Đảng Cộng sản Việt Nam với ngọn cờ giải phóng và phát triển dân tộc vì độc lập tự do
[ 20/03/2017 00:00 AM | Lượt xem: 1835 ]

  Đảng Cộng sản Việt Nam với ngọn cờ giải phóng và phát triển dân tộc vì độc lập tự do

Bài viết của GS.NGND Lê Mậu Hãn

“Tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc…”
“Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ…”


 
HỒ CHÍ MINH SÁNG LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
I.1. Một học thuyết cách mạng sáng tạo

Dân Việt Nam có chung một truyền thống lịch sử, có ý thức sâu sắc về chủ quyền cương vực quốc gia, quyền làm chủ đất nước, cố kết cộng đồng dân tộc, có tình nghĩa đồng bào sâu nặng trong đó dòng chủ lưu là chủ nghĩa dân tộc, ý chí độc lập và khát vọng tự do, không bao giờ khuất phục trước quân ngoại bang xâm lược và thống trị. Những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc chống quân phong kiến phương Bắc xâm lược và thống trị không phải nhờ sức mạnh của quân nhiều mà “nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do”[1]. Độc lập tự do đối với các dân tộc vô cùng thiêng liêng, là “quyền trời cho của mỗi dân tộc”[2]. Nguồn giá trị văn hóa tư tưởng truyền thống trong đó cốt lõi là chủ nghĩa dân tộc, ý chí độc lập và khát vọng tự do là nền tảng tinh thần, động lực vĩ đại cho sự trường tồn và phát triển của Việt Nam.

Vào giữa thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, biến thành thuộc địa của Pháp. Mâu thuẫn giai cấp trong lòng xã hội có sự chuyển biến lớn. Sự xung đột về quyền lợi các giai cấp trong nội bộ dân tộc vốn không diễn ra giống như ở các nước phương Tây mà lại còn giảm thiểu lớn. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp trở thành mâu thuẫn chủ yếu. Các cuộc đấu tranh dân tộc chống thực dân Pháp liên tiếp nổ ra nhưng vì thiếu một định hướng cách mạng, khoa học nên chưa thể thành công. Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã dấn thân đến nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu, học hỏi, suy ngẫm về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc phù hợp điều kiện lịch sử dân tộc, con người Việt Nam và nhu cầu tiến hóa của đất nước theo xu thế phát triển của nhân loại trong thời đại mới. Bằng phương pháp luận biện chứng, lấy thực tiễn làm điểm xuất phát, kết hợp đúng đắn lý luận với thực tiễn, Người đã nhận được chân giá trị văn hóa tư tưởng Việt Nam truyền thống và những yếu tố tư tưởng cách mạng của các nước trên thế giới trong lịch sử cận hiện đại. Khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh thấy rõ chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Ăngghen đã từng đánh giá học thuyết của Mác không đưa ra những giáo điều định sẵn, mà là những điểm xuất phát cho việc nghiên cứu thêm và phương pháp cho việc nghiên cứu này. Chủ nghĩa duy vật là một phương pháp duy nhất khoa học, còn chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác thì không bao giờ có tham vọng giải thích tất cả, mà chỉ có ý muốn vạch ra một phương pháp duy nhất khoa học để giải thích lịch sử chứ không thể đưa ra một chìa khóa cho mọi ổ khóa lịch sử.

Mác và Ăngghen cũng đã bàn đến vấn đề độc lập dân tộc của các nước bị các dân tộc lớn thống trị trên cơ sở triết lý lịch sử phương Tây và quyền lợi của giai cấp vô sản các nước đó làm khung quy chiếu. Về vấn đề này, Ăngghen cũng từng thừa nhận rằng: “độc lập dân tộc là cơ sở cho mọi sự hợp tác quốc tế”[3] và “phong trào quốc tế của giai cấp vô sản nói chung chỉ có thể nói trong môi trường các dân tộc độc lập”[4]. Song, xuất phát từ lợi ích trực tiếp của giai cấp vô sản các nước Tây Âu, Ăngghen lại nêu rõ phong trào giải phóng dân tộc phải phục tùng mục đích cách mạng vô sản ở Tây Âu. Ăngghen nhấn mạnh: “Chúng ta phải cùng nhau đấu tranh để giải phóng giai cấp vô sản Tây Âu và bắt tất cả những cái còn lại phải phục tùng mục đích ấy” và “nếu nguyện vọng giải phóng của họ xung đột với lợi ích của giai cấp vô sản, thì tôi hoàn toàn không quan tâm đến họ”[5]. Phải đến khi giai cấp vô sản châu Âu được giải phóng thì nhân dân các nước thuộc địa sẽ trở thành người tự do, thực sự được giải phóng!
Bản Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ[6] viết năm 1924, lưu ở Viện Mác – Lênin, Mátxcơva, không ký tên tác giả đã nhận xét rằng: Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử châu Âu, mà châu Âu chưa phải là toàn thể nhân loại. Vì vậy, khi vận dụng học thuyết Mác để nghiên cứu phương Đông, nhất là Việt Nam cần phải xem xét lại cơ sở lịch sử và phải bổ sung vào học thuyết đó những tư liệu lịch sử phương Đông.

Dựa trên cơ sở triết lý phương Đông để nghiên cứu, tác giả bản Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã nêu một luận điểm có giá trị khoa học đặc sắc, rằng: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước… Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản… Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”[7].

Chủ nghĩa dân tộc truyền thống được tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, là một chủ nghĩa dân tộc cách mạng trong sáng, không mâu thuẫn với lợi ích của phong trào vô sản thế giới và chủ nghĩa quốc tế chân chính. Sự thức tỉnh về ý thức dân tộc vì độc lập tự do của Việt Nam không hề đi theo sự bài ngoại quen thuộc, bột phát của những cuộc bùng nổ thông thường của chủ nghĩa dân tộc sôvanh, biệt phái.

Nguồn giá trị văn hóa tư tưởng trong đó chủ nghĩa dân tộc chân chính, ý chí độc lập tự do là dòng chủ lưu của tư tưởng Việt Nam xuyên suốt lịch sử dân tộc, là một trong những nguồn gốc chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh và dựa trên cơ sở đó, Người đã nghiên cứu tiếp thu biện chứng giá trị nguồn tư tưởng cách mạng của thế giới.

Kế thừa và nâng lên tầm cao mới của thời đại nguồn giá trị văn hóa tư tưởng truyền thống của dân tộc bằng cách kết hợp, tiếp biến, tổng hòa, phát triển biện chứng tinh hoa văn hóa tư tưởng phương Đông và tư tưởng các cuộc cách mạng Âu, Mỹ ở thế kỷ XVII, XVIII, đặc biệt là học thuyết cách mạng của Mác, Lênin, Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công một hệ quan điểm toàn diện và sáng tạo mang tầm vóc lịch sử một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc vì độc lập tự do.

Học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh được hình thành về cơ bản trong ba thập kỷ đầu của thế kỷ XX và được tiếp tục phát triển khá sinh động trong những thập kỷ về sau. Có thể nêu tóm tắt nội dung học thuyết đó như sau:

– Muốn cứu nước, giải phóng và phát triển dân tộc phải theo học thuyết của Mác, một học thuyết cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc về quyền tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình và hạnh phúc. Luận điểm ấy là biểu hiện tầm cao mới, nội dung mới bằng cách kết hợp chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa quốc tế.

– Cách mạng giải phóng dân tộc có quan hệ với cách mạng vô sản ở “chính quốc” song không phụ thuộc vào cách mạng “chính quốc”, mà nó có khả năng giành thắng lợi trước bằng sức mạnh và trí tuệ của dân tộc.

– Cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc là lâu dài, gian khổ, trước hết là phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại quyền độc lập, tự do; thực hiện cách mạng dân chủ nhân dân, tạo tiền đề để quá độ lên giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo thành một liên hiệp trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người; một nước độc lập, dân tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, một xã hội thông thái và đạo đức.

– Cách mạng giải phóng và phát triển là sự nghiệp đại đoàn kết lực lượng toàn dân tộc, được giác ngộ và tổ chức chặt chẽ đứng lên đấu tranh để giải phóng giành lại quyền độc lập tự do, xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc để quản lý xã hội và phát triển đất nước.

– Cuộc cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc đó phải do một đảng tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc, được vũ trang bằng một hệ tư tưởng cách mạng sáng tạo, có đường lối chính trị đúng đắn, và tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ đảng viên tiên phong gương mẫu nguyện phấn đấu vì nhân dân, vì Tổ quốc…

Cùng với việc xây dựng học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc làm cơ sở tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị về tổ chức, đào tạo cán bộ về lý luận và đạo đức mẫu mực, kiên cường chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng khai hoa, kết trái tốt đẹp.

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập (6-1925). Nhiều lớp huấn luyện cán bộ đã được mở ở Quảng Châu. Phần lớn học viên là những thanh niên yêu nước và cấp tiến, vốn xuất thân là học sinh, trí thức. Hồ Chí Minh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và là giảng viên chính của các khóa học. Các học viên được học về “đường cách mệnh” theo học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh. Họ học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Các học viên sau khi “học xong họ lại bí mật về nước truyền bá lý luận giải phóng dân tộc, và tổ chức nhân dân”[8].

Học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh được trình bày rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Giáo sư Nhật Bản Singô Shibata đã nhận xét rằng: “Các tác phẩm ấy đã phát triển lý luận không theo một cách uyên bác xa xôi mà viết bằng những lời lẽ đơn giản, những câu ngắn gọn” nhưng giá trị lý luận cách mạng của Hồ Chí Minh giống như “những viên ngọc quý được khảm trong các tác phẩm của Người”[9]. Còn Phiđen Cátxtơrô Rudơ, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba nói: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cần thiết phải giải thoát sự bóc lột xã hội. Sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp giải phóng xã hội là hai điểm then chốt trong học thuyết của Người”[10]. Nếu có ai hỏi văn bản nào giải thích kỹ càng nhất học thuyết của Hồ Chí Minh, thì chúng ta có thể trả lời: Thông qua chủ nghĩa anh hùng cách mạng nảy sinh hằng ngày trong chiến đấu và dựng xây đất nước của nhân dân Việt Nam, người ta đã tìm thấy lời giải thích hay nhất về học thuyết vì độc lập và tự do của Hồ Chí Minh. Và chính Hồ Chí Minh khi nói về cách viết tác phẩm Đường cách mệnh, con đường giải phóng và phát triển dân tộc được diễn đạt “Vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ… ước sao cho đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh. Văn chương và hy vọng của sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”[11].

Hà Huy Tập vốn là một thành viên của Đảng Tân Việt đã viết rõ, các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cả Tân Việt Cách mạng Đảng tự coi “cuốn Đường cách mệnh là cương lĩnh và hệ tư tưởng của họ”. Đó là sách phúc âm đối với tất cả đảng viên của Tân Việt và họ đã học gần như thuộc lòng. Ngay khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng chưa phải là Đảng Cộng sản, nhưng tất cả các thành viên của hai tổ chức đó luôn luôn nói với nhau hoặc nói với quần chúng rằng họ là những người cộng sản chân chính theo con đường cách mệnh của Hồ Chí Minh.

Lý luận cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc vì độc lập tự do của Hồ Chí Minh được truyền bá vào Việt Nam đã đáp ứng khát vọng thiêng liêng nhất của nhân dân Việt Nam, trước hết là tầng lớp học sinh, thanh niên trí thức yêu nước. Họ đã dấn thân đi vào quần chúng để tuyên truyền, vận động, tổ chức đấu tranh, làm dấy lên trong toàn quốc một phong trào đấu tranh dân tộc, dân chủ ngày càng mạnh mẽ. Điều đó phản ánh khá rõ sự trưởng thành về chính trị, tính tự giác cách mạng của phong trào quần chúng. Nhu cầu lập Đảng Cộng sản trên nền tảng học thuyết sáng tạo của Hồ Chí Minh để lãnh đạo quần chúng đấu tranh đã thúc đẩy các hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và của nhiều đảng viên của Đảng Tân Việt tích cực vận động thành lập Đảng Cộng sản.

I.2. Sự xuất hiện đúng lúc, với những quyết định lịch sử

Sau cuộc phản biến của Tưởng Giới Thạch tháng 4-1927, hoạt động của Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn nguy hiểm và suýt bị Quốc dân Đảng bắt. Trụ sở làm việc bị chúng khám xét. Lúc đó Người chỉ còn cách chọn gấp giữa hai con đường: hoặc là bị bắt hay qua Mátxcơva để về Xiêm (Thái Lan). Nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản cử về công tác ở Đông Dương, Hồ Chí Minh đến Xiêm tháng 7-1928. Tại đây, Người hoạt động trong Việt kiều, và hai lần đi về Việt Nam song do mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật nên đều phải quay lại Xiêm. Giữa lúc đang cố gắng để tiếp tục đi lần thứ ba thì một đồng chí từ Hồng Công đến báo tin cho biết Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phân liệt dẫn đến sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929) và An Nam Cộng sản Đảng (8-1929). Hai đảng đó hoạt động riêng lẻ và phê phán nhau có tính biệt phái. Những người tiên tiến trong Đảng Tân Việt cùng tập hợp lại và tuyên bố chính thức lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9-1929).
Trước tình hình cấp bách đó, Hồ Chí Minh đã rời Xiêm (11-1929) để trở lại Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ lịch sử thống nhất các tổ chức cộng sản nhằm chấm dứt sự biệt phái của các Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Với trọng trách lịch sử của mình Người đã triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản để bàn việc hợp nhất Đảng và đến ngày 23-12-1929, Người đã có mặt ở Trung Quốc.
Hội nghị hợp nhất Đảng họp từ ngày 6-1-1930 tại Cửu Long, Hồng Công với sự hiện diện của hai đại biểu “Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh và đại diện của An Nam Cộng sản Đảng là Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có hai người giúp việc Hội nghị là Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, và bằng một thái độ chân thành, có sức thuyết phục, Hồ Chí Minh đã chỉ cho đại diện của cả hai đảng rõ về những sai lầm và những việc họ phải làm. Các đại biểu đã đồng thuận quyết định thống nhất cả hai đảng để lập thành một đảng với tên gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của lịch sử dân tộc; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng – Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, và các văn bản chính trị khác gồm Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng.
Các đại biểu phải lập một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Ngoài công tác hằng ngày Ban Chấp hành Trung ương phải tổ chức ngay Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Tương tế, Hội Phản đế. Hồ Chí Minh sẽ viết Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng (viết xong ngày 16-2-1930). Hội nghị họp xong, các đại biểu trở về nước ngày 8-2-1930.
Do thiếu thông tin về sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn nên Hồ Chí Minh không mời đại diện đảng này đến dự Hội nghị hợp nhất Đảng. Vì vậy theo yêu cầu của tổ chức này, ngày 24-2-1930, tại Sài Gòn, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu là hai trong năm thành viên tham gia hội nghị lịch sử quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với hai ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản và Ngô Gia Tự là Bí thư lâm thời của Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng đã họp quyết định để Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc thống nhất các tổ chức Đảng Cộng sản tiền thân thành một Đảng Cộng sản thống nhất ở Việt Nam đã hoàn tất.
Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm trực tiếp của học thuyết cách mạng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào dân tộc Việt Nam (bao gồm công nhân, nông dân, những tầng lớp lao động và học sinh, sinh viên, trí thức yêu nước) trong những năm 20 của thế kỷ XX. Đây là một đặc trưng về sự sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam của Hồ Chí Minh trong cuộc vận động, tổ chức một đảng cách mạng tiên phong với lãnh đạo và tổ chức cuộc cách mạng giải phóng và phát triển vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở một học thuyết cách mạng sáng tạo, với một quyết định lịch sử của Hồ Chí Minh, thông qua sự thử thách, sàng lọc chọn lựa lịch sử, là sự hiện thực hóa của cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam theo con “đường cách mạng” của Hồ Chí Minh.
Ngay khi mới ra đời, Đảng đã có cương lĩnh, sách lược (tuy còn vắn tắt) cách mạng sáng tạo, thể hiện đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp, quốc gia dân tộc và quốc tế, trong đó thấm đượm yếu tố dân tộc, yếu tố quyết định tính đặc sắc của cách mạng thuộc địa trong thời đại mới. Chủ trương thực hiện chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, qua dân chủ chuẩn bị tiến lên theo định hướng cộng sản vì độc lập, tự do là tư tưởng cách mạng cốt lõi như viên ngọc quý được khảm trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Trải qua thực tiễn cách mạng và kháng chiến về sau, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh chiến lược cách mạng Việt Nam đã tiến triển qua ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc;
Giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu là xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân;
Giai đoạn thứ ba, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội.
Các giai đoạn đó không tách rời nhau, mật thiết liên hệ xen kẽ với nhau. Song mỗi giai đoạn có nhiệm vụ trung tâm cần phải tập trung lực lượng vào đó mà thực hiện.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng trước hết phải có đảng cách mạng được vũ trang bằng một học thuyết giải phóng và phát triển vì độc lập và tự do đã thành hiện thực bằng sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và chính Hồ Chí Minh đã trực tiếp tìm tòi, khảo nghiệm, chuẩn bị về lý luận, tư tưởng, đường lối chính trị và tổ chức cuộc vận động thành lập Đảng dẫn đến sự ra đời của các đảng tiền thân. Các đảng đó hoạt động riêng lẻ và bắt đầu xuất hiện khuynh hướng biệt phái vô cùng nguy hại. Chính trong thời điểm lịch sử đó, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng xuất hiện đúng lúc, đáp ứng nhu cầu của lịch sử với những quyết định đúng, và sự mẫu mực của một người thầy, người lãnh tụ sáng suốt có sức thuyết phục đối với các đại biểu dự Hội nghị thành lập Đảng về cả chủ trương, phương pháp thống nhất các đảng tiền thân thành Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất, nhân tố cơ bản đầu tiên quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Thực tiễn lịch sử của nhân dân Việt Nam diễn ra từ sau ngày Đảng ra đời và tiếp diễn tạo nên những thắng lợi vĩ đại của chúng ta, mở đầu là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới – kỷ nguyên độc lập, tự do đã minh chứng về sự sáng tạo của Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhận chân giá trị lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng, Hồng Thế Công đã viết: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người đã có sáng kiến đề ra và lãnh đạo công cuộc thống nhất”[12]. Hội nghị hợp nhất đã đóng một vai trò lịch sử to lớn… Hội nghị đã có sáng kiến thống nhất các lực lượng cộng sản lại, đã cố gắng tập trung phong trào cộng sản, tạo cho nó một trung tâm duy nhất góp phần làm cho công cuộc tranh đấu phát triển thuận lợi, những điều ấy đã đáp ứng được một yêu cầu của lịch sử và đó là một công lao lớn”[13].
Nhiều nhà nghiên cứu và chính khách trên thế giới cũng đã đánh giá tầm vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhãn quan sáng suốt nhìn xa thấy rộng của Người bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc về những lực lượng thúc đẩy sự biến đổi có tính chất bùng nổ nhất của lịch sử ở những bước ngoặt có tính chất cách mạng nhất. Phải chăng nhận định sau của Gớt Hôn – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ, cũng góp phần soi tỏ vai trò sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, rằng: “Hồ Chí Minh là con người cần thiết xuất hiện đúng lúc, đúng yêu cầu của lịch sử, với những tư tưởng và ý kiến đúng. Chính vậy mà đồng chí đã làm ra lịch sử”[14].

II.KỶ NGUYÊN GIẢI PHÓNG VÀ PHÁT TRIỂN DÂN TỘC VÌ ĐỘC LẬP TỰ DO
II.1. Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên độc lập tự do

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, một phong trào cách mạng của quần chúng rộng rãi nổ ra ở nhiều địa phương trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam tiêu biểu là ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã cuốn hút mạnh mẽ đông đảo quần chúng, không chỉ có công nhân, nông dân, tầng lớp nhân dân lao động mà còn “các tầng lớp trí thức và một số sĩ phu, một số trung, tiểu địa chủ cũng có xu hướng cách mạng rõ ràng. Qua khủng bố trắng dữ dội của thực dân Pháp, các tầng lớp nhân dân nói trên “vẫn cố bám lấy cách mạng và âm thầm ủng hộ cách mạng” “giai cấp tư sản nhỏ… như buôn bán làm ăn khá giả đều có xu hướng cách mạng”. Sự thật lịch sử đó đã thể hiện ý thức dân tộc phản đế trong nhân dân rất mạnh” và giá trị hiện thực của tư tưởng, đường lối giương cao ngọn cờ độc lập, tự do của Hồ Chí Minh.

Lịch sử lãnh đạo và tổ chức của Đảng ngay sau cao trào cách mạng 1930-1931 có lúc gập ghềnh quanh co, sai lầm, song cuối cùng đã chảy thuận dòng. Phải trải qua một số năm đấu tranh, rèn luyện trong thực tiễn, Đảng ngày càng trưởng thành về chính trị, có những đổi mới trong đường lối, chủ trương, tổ chức vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nhằm tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính để đánh đổ chúng, giành lại quyền độc lập tự do.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Pháp – Nhật cấu kết với nhau thống trị Đông Dương.
Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc phát xít Pháp – Nhật diễn ra gay gắt. Lúc này “nhân dân Việt Nam… ai cũng chán ghét cuộc đời nô lệ, ai cũng muốn độc lập, tự do và đang trong tư thế một người lên tiếng vạn người ủng hộ”.
Đây là cơ hội tốt ngàn năm có một để Đảng lãnh đạo và tổ chức toàn dân đứng lên đánh Pháp – Nhật giành lại quyền độc lập tự do thiêng liêng của dân tộc.
Chính trong bối cảnh lịch sử này, Hồ Chí Minh không còn “phải sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như sống ở bên cạnh, bên ngoài của Đảng” ở Mátcơva và được trở về Việt Nam (28/1/1941), Người đã nhanh chóng triệu tập và trực tiếp chủ trì Hội nghị lần thứ Tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, họp tại Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng (10-19/5/1941). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương đã tiếp tục phát triển tư tưởng và đường lối cách mạng Việt Nam được Hồ Chí Minh vạch ra trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ: “Nói đến vấn đề dân tộc tức là nói đến sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc” và xác định cách mạng lúc này là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cách mạng dân tộc là việc chung của dân chúng, không phân biệt công nhân, nông dân, tư sản bản xứ, phú nông, địa chủ, già trẻ, trai gái, tôn giáo và xu hướng chính trị, miễn là có lòng yêu nước đều được tập trung vào một mặt trận đại đoàn kết là Mặt trận Việt Minh, ra sức chuẩn bị để tiến lên thực hiện một cuộc khởi nghĩa của toàn dân, khởi nghĩa dân tộc, đánh đổ ách thống trị của Pháp – Nhật làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự do.
Sau khi đánh đổ được Pháp – Nhật sẽ thành lập một Nhà nước Việt Nam dân chủ mới. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ ấy không phải thuộc riêng của một giai cấp nào mà của chung toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của Pháp – Nhật và những bọn phản quốc, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam đều được một phần tham gia chính quyền. Chính phủ nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội cử ra và lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ Tổ quốc.
Giữa tháng 8 năm 1945, thời cơ cách mạng đã chín muồi. Cuộc khởi nghĩa dân tộc đã diễn ra nhanh chóng và thắng lợi trong toàn quốc. Chính quyền cách mạng đã được thành lập trong cả nước, đứng đầu là Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch kiêm ngoại giao. Chính phủ Lâm thời tiêu biểu cho sự đại đoàn kết dân tộc, là một Chính phủ quốc gia thống nhất.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy[15].
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một bước phát triển nhảy vọt lịch sử vĩ đại trên con đường tiến hóa của dân tộc theo xu thế tiến triển của cách mạng thế giới. Một kỷ nguyên mới đã mở ra – kỷ nguyên độc lập, tự do của thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

II.2. Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ

Quyền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam mới giành lại đã lâm vào một tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Giữ vững lời thề độc lập, “dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu… xây đắp, tô điểm non sông Việt Nam, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao năm lầm than, kiệt quệ. Noi theo truyền thống của các thế hệ trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh “một trận cuối cùng” để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do hạnh phúc[16].
Chỉ thị kháng chiến, kiến quốc của Đảng (25-11-1945) xác định cuộc cách mạng của chúng ta lúc này vẫn là cuộc cách mạng giải phóng. Khẩu hiệu vẫn là: “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lăng, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.
Để bảo vệ chính quyền, Đảng và Chính phủ đã củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, thực hiện liên hiệp quốc dân. Việt Minh được củng cố và chấn chỉnh lại. Một số đoàn thể quần chúng và đảng phái dân chủ lần lượt ra đời như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, ngày 29-5-1946, Hội Liêp hiệp Quốc dân Việt Nam đã tuyên bố chính thức thành lập ở Hà Nội. Đây là một hình thức tổ chức rộng rãi của Mặt trận trong thời kỳ mới. Hội có mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và cả đồng bào yêu nước không đảng phái… để làm cho nước Việt Nam được Độc lập, Thống nhất, Dân chủ, Phú cường. Lúc này, hơn bao giờ hết, “bao nhiêu thành kiến giai cấp, bao nhiêu phân tranh, đảng phái, bao nhiêu đố kỵ về tôn giáo và nòi giống phải hất ra khỏi con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam. Từ nay quốc dân Việt Nam đã liên hiệp, không phải chỉ liên hiệp ở trong Chính phủ mà còn liên hiệp ở quảng đại quần chúng nhân dân… Thống nhất dân tộc là một vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù dân tộc. Vũ khí ấy ta phải giữ như một vật báu… Lúc này bí quyết của sự thành công ở chỗ tinh thành đoàn kết”[17]…
Hệ thống chính quyền nhân dân được củng cố và tăng cường từ trung ương đến địa phương làm cho chính quyền đó thực sự của dân, do dân và vì dân, của toàn dân.
Lực lượng quân đội và công an được xây dựng một cách toàn diện về quân sự, chính trị, trang bị, cấp dưỡng, đặc biệt là về chính trị tinh thần, đều được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.
Các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội… cũng được thực hiện một cách tối ưu.
Thành quả của một năm kiến quốc, xây dựng chế độ mới đặt nền móng vững chắc, tạo dựng sức mạnh to lớn của dân tộc trên nền tảng dân chủ mới của toàn dân. Nước nhà đã vượt qua tình thế hiểm nghèo trong những ngày tháng đầu mới thành lập chính quyền cách mạng, đã tạo lực để kháng chiến chống Pháp ở miền Nam, và tích cực chuẩn bị để kháng chiến lâu dài khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh trên cả ba miền đất nước.
Đối với nhiệm vụ kiến quốc ở miền Bắc và kháng chiến ở miền Nam, Chính phủ đã nhân nhượng, hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đẩy lùi từng bước âm mưu chính trị, quân sự của chúng và tay sai. Đối với Pháp, Chính phủ đã đàm phán ngoại giao, thực hiện chủ trương “Hoà để tiến” nên đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Song ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng tiếp tục các hoạt động quân sự, đã đánh úp các chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ, gây hấn ở Hải Phòng, Lạng Sơn, ở Hà Nội, ráo riết chuẩn bị thực hiện “một kịch bản đảo chính”!
Ngọn lửa chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên toàn quốc là điều khó tránh khỏi do chúng đã quyết định sẽ châm ngòi bất cứ lúc nào.
Tiếp tục hoà hay chiến? Độc lập, tự do hay nô lệ? Tình thế khẩn cấp đòi hỏi Hồ Chí Minh phải có lựa chọn lịch sử, phải kịp thời có một quyết định chiến lược để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc.
Đã đến lúc phải đứng lên chiến đấu với ý chí “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Thà chết chứ không chịu làm nô lệ một lần nữa”. Vì lẽ đó Đảng, Quốc hội, Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu đã nhất trí quyết định phát động cuộc kháng chiến trong toàn quốc, hạ lệnh cuộc tổng giao chiến vào ngày 19-12-1946.

Cuộc tổng giao chiến của quân và dân ta đã diễn ra trong điều kiện lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch, song ta đã chủ động tiến công kiên quyết và dũng cảm với quyết tâm làm theo lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Lời kêu gọi của Người là tiếng gọi của non sông đất nước khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, truyền thống, ý chí độc lập tự do, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam, làm cho cả dân tộc đoàn kết thành một khối thống nhất, đứng lên chiến đấu, bằng mọi thứ vũ khí có sẵn, với một lập trường cách mạng kiên định và một niềm tin kháng chiến lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.

Với ưu thế tinh thần, lợi thế duy nhất mà ta đã giành được khi khởi đầu chiến tranh trên cả nước đã kiên trì chiến đấu, vừa đánh vừa phát triển lực lượng vừa phát triển khoa học về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh, càng đánh càng mạnh, giành thắng lợi từng bước, từ nhỏ đến lớn giành thắng lợi trong cuộc quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ cam kết tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Từ sự thật lịch sử thất bại của quân đội Pháp, Lơcơlec, một tướng giỏi đã từng chỉ huy xâm lược Việt Nam nói một câu cô đọng và rõ ràng: “Người ta không thể dùng sức mạnh để phá tan chủ nghĩa dân tộc Việt Nam”.

II.3. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Do tương quan lực lượng so sánh, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng và Miền Nam còn bị quân Mỹ và lực lượng tay sai thống trị. Nhân dân Việt Nam vừa lo khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá, đưa miền Bắc tiến lên mạnh mẽ, trở thành căn cứ địa, hậu phương của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời phải đẩy mạnh cuộc cách mạng và chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.

Hai nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và ở miền Nam tuy là hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau song đều có chung một mục tiêu là thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc, đều nhằm giải quyết mâu thuẫn chung của cả nước là mâu thuẫn giữa dân tộc ta và đế quốc Mỹ và tay sai của chúng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trải qua 21 năm chiến đấu đã lần lượt đánh bại chính sách cai trị thực dân mới điển hình của Mỹ (1954-1960), đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969-1975) trên chiến trường miền Nam.

Ở miền Bắc, quân và dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ với quyết tâm: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[18]
Đỉnh cao chói lọi là chiến công oanh liệt của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đại thắng kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.
*
*          *
Thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã từng bước đánh bại “hai đế quốc to” là Pháp và Mỹ do chính sức mạnh của con người Việt Nam được tạo nên với tư tưởng, quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Tư tưởng đó là điều cốt lõi của chủ nghĩa dân tộc truyền thống được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên tầm cao mới của thời đại. Từ thất bại của Mỹ ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara đã thừa nhận: “Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt Cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”…



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb. CTQG, T. 1, tr. 98.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011),  Sđd, T. 5, tr. 9.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1998), Nxb. CTQG, Hà Nội, t.35, tr.351.
[4] C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập (1998), Nxb. CTQG, Hà Nội, t.35, tr. 349.
[5]  (1998), Nxb. CTQG, Hà Nội, t.35, tr. 364.
[6] Bản Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ không ghi tên tác giả, song qua nội dung của báo cáo, nhiều nhà nghiên cứu về sử học cho rằng không ai khác ngoài Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là người Việt Nam duy nhất lúc đó đang sống và hoạt động ở Mátxcơva, chính là tác giả của bản báo cáo đó (cho đến nay chưa có tài liệu nào xác định bản báo cáo này do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo).
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Sđd, t.1, tr. 511-513.
[8] Trần Dân Tiên (1956), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn nghệ, H, tr. 71.
[9] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch (1976), Nxb ST, Hà Nội, tr.246.
[10] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch (1976), Nxb ST, Hà Nội, tr. 78.
[11] Xem Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Sđd, t.2, tr. 283.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.4, tr. 409.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 425.
[14] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch (1976), sđd, tr. 530.
[15] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb. CTQG Hà Nội, T4, tr. 3.
[16] Võ Nguyên Giáp (2006), Diễn văn đọc trong ngày độc lập, Lịch sử chính phủ Việt Nam, Tập 1, 1945-1954, Nxb. CTQG, H, tr.339-340.
[17] Trường Chinh (1946), “Hội nghị Liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời”, Báo Sự thật, số 38, ngày 1-6-1946.
[18]
< http://khoalichsu.edu.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 8