Chiến thắng Điện Biên Phủ và việc kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam
[ 16/10/2012 20:28 PM | Lượt xem: 2703 ]

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ VIỆC KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM

PGS.TS. Vũ Quang Hiển

Giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ là cuộc chạy đua nước rút quyết liệt nhất, cuộc đấu trí, đấu lực gay gắt nhất giữa nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp xâm lược trên con đường đi tới bàn đàm phán hòa bình ở Giơnevơ (Genève) để kết thúc chiến tranh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ là hai sự kiện kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam, góp sức cùng nhân loại làm cho thế kỷ XX trở thành Thế kỷ giải trừ chủ nghĩa thực dân (décolonisation).

1. THẮNG LỢI QUÂN SỰ VÀ THIỆN CHÍ CỦA CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN VIỆT NAM MỞ HƯỚNG ĐI TỚI MỘT CUỘC ĐÀM PHÁN HOÀ BÌNH

Từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, với quan điểm nhân đạo và hoà bình, Chính phủ Việt Nam chủ trương giải quyết xung đột thông qua thương lượng. Đây là lập trường nhất quán của Chính phủ và nhân dân Việt Nam ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Vì thế Chính phủ Việt Nam đã chủ động đàm phán và nhân nhượng cho thực dân Pháp nhiều quyền lợi, thể hiện qua Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 và Tạm ước ngày 14 tháng 9 (1946). Việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng. Khi chiến tranh đã bùng nổ, Chính phủ Việt Nam vẫn nỗ lực vãn hồi hoà bình, Chủ tịch Chính phủ nhiều lần gửi thư đến Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Pháp đề nghị ngưng chiến để đàm phán, nhưng khi đó thực dân Pháp đang nuôi hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự. Những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam không được đáp ứng. Dân tộc Việt Nam hiểu rằng chỉ có thể giành độc lập tự do khi nào làm thất bại được những âm mưu quân sự của bọn xâm lược Pháp.

Thắng lợi quân sự là cơ sở thực lực cho đấu tranh ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn". Sẽ không thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán nếu không có thắng lợi trên chiến trường.

Đàm phán và nhân nhượng không phải là sự nhu nhược. Một khi không thể tránh khỏi chiến tranh thì phải kiên quyết tiến hành chiến tranh. "Đã phải đánh thì kiên quyết đánh"[1], dân tộc Việt Nam vùng dậy kháng chiến vì độc lập tự do với tinh thần "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"[2]. Với niềm tin "Địch chiếm trời, địch chiếm đất, nhưng chúng không làm sao chiếm được lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta"[3], dựa vào tinh thần hăng hái của toàn dân để giải quyết những thiếu thốn về vật chất, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh kiên quyết phát động cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện với phương châm chiến lược đánh lâu dài và dựa vào sức mình là chính.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã từng bước giành thắng lợi, nhất là từ Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, với thế tiến công chiến lược ngày càng phát triển, lực lượng vũ trang ba thứ quân trưởng thành, hậu phương kháng chiến đuợc xây dựng và củng cố vững mạnh. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam được sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, phối hợp với Đảng Cộng sản Pháp, kết hợp với phong trào bảo vệ hoà bình thế giới và phong trào phản chiến ở Pháp. So sánh lực lượng trên chiến trường thì tình hình ngày càng có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, là lợi thế của Việt Nam trên bàn đàm phán.

A. Patti (Archimedes L. A. Patti), nguyên sĩ quan tình báo Mỹ, nhận xét: "Ngày 13 tháng ba, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tướng Giáp khởi đầu cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ. Cái pháo đài mới được tăng cường này đã có tầm quan trọng về chính trị và tâm lý hơn hẳn giá trị chiến lược thực tế của nó vì Hội nghị Giơnevơ sắp khai mạc. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thấy được một cách đúng đắn đây là một trận đánh có tính chất quyết định, không phải chỉ nhằm giành được một chiến thắng vang dội mà sẽ làm cho họ mạnh hẳn lên, họ đã chuẩn bị bao vây cứ điểm này

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng còn nhằm đánh cho quân đội Liên hiệp Pháp một đòn chí tử để gây tác động tâm lý đối với nước Pháp, làm nhân dân Pháp và những người chống cộng Việt Nam mất ý chí tiếp tục cuộc đấu tranh"[4].

Chủ trương của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam trước sau như một là nỗ lực vãn hồi hoà bình, chủ trương giành thắng lợi về quân sự kết hợp với giải pháp ngoại giao để kết thúc cuộc kháng chiến.

Ngày 26-11-1953, trong bài trả lời điện phỏng vấn của chủ bút báo Tin nhanh (Expressen) của Thuỵ Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nguyên nhân và tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tuyên bố lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:

"... nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó". "Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam"[5].

Ngày 27-12-1953 ,Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra thông tri về lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhà báo Thuỵ Điển, nêu rõ: "Trong lịch sử, có nhiều cuộc chiến tranh do thương lượng hoà bình mà đi đến đình chiến". "Nhân dân ta chiến đấu chống bọn xâm lược là vì độc lập dân tộc, mà cũng vì hoà bình thế giới. Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là kẻ thù của dân tộc ta, đồng thời cũng là kẻ thù của nhân dân thế giới". "Ngọn cờ hòa bình phải do tay ta nắm lấy và giương cao lên"[6].

Đảng Lao động Việt Nam chủ trương trong đàm phán hoà bình cần có sự nhân nhượng lẫn nhau: "Muốn đàm phán có kết quả thì ta phải nhân nhượng, nhưng nhân nhượng có chừng mực, trong nguyên tắc, và đối phương cũng phải nhân nhượng với ta"3.

"Phải tránh tả khuynh, đặt yêu cầu quá cao cho cuộc đấu tranh ngoại giao, làm cho các cuộc đàm phán bị bế tắc. Nhưng cũng phải chống hữu khuynh, nhượng bộ cho địch quá mức, làm cho nhân dân chán nản và kẻ địch được đằng chân lân đằng đầu.

Nguyên tắc căn bản về đấu tranh ngoại giao của ta là:

1- Kết hợp nguyên tắc tính rất cao với linh động tính đúng mức.

2- Yêu cầu của ta chủ yếu là căn cứ vào lực lượng so sánh giữa ta và địch mà định.

3- Đặt vấn đề Đông Dương vào trong vấn đề bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới đặng giải quyết một cách thích đáng"4.

Thiện chí hoà bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh.

2. THỰC DÂN PHÁP THẤT BẠI CẢ VỀ QUÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ, CẦN TỚI BÀN ĐÀM PHÁN ĐỂ KẾT THÚC CHIẾN TRANH

Những năm 1946-1947, qua những lần tiếp xúc Việt - Pháp: Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Hội nghị trù bị Đà Lạt (4-1946), Hội nghị chính thức ở Phôngtennơblô (Fontainebleau) từ tháng 7-1946, Tạm ước ngày 14-9-1946, cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và Hoàng Minh Giám với Paul Mus tại Việt Bắc (5-1947), phía Pháp ngoan cố bám giữ lập trường thực dân cũ, không chịu công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam. Họ nuôi hy vọng giành thắng lợi bằng một cuộc chiến tranh thuộc địa, thậm chí chỉ bằng một cuộc hành quân chớp nhoáng. Việc đàm phán đối với họ chỉ là thủ đoạn để lấn dần từng bước và có thời gian chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn. Đối với thế lực phản động và hiếu chiến Pháp, Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 chẳng qua chỉ là một "hiệp định đổ bộ" (Accord de débarquement), cốt đạt được sự thoả thuận cho Pháp đưa quân ra miền Bắc Việt Nam.

Sau tám năm, cuộc chiến tranh thuộc địa của Pháp ở Đông Dương ngày càng đi sâu vào "đường hầm không lối thoát".

Kể từ Chiến dịch Thu Đông 1950 quân đội Pháp đã mất thế chủ động tiến công chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, ngày càng sa lầy trong một cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn, bị đánh ở cả phía trước mặt và phía sau lưng. Ngay ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi quân Pháp có hệ thống chiếm đóng mạnh để vơ vét sức người sức của phục vụ chiến tranh xâm lược, cũng có tới hai sư đoàn chủ lực của Việt Minh thường xuyên hoạt động - một điều rất đặc biệt so với những cuộc chiến tranh ở Trung Quốc và Liên Xô. Các tướng Pháp không sao giải quyết được mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực để vừa đạt mục đích quân sự (tiến công tiêu diệt chủ lực của đối phương) và mục đích của chiến tranh thuộc địa (cướp đất, giữ dân để khai thác về kinh tế).

Càng kéo dài chiến tranh, thực dân Pháp càng bị tổn thất nặng nề. Nó trở thành một gánh nặng về tâm lý và kinh tế cho người Pháp; buộc Pháp phải nhận viện trợ của Mỹ và lệ thuộc vào Mỹ; bị dư luận nước Pháp và quốc tế lên án mạnh mẽ. Phong trào phản đối cuộc chiến tranh bẩn thỉu (La sale guerre) ở Pháp dâng cao. Nội bộ giới cầm quyền chia rẽ thành hai phái: chủ chiến và chủ hoà, đấu tranh gay gắt với nhau trong chính phủ và quốc hội, làm cho nội tình nước Pháp không ổn định. Sau tám năm tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương, nước Pháp phải thay đổi chính phủ tới 18 lần. Trước khi thua trên chiến trường, bọn thực dân phản động Pháp đã thua ngay tại nước Pháp.

Chính phủ Lanien (Laniel) lên cầm quyền (28-6-1953) bắt đầu nghĩ đến một giải pháp chính trị thông qua thương lượng. Trong khi đó, chính sách kiên định của Mỹ là lái cho Pháp tránh xa khỏi bàn hội nghị trong khi chưa giành được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường. Đalét (Dulles) nhiều lần nói với Biđôn (Bidault) rằng Mỹ thấy kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương trong điều kiện thuận lợi cho cộng sản là một điều không nên. Ông ta muốn người Pháp tiếp tục cuộc chiến vì Đông Dương là một mắt xích chủ yếu trong phòng tuyến ngăn chặn cộng sản trong khu vực. Pháp và Mỹ muốn thương lương trên thế mạnh đã dẫn tới việc Đại tướng H. Navarre được cử sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Kế hoạch quân sự Nava (H. Navarre) ra đời và được thông qua.

Trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, kế hoạch đó không thể thực hiện được theo dự kiến, mà bị đảo lộn hoàn toàn do những cuộc tiến công chủ động và kiên quyết của chủ lực Việt Minh trên những hướng chiến lược quan trọng mà quân Pháp không thể bỏ. Navarre muốn tập trung nhưng lại phải phân tán binh lực; muốn giành quyền chủ động nhưng lại càng bị động đối phó lúng túng; muốn tiến công nhưng phải kéo quân đỡ đòn xuôi ngược khắp nơi. Theo đánh giá của tướng Êly (élly), bản đồ chiến tranh của Pháp ở Đông Dương tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến trước đó. Quân Pháp đã mất ở Điện Biên Phủ "quả đấm tấn công".

 Trong biển lửa của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, khắp nơi quân đội Pháp ở vào tình trạng phân tán chiếm đóng "bất động" (immobilisation), tinh thần sa sút, phải thực hiện một sự bố trí hoàn toàn phòng ngự và cần phải tăng viện ngay. Nhưng khả năng tăng viện của Pháp lúc đó rất hạn chế vì phải gọi quân dự bị. Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) cho rằng tình hình quân sự và chính trị của Pháp ở Đông Dương tồi tệ. Nếu đà đó không được ngăn chặn thì nó sẽ đưa đến sự sụp đổ của Pháp vào nửa sau của năm 1954[7].

Thất bại ở Điện Biên Phủ làm tan tành cố gắng lớn nhất và cũng là cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp với sự giúp sức của đế quốc Mỹ, làm cho thực dân Pháp không thể hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự, phong trào phản chiến ở Pháp phát triển mạnh. Nhiều tướng Pháp cho rằng Pháp không thể thắng, Việt Minh không thể thua. Laniel và Bildault phải từ bỏ chủ trương thương lượng trên thế mạnh. Nội bộ giới cầm quyền Pháp càng thêm chia rẽ, lục đục, đấu tranh gay gắt với nhau.

Sau khi Chính phủ Lanien sụp đổ, Chính phủ Măngđét Phơrăngxơ (Mendès France) lên thay (6-1954), chủ trương giải quyết cuộc chiến tranh bằng thương lượng. Măngđét Phơrăngxơ hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp là sẽ lập lại hòa bình ở Đông Dương trong vòng một tháng.

Thế là so với những năm đầu chiến tranh, ý chí xâm lược của thực dân Pháp đã bị đánh bại, thái độ của giới cầm quyền Pháp buộc phải thay đổi. Họ cần tới bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh, tránh để cho Hà Nội có thể trở thành "một Điện Biên Phủ thứ hai", nơi mồ chôn quân viễn chinh Pháp.

3. Tác động của nguyện vọng hoà bình và xu thế hoà hoãn trên thế giới

Hoà bình không chỉ là nguyện vọng của dân tộc Việt Nam mà còn là nguyện vọng chung của nhân loại. Đại hội hoà bình thế giới lần thứ hai họp tại Vacsava ra nghị quyết đòi chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương. Từ năm 1950 đến 1953 có chín hội nghị quốc tế bảo vệ hoà bình đều có nghị quyết về Việt Nam. Tháng 10-1953, Đại hội công đoàn thế giới lần thứ ba với sự tham dự của đại biểu 79 nước quyết định lấy ngày 19-12-1953 làm "Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh dũng và đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam".

Đảng Lao động Việt Nam ý thức rằng "Hoà bình là nguyện vọng tha thiết của hàng trăm triệu nhân dân thế giới. Hoà bình có thể giữ gìn và củng cố được vì nhân dân thế giới đang đoàn kết, thống nhất, tích cực bảo vệ nó, chống lại bọn đế quốc gây chiến"[8].

Trật tự thế giới hai cực Yanta chi phối quan hệ quốc tế và có ảnh hưởng lớn đến tình hình Việt Nam. Biểu hiện rõ nhất là từ năm 1950, trong khi Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thì Mỹ, Anh và một số nước khác (Thái Lan và Philippin) công nhận chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng lên. Sự can thiệp của Mỹ làm cho chiến tranh ở Đông Dương đạt tới một quy mô mới, được "quốc tế hoá" và trở thành một bộ phận trong cuộc thập tự chinh chống cộng của Mỹ. Vấn đề chiến tranh ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành một vấn đề quốc tế giữa hai phe, mà theo cách diễn đạt của tướng Pháp Ivơ Gơra (Yves Gras) thì nó "lồng vào cuộc xung đột toàn cầu giữa phương Đông và phương Tây". Và theo Cựu sĩ quan tình báo Mỹ Patti thì "Nó đã được quốc tế hoá và trở thành một bộ phận của cuộc thập tự chinh chống cộng của Mỹ"[9].

Quan hệ quốc tế trên đây có ảnh hưởng đến việc kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương. Khi chiến tranh lạnh lên đến đỉnh cao và có hai cuộc chiến tranh nóng ở châu Á (Đông Dương và Triều Tiên), cũng là lúc xu thế hoà hoãn xuất hiện.

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chấm dứt bằng một thoả hiệp quân sự (27-7-1953) được ký kết giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên với Mỹ và Nam Triều Tiên, tiếp tục chia cắt Triều Tiên ở vĩ tuyến 38, giữ nguyên trạng như sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thực chất đây là một cuộc đọ sức giữa hai phe mà không phân thắng bại, phản ánh so sánh lực lượng đang ở thế cân bằng.

Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên có tác động đến hai phái chủ hoà và chủ chiến trong chính quyền Pháp. Những người trong phái chủ hoà tuyên bố cuộc đình chiến ở Triều Tiên phải dẫn đến đàm phán về Đông Dương. Ngày 22-11-1953, đại diện các tổ chức và lực lượng phản đối chiến tranh của Pháp mở hội nghị toàn quốc đòi lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Liên Xô mong muốn đi đến giải pháp hoà bình cho cuộc chiến tranh ở Đông Dương nhằm ngăn chặn việc Mỹ có thể mở rộng chiến tranh ở đây và thúc đẩy xu thế làm dịu tình hình thế giới. Liên Xô chủ trương triệu tập một hội nghị năm nước lớn (Liên Xô, Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc) để tìm biện pháp giảm bớt tình hình căng thẳng ở Viễn Đông.

Trung Quốc, một trong những nước viện trợ lớn nhất cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, cũng chủ trương sớm giải quyết hoà bình cuộc xung đột ở Đông Dương nhằm ngăn chặn Mỹ mở rộng chiến tranh, bảo đảm hoà bình và an ninh cho Trung Quốc và khu vực Viễn Đông. Xã luận Nhân dân nhật báo ngày 3-9-1953 khẳng định: dư luận châu Á và phần còn lại của thế giới đòi hỏi rằng cuộc đình chiến ở Triều Tiên phải đưa đến hoà bình ở toàn châu Á. Đây là lúc Trung Quốc vừa mới ra khỏi cuộc chiến tranh Triều Tiên và đang thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, cần những điều kiện ổn định để xây dựng kinh tế. Trung Quốc triển khai chính sách cùng tồn tại hoà bình, trước mắt là với các nước châu Á. Tháng 4-1954, Hiệp định giữa Ấn Độ và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về buôn bán và quan hệ của Tây Tạng với Ấn Độ nêu lên lần đầu tiên năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình.

Vấn đề cùng tồn tại hoà bình đang trở thành một xu thế lớn và chi phối quan hệ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, "mục đích chính của phe ta hiện nay là: làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng; chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp trên thế giới bằng cách thương lượng"[10].

Nước Anh còn nhiều quyền lợi ở Đông Nam Á, không muốn chiến tranh ở khu vực này mở rộng và bị quốc tế hoá, cũng cho rằng đình chiến ở Triều Tiên sẽ dẫn tới việc đàm phán về những vấn đề rộng lớn hơn, trong đó có Đông Dương.

Mỹ là nước không muốn dùng giải pháp đàm phán hoà bình với Việt Minh để giải quyết cuộc chiến tranh ở Đông Dương, mà muốn Pháp trao trả "độc lập hoàn toàn" cho Bảo Đại. Sau khi đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương, tăng cường viện trợ cho Pháp nhằm kéo dài và mở rộng chiến tranh, phản đối việc thương lượng. Mỹ sợ "để mất Đông Dương vào tay cộng sản" và làm "nguy kịch cho nền an ninh của Mỹ". Đông Dương được Mỹ đặt trong phòng tuyến chống cộng ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 13-1-1954, Ngoại trưởng Dulles tuyên bố: "Đứng về chiến lược, quyền lợi của Mỹ ở vùng Viễn Đông gắn chặt với các đảo ở bờ biển vùng đó. Các đảo đó có hai cứ điểm ở trên lục địa: phía bắc là Triều Tiên và phía nam là Đông Dương. Giữa hai cứ điểm đó là các đảo Nhật Bản, Lưu Cầu, Ôkinaoa, Đài Loan, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan…"[11].

Trong hoàn cảnh quốc tế lúc đó, Mỹ chưa có điều kiện đưa quân đến tham chiến trực tiếp ở Đông Dương, mà chủ trương tăng cường viện trợ quân sự cho Pháp nhằm giúp Pháp giành thắng lợi trên chiến trường, buộc đối phương phải chấp nhận một giải pháp có lợi cho Mỹ.

Tháng 11-1953, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân đội và nhân dân Việt Nam bắt đầu bằng cuộc hành quân lên hướng Tây Bắc (11-1953)

Ngày 19-11-1953, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam triệu tập Hội nghị cán bộ phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954.

Ngày 20-11-1953, Nava phải mở cuộc hành binh Catxtô (Casto), cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 12-1953, Nava quyết định tiếp nhận chiến đấu ở Tây Bắc xoay quanh căn cứ lục - không quân Điện Biên Phủ mà phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nghe Tổng Quân uỷ báo cáo quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ và thông qua kế hoạch tác chiến.

Tháng 1-1954, Hội nghị ngoại trưởng bốn nước (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp) họp ở Berlin bàn về biện pháp làm dịu tình hình căng thẳng trong quan hệ quốc tế, vấn đề nước Đức và nhiệm vụ bảo đảm an ninh của châu Âu và vấn đề thống nhất nước áo. Liên Xô có nhượng bộ: tạm gác các vấn đề Đức, an ninh châu Âu, giải trừ quân bị để tập trung giải quyết cuộc chiến tranh nóng ở châu á. Ngày 18-1-1954, bốn nước này quyết định triệu tập Hội nghị Giơnevơ để giải quyết hoà bình, vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Giải quyết hoà bình cuộc chiến tranh Đông Dương trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Mục đích của các chính phủ Việt Nam, Pháp và các nước khác có điều dị biệt nhưng có một điểm tương đồng là đến bàn đàm phán hoà bình.

4. HỘI NGHỊ QUỐC TẾ GIƠNEVƠ 1954 VỀ ĐÔNG DƯƠNG VÀ SỰ KẾT THÚC CHIẾN TRANH

Ngày 26-4-1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu họp về vấn đề Triều Tiên, nhưng không đi đến một giải pháp nào. Thời gian Hội nghị bàn về Triều Tiên là lúc quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ đang nguy kịch. Sau khi các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt, quân Pháp ở Bản Kéo buộc phải ra hàng. Hàng loạt cứ điểm ở khu Đông Mường thanh bị tiêu diệt từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4-1954. Từ ngày 1 tháng 5 khu trung tâm bắt đầu bị tiến công dồn dập, chiều ngày 7 tháng 5 Bộ chỉ huy quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Điều đó càng thu hút sự quan tâm của các nước lớn đến vấn đề đàm phán hoà bình để giải quyết cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Thất trận ở Điện Biên Phủ làm cho hy vọng thương lượng trên thế mạnh của các thế lực đế quốc hiếu chiến tan vỡ. Buổi sáng ngày 8-5-1954, Quốc hội Pháp nghe Thủ tướng Pháp Lanien công bố sự thất thủ của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Buổi chiều cùng ngày, Tổng thống Mỹ Aixenhao (Eisenhower) họp Hội đồng an ninh quốc gia để thông báo về kết cục bi thảm này. Tại Hội nghị Giơnevơ, đoàn đại biểu Pháp mặc trang phục màu đen, Ngoại trưởng Bidault thông báo tin quân Pháp thất trận và đề nghị chấp thuận nguyên tắc của một cuộc tổng ngưng chiến tại Đông Dương nhằm bảo đảm an ninh cần thiết.

A. Patti mô tả: "Cuộc hội nghị mở đầu một cách gay cấn trong một bầu không khí ảm đạm, không chắc chắn và đầy nghi ngờ. Khối cộng sản nắm toàn bộ các chủ bài.

Tất cả những người tham dự hội nghị đều mang theo những động cơ riêng của mình: Pháp đã mất hết ý chí chiến đấu và mong muốn có một cuộc hoà giải nhanh chóng; Mỹ đã thất bại trong việc cố buộc Pháp vào hoạt động quân sự thống nhất nhằm đấu tranh chống lại sự bành trướng của cộng sản ở Đông Nam Á; Anh mong thiết lập lại hòa bình và làm giảm căng thẳng quốc tế đang tác động tai hại đến quyền lợi Anh trong vùng; Trung Cộng lại muốn nắm lấy thời cơ để đối phó với Mỹ trên một thế bình đẳng trong các vấn đề quốc tế, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì mong muốn và hy vọng được công nhận như một thực thể có chủ quyền để được đối xử một cách tương xứng với cái giá họ đáng phải được"[12].

Ngày 8-5-1954, vấn đề chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương được đưa ra thảo luận. Với sự tham gia của chín bên (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia). Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn bước vào Hôị nghị với tư thế người chiến thắng. Từ ngày 4 đến ngày 27-7-1954 còn có Hội nghị quân sự Việt - Pháp họp ở Trung Giã (Thái Nguyên).

Diễn biến của Hội nghị Giơnevơ rất phức tạp với sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và dự dàn xếp của các nước lớn, nhất là xung quanh vấn đề phân vùng đóng quân, vấn đề tổng tuyển cử và thống nhất nước Việt Nam, vấn đề các lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia... Trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc đó, theo xu thế chung giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà chấp nhận ký Hiệp định Giơnevơ.

Ngày 21-7-1954, các nước tham dự Hội nghị ra một bản tuyên bố cuối cùng và ký các văn bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nên khung pháp lý của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương.

Theo Phạm Văn Đồng, "Hiệp định Giơnevơ tóm lại gồm hai điểm quan trọng: một là, quy định giới tuyến quân sự tạm thời; hai là, tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam, hai năm sau ký Hiệp định Giơnevơ, nghĩa là tháng 7-1956. Hai điểm này quan hệ mật thiết với nhau, giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời bởi lẽ khi có tổ chức tổng tuyển cử nhằm thống nhất nước Việt Nam thì tất nhiên không còn có giới tuyến này nữa"[13].

Cho đến nay còn có những đánh giá khác nhau về nội dung Hiệp định và thái độ của các nước lớn tham gia Hội nghị Giơnevơ. Tổng thống Aixenhao tuyên bố: "Tôi không có gì phê phán cái đã làm được ở Giơnevơ bởi vì tôi không có một giải pháp thay thế đề nghị", song ông cũng nói: "Hoa Kỳ không bị các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ ràng buộc". Ngoại trưởng Anh Eden cho rằng: "Đó là thoả thuận tốt nhất mà chúng ta đã tự tay làm ra"[14]. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, thì đây chỉ là kết thúc một chặng trên con đường đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do. Tại phiên họp cuối cùng của Hội nghị, trong một tuyên bố riêng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kêu gọi đồng bào của mình:

"Nhân dân Việt Nam! Đồng bào miền Nam! Thắng lợi thuộc về chúng ta! Độc lập và thống nhất Tổ quốc chúng ta là ở trong tay chúng ta. Những người yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới đều đồng tình với chúng ta. Đồng bào hãy nhớ lấy lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cuộc đấu tranh phải gian khổ, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng"[15].

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân ở một đất nước đất không rộng, người không đông, kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, trình độ khoa học chưa phát triển, chống chiến tranh xâm lược của một đế quốc to, có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn mạnh, trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, có quân đội nhà nghề thiện chiến và phương tiện chiến tranh hiện đại.

Cơ đồ thực dân cũ của Pháp ở Đông Dương bị xoá bỏ hoàn toàn, thúc đẩy sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới; cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu á, châu Phi, Mỹ Latinh. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng và niềm tin thắng lợi của các dân tộc nhược tiểu đang vùng dậy đấu tranh cho độc lập tự do.

Hoà bình được lập lại ở Việt Nam và trên toàn bán đảo Đông Dương, đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

Khi ký bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Pháp mới chỉ công nhận tính thống nhất của nước Việt Nam (Việt Nam là "một quốc gia"), nhưng không công nhận nền độc lập. Hội nghị Giơnevơ, một hội nghị quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tạo cơ sở pháp lý để nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh trong 21 năm tiếp theo để giành độc lập và thống nhất hoàn toàn.

Miền Bắc Việt Nam được giải phóng, và tiếp tục được xây dựng vững mạnh, thành căn cứ địa chung của cách mạng cả nước, thành hậu phương chiến lược của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược sau này.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9-1960) nhận định: "Việc lập lại hoà bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam, và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước Việt Nam là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, hòa bình và dân chủ trên thế giới. Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ. Thắng lợi to lớn đó không những tạo ra khả năng để thực hiện hòa bình thống nhất nước ta trên cơ sở độc lập và dân chủ, mà còn tạo những điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Bắc tiến lên một giai đoạn mới"[16].

Nguồn: Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001-2006), Nxb Chính trị quốc gia, H., 2006,

Tr. 658-672.



[1]. Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, t.1, tr. 230.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr. 480.

[3]Hồ Chí Minh, biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 160.

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 2