Bí quyết ghi nhớ kiến thức ôn thi THPT quốc gia môn Lịch sử
[ 17/06/2015 07:00 AM | Lượt xem: 2716 ]

Bí quyết ghi nhớ kiến thức ôn thi THPT quốc gia môn Lịch sử:Hiểu về sự kiện; Làm nháp đề cương; Trả lời tất cả các câu hỏi…là một trong những bí quyết giúp bạn ghi nhớ kiến thức môn Lịch sử cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Nhận định chung về xu hướng ra đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2015

1. Về cấu trúc:Một đề thi Đại học (bao gồm cả đề thi Cao đẳng) môn Lịch sử hàng năm vẫn luôn bao gồm hai phần chính: Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới. Trong đó phần Lịch sử Việt Nam luôn luôn chiếm 7 điểm và Lịch sử thế giới chiếm 3 điểm. Trong đề thi, thường sẽ có 3 câu hỏi thuộc phần Lịch sử Việt Nam và 1 câu hỏi thuộc phần Lịch sử thế giới.

Từ năm 2014 trở về trước, đề thi bao gồm hai phần Phần tự chọn và phần chung. Phần tự chọn luôn luôn rơi vào phần Lịch sử thế giới. Từ năm 2014, đề thi chỉ bao gồm 1 phần, không còn phần tự chọn như trước. Điều này phù hợp với xu hướng thay đổi trong cách ra đề thi của Bộ giáo dục và đào tạo và nhất quán với tất cả các môn khác. Tức là, tất cả các thí sinh sẽ chỉ làm chung một đề thi.

Đối với từng phần thì cụ thể như sau:

Phần Lịch sử Việt Nam:Bao gồm tất cả các vấn đề của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX (cụ thể là mốc năm 19B19 với Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp ở Đông Dương cho đến năm 2000). Trong đó bao gồm các giai đoạn:

Giai đoạn 1: 1919 – 1930

Giai đoạn 2: 1930 – 1945

Giai đoạn 3: 1945 – 1954

Giai đoạn 4: 1954 – 1975

Giai đoạn 5: Từ 1975 đến năm 2000.

Phần Lịch sử thế giới:bao gồm các vấn đề sau (Tính từ giai đoạn sau khi kết thúc đại chiến thế giới thứ hai đến năm 2000):

Vấn đề 1: Liên Xô, Đông Âu từ 1945 đến 1991. Liên bang Nga (1991 – 2000)

Vấn đề 2: Sự hình thành trật tự thế giới mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Vấn đề 3: Các nước Á, Phi, Mĩ La tinh và Đông Bắc Á (1945 – 2000)

Vấn đề 4: Đông Nam Á và ASEAN

Vấn đề 5: Châu Phi và Mĩ La Tinh sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Vấn đề 6: Mĩ, Tây Âu và Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai

Vấn đề 7: Quan hệ quốc tế trong và sau thời kì Chiến tranh lạnh.

Vấn đề 8: Cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa.

2. Về độ khó:Trước đây, trong bài thi môn Lịch sử, số câu hỏi kiểm tra mức độ “Nhớ” của học sinh khá nhiều. Những thí sinh chăm chỉ, chịu khó thì không khó để có thể lấy điểm. Những câu hỏi mang tính tổng hợp, phân tích rất ít xuất hiện hoặc nếu xuất hiện thì chiếm số điểm không cao. Do đó, đề thi chưa mang tính phân loại.

Từ năm 2014, đề thi có sự thay đổi đột phá trong cả cấu trúc và độ khó. Theo đó, số câu hỏi chỉ kiểm tra ở mức độ Nhớ của thí sinh khá ít (2 điểm tương đương 20%). Tất cả các câu hỏi còn lại đều không đơn thuần kiểm tra mức độ Nhớ (tái hiện kiến thức) mà đều mang tính tổng hợp, vận dụng thậm chí là ứng dụng thực tiễn khá nhiều (Vận dụng cao). Để làm được các câu hỏi này, thí sinh không chỉ phải nắm kiến thức nền tảng trong SGK phổ thông mà cần biết liên hệ và móc nối các kiến thức rời rạc thành một vấn đề lớn thậm chí là phải có sự hiểu biết về tình hình thời sự đang diễn ra để giải quyết vấn đề mà đề thi yêu cầu (Ví dụ: Câu hỏi Lịch sử thế giới của đề thi năm 2014 đòi hỏi thí sinh phải chăm chỉ theo dõi tình hình thời sự để giải quyết câu hỏi liên quan đến ASEAN).

Các câu hỏi ở mức độ Khó còn được thể hiện ở hình thức các câu hỏi có tính xuyên suốt của Lịch sử, từ đó kiểm tra được mức độ hiểu biết lịch sử của thí sinh. Các câu hỏi còn ngầm kiểm tra quan điểm của thí sinh về một số vấn đề của Lịch sử và có nội dung tương đối mở.

Sự thay đổi của Bộ giáo dục còn được thể hiện ở cách xây dựng thang điểm chấm thi. Theo đó, với những câu hỏi mở sẽ không có đáp án fix cứng, không gò bó thí sinh vào một khuôn mẫu đã định sẵn mà chỉ xây dựng các tiêu chí cho điểm. Đây là một điều kiện tương đối rộng mở cho các thí sinh, góp phần thay đổi tư duy về cách thức học môn Lịch sử ở các nhà trường phổ thông như hiện nay.

Với nhiều học sinh, Lịch sử là môn học khô khan và kém thời thượng nhưng lại chính là một học chứa đựng linh hồn của cả dân tộc.

Xu hướng ra đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2015

Căn cứ vào việc phân tích cụ thể xu hướng ra đề thi môn Lịch sử vài năm gần đây mà điển hình nhất là năm 2014, có thể thấy việc ra đề thi môn Lịch sử sẽ có nhiều biến chuyển trong các năm tiếp theo. Sự thay đổi này là phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục nói chung cũng như định hướng phát triển, thay đổi cách dạy và học lịch sử ở các nhà trường phổ thông hiện nay. Theo đó, sự đổi mới sẽ được thể hiện ở vài điểm chính như sau:

Đề thi sẽ chỉ bao gồm 1 phần chung cho tất cả các thí sinh, không còn phần tự chọn như trước.

Xu hướng câu hỏi kiểm tra mức độ Nhớ (kiểm tra mức độ tái hiện kiến thức của thí sinh) sẽ giảm hẳn và chiếm tỉ lệ điểm rất nhỏ trong đề.

Đề thi vẫn sẽ bao gồm 2 phần chính là Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam, trong đó phần Lịch sử Việt Nam vẫn sẽ bao gồm 7 điểm và Lịch sử thế giới vẫn là 3 điểm. Tuy nhiên, sẽ có sự dịch chuyển trong cách ra đề mà cụ thể là sẽ không tách Việt Nam ra một vấn đề riêng lẻ như trước mà sẽ có xu hướng gắn các vấn đề ở Việt Nam trong các vấn đề nổi cộm ở khu vực và trên thế giới theo đúng tinh thần Việt Nam là một bộ phận của thế giới, là một thành tố trong quan hệ quốc tế giai đoạn hiện nay. Đây chính là một điểm nổi bật, một điểm thể hiện rõ sự đổi mới trong cách ra đề thi của Bộ và trở về với quan điểm học phải đi đôi với hành, học phải gắn liền với thực tiễn, kiến thức không được xa rời thực tiễn.

Xu hướng ra câu hỏi theo một vấn đề cũng sẽ là xu thế. Các vấn đề này thường có tính xuyên suốt quá trình phát triển của lịch sử chứ không hẳn là một vấn đề của 1 giai đoạn ví dụ như: vấn đề dân tộc và dân chủ, vấn đề đoàn kết dân tộc, vấn đề các hình thức tổ chức mặt trận…Đây là các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức nền tảng vững, biết xâu chuỗi các vấn đề đã học một cách liền mạch.

Một ý nhỏ nữa là đề thi có xu hướng gắn các vấn đề lịch sử đã qua với các vấn đề thời sự đang diễn ra để đưa vào đề. Mặc dù, điềm cho phần này thường không nhiều nhưng lại là các câu hỏi kiếm điểm tuyệt đối, là câu hỏi thể hiện sự phân loại trong đề thi. Những thí sinh chăm chỉ theo dõi tình hình thời sự và có tư duy tốt, liền mạch sẽ có thể kiếm điểm ở phần này. Tuy nhiên, việc kiếm điểm tuyệt đối rất khó và chỉ dành cho những thí sinh thực sự rất xuất sắc.

Nhìn chung, Lịch sử là môn học “nóng” trong các nhà trường phổ thông hiện nay nói riêng và các kênh truyền thông nói chung. Xu hướng học sinh yêu và thích học Lịch sử là rất ít thậm chí là quý và hiếm. Điều này một phần không nhỏ liên quan đến việc dạy, học và thi cử ở nhà trường cũng như vai trò định hướng của xã hội. Sự thay đổi của Bộ trong việc ra đề thi hàng năm cũng là một động thái đầu tiên tác động vào cách dạy và học môn học này ở trường phổ thông từ đó thay đổi cách nhìn nhận và thái độ của học sinh với môn học có phần “xưa cũ” và chẳng “thời thượng” này.

Bí quyết điểm cao môn Lịch sử ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015

1. Hiểu về sự kiện:Với môn Lịch sử, mặc dù phải nhớ mốc lịch sử đó là năm tháng nhưng vấn đề là thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 phải hiểu sự kiện ấy có ý nghĩa như thế nào chứ không phải trình bày các con số khô khan, vô nghĩa.

Bởi thí sinh sẽ khó đạt được điểm cao nếu chỉ đưa ra con số, số liệu mà không có phân tích, chứng minh. Do đó, các sĩ tử ôn thi đại học – cao đẳng nên chia từng thời kỳ ra để học và trong từng thời kỳ phải định ra những sự kiện và hiểu nó chứ không chỉ thuộc lòng một cách máy móc theo sách giáo khoa. Có nghĩa là bạn phải sắp xếp các kiến thức ấy vào đúng nội dung, yêu cầu để trả lời câu hỏi đưa ra. (Các câu hỏi có thể là về hoàn cảnh lịch sử, người mở chiến dịch, nội dung văn kiện, diễn biến như thế nào, mục tiêu – ý nghĩa các lĩnh vực chính trị – xã hội ra sao…).

Thí sinh nên học theo trình tự chặt chẽ từ chương, bài, mục trong sách giáo khoa. Không phải là quên gì học đó, mà nên ôn tập có hệ thống để dễ dàng liên kết được các vấn đề.

2.Làm nháp đề cương:Các thí sinh trong quá trình làm bài không nên sa đà vào sự kiện mà phải nêu bật được tính khái quát của vấn đề. Đó là cần phân tích đề bài, đề hỏi điều gì thì trả lời cái đó. Vì thế, nên làm đề cương sơ lược trước khi bắt tay vào viết để tạo ra trật tự, trình tự viết mạch lạc. Cách này sẽ giúp cho bạn không bị mất ý lớn, không bỏ sót điều quan trọng hoặc nếu có mất, chỉ mất những chi tiết nhỏ (mất điểm ít thôi).

Làm đề cương có nghĩa là nhằm vào nội dung chứ không phải là làm văn (lập mở bài, thân bài, kết luận). Nháp được nội dung đề cương, bạn dễ dàng viết được mở bài. Cứ làm bài đến hết nội dung, bạn sẽ đi đến được kết luận. Môn Lịch Sử không cần quá chú trọng nhập đề, mở bài như môn Văn, mà phải nhằm vào thân bài, vào nội dung, ăn điểm là nằm ở phần này.
Suy nghĩ kỹ câu hỏi

Lỗi thường gặp của các thí sinh khi làm bài là không suy nghĩ kỹ câu hỏi đã làm bài. Câu hỏi không đòi hỏi viết nhiều lại viết rất dài. Không phải cứ viết dài là được điểm nhiều mà cách này sẽ hao tốn rất nhiều thời gian làm bài. Ví dụ hỏi về vấn đề “thuận lợi” thì các bạn không cần phải nêu nhiều về vấn đề “khó khăn” làm gì. Hoặc hỏi nội dung về quyền dân tộc cơ bản trong Hiệp định Genever, Hiệp định Paris… chẳng hạn, thì bạn chỉ trả lời cụ thể về quyền dân tộc trong hiệp định chứ không trình bày toàn bộ hiệp định.

Đây là lỗi phổ biến, do chủ quan với các câu hỏi, đọc đại khái, viết theo ý mình dẫn đến việc thừa thiếu không cần thiết trong bài làm. Tuy không bị trừ điểm nhưng bạn đã tự trừ điểm của mình vào chỗ khác.

3. Trả lời tất cả các câu hỏi:Các thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 không được làm một câu thật tốt mà bỏ câu khác không làm. Bố trí thời gian cho từng câu và chia theo tỷ lệ điểm và tránh việc dành thời gian chỉ cho một vài câu. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau.

Khi ôn thi nên bám sát sách giáo khoa, không nên đọc quá nhiều tài liệu và cũng không nên học tủ vì câu hỏi thường hay lô -gíc với nhau.
Trình bày kiến thức phải rõ ràng, mạch lạc

Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An đưa ra lời khuyên với các thí sinh: “Khi làm bài thi môn Sử, các thí sinh nên lưu ý rằng, dù các câu hỏi của đề thi dễ hay khó, đề thi yêu cầu trình bày sự kiện, kiến thức hay so sánh, phân tích, nhận xét, đánh giá một vấn đề lịch sử, khi trình bày kiến thức phải rõ ràng, mạch lạc giữa các luận điểm. Không viết gộp nhiều luận điểm trong khi trình bày.

Phải tách ý, hết một ý lớn nên xuống hàng chứ không được trình bày bài thi theo kiểu gạch đầu dòng, lập dàn ý. Khi các em trình bày hết những phần kiến thức cụ thể, nên có thêm ít dòng tiểu kết lại bằng những cụm từ kiểu như “Như vậy”, “Tóm lại”… mà nội dung của nó thường khái quát, khẳng định lại hay nhận xét, đánh giá chung một cách cô đọng phần mà các em vừa trình bày.”


< Theo Kenhtuyensinh.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 6