “đưa đẩy”, nhưng nhìn toàn cục, lực đẩy vào mạnh hơn lực tiến ra và thắng thế[2]. Quá trình này không diễn ra một sớm một chiều, mà kéo dài tới ngót sáu thế kỷ. Sáu thế kỷ đủ cho mỗi bước của quá trình lãnh thổ cũng là mỗi bước của quá trình hoà đồng và thống nhất văn hoá. Một nhà nước (nhà nước Chămpa) dù mất đi, nhưng một nền văn hoá (văn hoá Chămpa) thì không, nó vẫn tồn tại, góp mình vào dòng chung của lịch sử và văn hoá Việt Nam, với một sức sống mới, làm nên một Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Đối với vùng đất Nam Bộ, dù còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, đến nay giới nghiên cứu đã cơ bản thống nhất, về một nền văn hoá cổ đại Óc Eo - cơ sở vật chất - kỹ thuật cho sự ra đời và phát triển của vương quốc cổ đại Phù Nam, với địa bàn chủ yếu tương đương với vùng Nam Bộ ngày nay mà chủ nhân là những cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo. Nền văn hoá và quốc gia này phát triển rực rỡ, trở thành một trung tâm văn minh lớn, một trung tâm quyền lực lớn của Đông Nam Á cổ đại. Vương quốc Phù Nam thành đế chế Phù Nam[3]. Rồi vì nhiều lý do, tự nhiên có, lịch sử và xã hội có, đến nửa cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII, Phù Nam suy yếu. Trong bối cảnh đó, các thuộc quốc của Phù Nam bắt đầu trỗi dậy, một trong số đó là Chân Lạp, đã tấn công và thôn tính Phù Nam. Ngót một ngàn năm, cho đến đầu thế kỷ XVII, Nam Bộ - Phù Nam trở nên suy thoái. Đó là tác động của đợt biển tiến cuối cùng vào khoảng nửa cuối thiên niên kỷ I nhấn chìm một số vùng đất thấp Nam Bộ xuống dưới mực nước biển, là sự không đủ sức trong quản lý và khai phá của chính quyền Chân Lạp. Nam Bộ - Phù Nam trở nên hoang vu, như mô tả của Chu Đạt Quan vào thế kỷ XIII trong sách Chân Lạp phong thổ ký: “Bắt đầu vào Chân Bồ (vùng cửa sông Tiền Giang) hầu hết cả vùng đều là bụi rậm của khu rừng thấp, có những cửa rộng của con sông lớn chạy dài hàng trăm dặm (lí). Bóng mát của những gốc cây cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ xum xuê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Đi đến nửa đường trong sông, người ta mới bắt đầu thấy những cánh đồng nhưng đều bị bỏ hoang phế, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy, hàng trăm hàng ngàn con trâu rừng tụ họp thành từng bầy trong vùng này, tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm. Tại mắt của loại tre này có đầy gai và măng của nó có vị rất đắng”[4]. Tính chất hoang vu đó, đây đó, thậm chí còn kéo dài cho đến cuối thế kỷ XVIII, như ghi chép của Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”[5]. Từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, người Việt, phần lớn là dân nghèo vùng Thuận - Quảng, bắt đầu tiến vào Nam Bộ, đóng vai trò hạt nhân đoàn kết và hợp lực, cùng với các nhóm cộng đồng cư dân khác, khai phá đất đai. Chính quyền chúa Nguyễn, chính quyền Chân Lạp nâng đỡ cho công cuộc mở đất này. Nam Bộ hoang vu như sống dậy bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của dân nghèo. Quá trình này cũng không phải một sớm một chiều, mà tính bằng thế kỷ. Cũng giống như vùng đất Trung và Nam Trung Bộ, tại đây, mỗi bước của quá trình lãnh thổ cũng là mỗi bước của quá trình hoà đồng và thống nhất văn hoá.
Cho đến giữa thế kỷ XVIII, quá trình lãnh thổ trong lịch sử Việt Nam đã cơ bản hoàn thành. Một Việt Nam với dáng nét cong cong hình chữ S cân đối và duyên dáng đã cơ bản định hình. Đó là cả một quá trình, của một dòng chảy lịch sử cần mẫn, trong đó có dòng lớn cùng vô vàn dòng nhỏ, hoà thành một dòng chung lịch sử và văn hoá Việt Nam. Quá trình đó, dòng chảy đó là thống nhất, muộn nhất là cho đến cuối thế kỷ XVIII, đã trở thành một thực thể thống nhất, là mạch ngầm trên cái bề mặt chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài.
Ý thức về sự thống nhất của quốc gia - dân tộc trong cái vỏ bề ngoài chia cắt đã đạt đến trình độ tự giác từ cuối thế kỷ XVIII. Chỉ có dựa trên cơ sở này phong trào Tây Sơn mới có thể phát triển nhanh chóng và đạt được những thành tựu, những cống hiến lịch sử lớn lao như vậy.
Khi bùng nổ, phong trào Tây Sơn mang tính chất của một cuộc đấu tranh giai cấp, tấn công vào hệ thống chính quyền cai trị sâu mọt chúa Nguyễn, tấn công vào địa chủ, bảo gồm cả việc tước đoạt ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo. Nhưng điều mà Tây Sơn làm được vượt qua giới hạn của một phong trào nông dân, là trong một điều kiện lịch sử cụ thể đã tự trưởng thành vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc: kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi, xoá bỏ ranh giới chia cắt đất nước. Chỉ có trên cơ sở sự phát triển của ý thức về sự thống nhất, về chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, quân Tây Sơn có được sức mạnh đánh tan năm vạn quân Xiêm, mới có được xung lực để vượt qua chính mình mà vượt ranh giới sông Gianh tiến ra Bắc xoá bỏ sự chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài, mới có được sức áp đảo mà đánh tan được 29 vạn quân Thanh. Tây Sơn với những cống hiến lịch sử vĩ đại đó là cộng hưởng của các nhân tố dân tộc đã trưởng thành.
2.2. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, trên địa bàn Nam Bộ, trong một phạm vi không gian với những nét đặc trưng và tương đối tương đồng về tự nhiên đó, đã định hình một cộng đồng cư dân, có thể gọi đó là cộng đồng cư dân Nam Bộ. Phần lớn là người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và một số nhóm cư dân khác, sống đan xen với nhau. Do tác động của nhiều yếu tố, quan hệ kinh tế - giai cấp ở Nam Bộ phát triển khá rành mạch. Một giai cấp địa chủ, trong đó có không ít đại địa chủ, sớm ra đời bên cạnh những người nông dân không đất hoặc ít đất[6]. Phong trào Tây Sơn bùng nổ trước hết là cuộc quật khởi của những người nông dân nghèo khổ. Trong quá trình cuộc khởi nghĩa, phong trào không chỉ lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo, mà còn có thể đã lấy ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân[7]. Tập đoàn phong kiến Nguyễn chống lại Tây Sơn, mà địa chủ - trong đó có địa chủ Nam Kỳ - cũng chống lại Tây Sơn là vì lẽ đó. Điều này cắt nghĩa vì sao địa chủ, nhất là đại địa chủ Nam Bộ, ủng hộ Nguyễn Ánh, trong đó có cả việc ủng hộ Nguyễn Ánh rước quân Xiêm vào. Tập đoàn Nguyễn Ánh và đại địa chủ Nam Bộ đã không vượt qua được quyền lợi ích kỷ của dòng họ, của giai cấp, mà mạo hiểm đánh cược cả độc lập và toàn vẹn lãnh thổ vào cuộc cầu viện quân Xiêm. Dù có biện minh bằng bất kỳ lý do nào thì cũng không thể thanh minh cho hành động này của tập đoàn Nguyễn Ánh.
Nhưng đông đảo nhân dân Nam Bộ thì đã chiến đấu và cùng chiến đấu với quân Tây Sơn. Không có sự ủng hộ của nhân dân thì tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa, với vài nghìn quân, đã không thể cầm cự được với hơn năm vạn quân Xiêm - Nguyễn, hoặc làm chậm bước tiến của quân Xiêm, như thú nhận của Nguyễn Ánh trong lá thư gửi giáo sĩ Pháp J. Liot ngày 25 tháng 1 năm 1785: “… bọn lính Xiêm chạy theo cái cuồng vọng của chúng: cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái, vơ vét của cải, giết hại bất kỳ già trẻ. Vì vậy sức mạnh của của quân phiến loạn (chỉ quân Tây Sơn) càng ngày càng tăng lên trong khi quân Xiêm càng ngày càng yếu đi”[8]. “Những lời thú nhận trên đây chứng tỏ tội ác tày trời của quân giặc và lòng phẫn nộ cao độ của nhân dân. Từ đó nhất định bùng lên ngọn lửa yêu nước, căm thù của nhân dân Gia Định với nhiều hình thức tham gia ủng hộ có hiệu quả đối với quân Tây Sơn.”[9].
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Xiêm là sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự của quân Tây Sơn và sự ủng hộ của nhân dân Nam Bộ. Quân Tây Sơn mà phần nhiều là những người nông dân nghèo áo vải, với tinh thần và nghị lực lớn, đã chiến đấu anh dũng quét sạch năm vạn quân Xiêm xâm lược ra khỏi đất Nam Bộ. Đó là biểu hiện tập trung của tinh thần và nghị lực toàn dân tộc trên cơ sở ý thức tự giác về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của người Việt Nam. Đó cũng là thể hiện sự gắn bó hữu cơ của vùng đất Nam Bộ trong lãnh thổ Việt Nam. Chính là người Việt Nam - mà đại diện là phong trào Tây Sơn - đã nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ chủ quyền ở vùng đất Nam Bộ trước xâm lược của ngoại bang. Rõ ràng ý thức trách nhiệm đó chỉ có thể có được một khi chủ quyền lãnh thổ đối với vùng đất này đã được xác lập vững chắc và ý thức về chủ quyền đó đã đạt đến trình độ tự giác.
[1] Quá trình thống nhất để trở thành quốc gia - dân tộc không thể chỉ hiểu đơn giản với (hay bằng) những sự kiện xoá bỏ tình trạng chia cắt (như những cuộc chia cắt Nam triều và Bắc triều thế kỷ XVI, Đàng Trong - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, XVIII). Đó là một quá trình rộng lớn, bao gồm quá trình lãnh thổ và đi cùng với nó là quá trình kinh tế-xã hội và đặc biệt là quá trình văn hoá.
[2] Trên thế giới, lịch sử của rất nhiều quốc gia - dân tộc đã diễn ra theo "quy trình" này. Vì thế, lịch sử các nước, các quốc gia - dân tộc hiện đại luôn được viết với toàn bộ những diễn biến lịch sử trong phạm vi không gian lãnh thổ hiện đại và quá trình đi tới sự thống nhất là quá trình lịch sử nội bộ trong phạm vi không gian lãnh thổ đó.
[3] Những thư tịch cổ (chủ yếu của Trung Quốc) chép về một nước Phù Nam rộng mênh mông khiến người ta nghi ngờ về sự tồn tại trên thực tế của nó. Trong cuộc Hội thảo khoa học Văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm khai quật lần đầu di chỉ khảo cổ học Óc Eo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 12 năm 2004 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Phan Huy Lê, trên cơ sở khảo sát thư tịch cổ và đặc biệt là các cứ liệu khảo cổ học đã đưa ra quan niệm phân biệt giữa Vương quốc Phù Nam và Đế chế Phù Nam. Vương quốc Phù Nam hình thành trên nền tảng vật chất của Văn hoá Óc Eo với phạm vi không gian, dù có đôi chút du di, về cơ bản tương đương với vùng đất Nam Bộ của Việt Nam hiện nay. Rồi với những điều kiện thuận lợi, nhất là vị trí địa lý cửa ngõ, Phù Nam đã nhanh chóng trở nên hùng cường với nền kinh tế thương mại, nhất là ngoại thương, phát triển mạnh mẽ. Phạm vi ảnh hưởng của Phù Nam ngày càng mở rộng, về kinh tế và chính trị, trở thành tôn chủ, biến nhiều quốc gia cổ đại khác trong khu vực thành chư hầu, Vương quốc Phù Nam trở thành Đế chế Phù Nam.
[4] Chu Đạt Quan: Chân Lạp phong thổ ký (bản chữ Hán, mục Sơn xuyên). Xem thêm bản dịch của Lê Hương, Sài Gòn, 1973, tr. 80.
[5] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.
[6] Đầu thế kỷ XIX, địa chủ Lê Văn Hiệu (thôn Bình Xuân, tổng Hoà Lạc, huyện Tân Hoà, tỉnh Gia Định), ruộng đất "đi quá nửa ngày đường chưa hết chỗ thực canh" rộng tới 1841 mẫu 5 sào 12 thước 1 tấc; địa chủ Ngô Văn Lộc (thôn Bình An cùng tổng) có ruộng đất tới 1045 mẫu 3 sào 14 thước 6 tấc… Xem Nguyễn Đình Đầu: Thử tìm hiểu đất nước qua 10.044 tập địa bộ, Tạp chí Khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 4-1988, tr.51.
[7] Phan Phương Thảo nhận xét: "… đặc điểm chung, nổi bật của sở hữu ruộng đất ở Bình Định đầu thế kỷ XIX là tư hữu chiếm ưu thế tuyệt đối, nhưng không có sự tích tụ ruộng đất, không có sở hữu lớn, mà dàn trải với các sở hữu nhỏ, manh mún. Hiện tượng này đã được giải thích do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng hướng giải thích có tính thuyết phục nhất là do hệ quả của phong trào Tây Sơn. Có thể coi đó là một thành quả về ruộng đất mà phong trào nông dân Tây Sơn đem lại cho nông dân Bình Định, và nó còn để lại dấu ấn rất rõ trong địa bạ năm 1815, tức là 13 năm sau khi vương triều Tây Sơn cuối cùng thất bại". Tham khảo Phan Phương Thảo: Chính sách quân điền năm 1839 ở Bình Định qua tư liệu địa bạ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.132.
[8] Thư của Nguyễn Ánh gửi J. Liot ngày 25.1.1785 do Lê Văn Duyệt sao chép và L. Cadière công bố trong Les Frâncais aux services de Gia Long, Bulletin des du vieux Huế, 1926. Dẫn theo Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trần Bá Chí: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.288.
[9] Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm,Trần Bá Chí: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, đã dẫn, tr.288-289.
Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 14