QUAN HỆ NHÀ NƯỚC – LÀNG XÃ*: QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
[ 15/03/2017 00:00 AM | Lượt xem: 12558 ]

   
  
QUAN HỆ NHÀ NƯỚC – LÀNG XÃ*:
QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
 
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
 
    
I. QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ
 
1.1. Từ thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên cách ngày nay khoảng 4000 năm, trên đất nước ta đã diễn ra quá trình tan rã của công xã thị tộc và thay vào đó là quá trình hình thành công xã nông thôn- hay nói một cách khác đấy là quá trình hình thành làng Việt.

Mỗi làng bao gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định. Ở đây, bên cạnh quan hệ địa lý- láng giềng, quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn và củng cố tạo thành kết cấu vừa làng vừa họ, hay kết cấu làng họ rất đặc trưng ở Việt Nam. Lúc này toàn bộ ruộng đất cày cấy cùng với rừng núi, sông ngòi, ao đầm trong phạm vi làng đều thuộc quyền sở hữu của làng. Ruộng đất của làng được phân chia cho các gia đình thành viên sử dụng theo những tục lệ mang tính chất bình đẳng, dân chủ của cộng đồng làng và có thể là phân chia một lần rồi có kết hợp điều chỉnh khi cần thiết. Đơn vị sản xuất chủ yếu trong làng là gia đình nhỏ. Ngoài những ruộng đất phân chia cho các thành viên cày cấy, làng có thể giữ một phần ruộng đất để sản xuất chung nhằm sử dụng hoa lợi thu hoạch vào những chi phí công cộng. Công việc khai hoang, làm thuỷ lợi và các hình thức lao động công ích khác đều được tiến hành bằng lao động hiệp tác của các thành viên trong làng. Làng Việt như thế, là một loại hình của công xã Phương Đông, trong đó nông nghiệp gắn liền với thủ công nghiệp, làng xóm gắn liền với ruộng đất, nên tự nó mang tính ổn định cao. Tính ổn định cao này đã hoá thân thành tinh thần công xã, thành truyền thống xóm làng nên nó trở thành nguồn sức mạnh tiềm tàng trong cuộc đọ sức nghìn năm với các mưu đồ nô dịch và đồng hoá của phương Bắc.
 
1.2. Thời kỳ Bắc thuộc, phong kiến Trung Quốc đã tìm mọi cách vươn xuống tận cơ sở để nắm lấy và sử dụng làng Việt truyền thống như một công cụ phục vụ cho mưu đồ thống trị và đồng hoá của chúng. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là việc Khâu Hoà (Giao Châu Đại Tổng quản của nhà Đường) hồi đầu thế kỷ thứ VII đã đề ra chính sách khuôn làng Việt vào mô hình thống trị của Trung Quốc: Đặt ra hương (trong đó tiểu hương có từ 70 đến 150 hộ và đại hương có từ 160 đến 540 hộ) và dưới hương là xã (gồm tiểu xã từ 10 đến 30 hộ và đại xã từ 40 đến 60 hộ).[1] Nhưng trong thực tế phong kiến Trung Quốc đã không thành công. Tuy từ đầu Công nguyên chế độ Lạc tướng đã bị xoá bỏ và chính quyền đô hộ đã nắm giữ được cấp huyện, nhưng nó vẫn không thể khống chế nổi cơ sở hạ tầng của xã hội Việt cổ là các công xã (tức là các xóm làng). Người Việt suốt thời kỳ thống trị của phong kiến phương Bắc đã không ngừng bảo tồn và củng cố cộng đồng xóm làng, biến xóm làng của mình thành những pháo đài chống Bắc thuộc, chống đồng hoá, dựa vào làng và xuất phát từ làng mà đấu tranh giành lại nước. Công xã nông thôn Việt Nam với kết cấu bền chặt của nó không những không bị giải thể mà trái lại có mặt còn được củng cố trong nghìn năm chống Bắc thuộc.
 
1.3. Đến đầu thế kỷ X, một mặt chính quyền tự chủ của họ Khúc bước đầu xác lập quyền sở hữu trên danh nghĩa của Nhà nước đối với ruộng đất công xã, mặt khác, tích cực thi hành chính sách cải cách hành chính, biến làng thành đơn vị hành chính cấp cơ sở của Nhà nước, gọi là “xã”.[2] Khái niệm ”làng xã” như một đơn vị tụ cư, đơn vị kinh tế, đơn vị tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đơn vị hành chính cấp cơ sở như ta hằng quan niệm xưa nay được hình thành trong thời điểm lịch sử này. Đây cũng chính là bước chuyển biến rất quan trọng của nông thôn Việt Nam truyền thống.

Tuy nhiên suốt trong thế kỷ X và thậm chí sang cả thế kỷ XI, XII công xã nông thôn vẫn còn tồn tại phổ biến và giữ vai trò hạ tầng cơ sở bền vững của xã hội với quyền sở hữu trên thực tế đại bộ phận ruộng đất và quyền tự trị khá lớn. Nhà nước trung ương tập quyền với tư cách là người chủ sở hữu tối cao về ruộng đất bóc lột tô thuế và lao dịch đối với làng xã. Lúc này chế độ tư hữu ruộng đất mới phôi thai và chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, tuy nhiên nó càng ngày càng phát triển nhanh.

Cũng trong buổi đầu của thời kỳ độc lập, khi cấp xã được nhà nước chính thống hoá trở thành đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn thì cấp thôn cũng dường như đồng thời xuất hiện.

Vấn đề đặt ra là từ khi nông thôn Việt Nam xuất hiện thêm hệ thống quản lý hành chính là xã trong khi hệ thống tự trị vẫn còn rất mạnh và giữ vị trí chi phối thì có nghĩa là cả hai hệ thống hành chính và tự trị cùng tồn tại trong một đơn vị làng xã. Trong quá trình vận hành không phải lúc nào hai hệ thống này cũng thống nhất với nhau, mà nhiều khi chúng mâu thuẫn, thậm chí còn rất trái ngược và đối lập nhau.
 
Tư liệu lịch sử cho phép đoán định rằng ngay từ khi mới thoát ra khỏi ách đô hộ của Trung Hoa, các chính quyền tự chủ của người Việt lấy làng truyền thống làm đơn vị hành chính cấp cơ sở của Nhà nước (tức là cấp xã) thì cấp thôn cũng xuất hiện ở trong các làng xã đó. Cấp thôn ra đời chính là do nhu cầu quản lý hành chính của bản thân cấp xã. Nhà nước thông qua xã để quản lý dân làng, nhưng xã khó có thể làm tốt chức năng quản lý hành chính của mình nếu như không thông qua một cấp trung gian khác là thôn. Thôn vì thế đã trở thành đầu mối giáp nối, gắn kết và điều hoà hai hệ thống quản lý: hành chính và tự trị, luật pháp và tục lệ, chính trị và xã hội.
 
Vào đầu đời Trần, năm 1242 Trần Thái Tông tiến hành phân chia ra các xã lớn, xã nhỏ mà đặt các chức đại tư xã, tiểu tư xã là các xã quan thay mặt Nhà nước trực tiếp quản lý từ 1 đến 2, 3, 4 xã.[3]
 
1.4. Chiếm được nước ta, nhà Minh muốn áp đặt trọn vẹn mô hình nông thôn Trung Quốc vào nông thôn Việt Nam. Chúng tiến hành chia dân ta ra thành từng “lý”, mỗi lý gồm 110 hộ (tương đương với một làng lúc đó) và đứng đầu lý là lý trưởng. Đây là lần đầu tiên xuất hiện chức danh lý trưởng với tư cách là người đứng đầu đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn Việt Nam. Dưới lý là giáp. Cứ 10 hộ họp thành một giáp, do giáp thủ đứng đầu. Những chức lý trưởng, giáp thủ đều luân phiên nhau làm trong thời hạn 1 năm với nhiệm vụ thu thuế và bắt phu dịch. Tuy nhiên tổ chức này chưa bao giờ được thực hiện trên phạm vi cả nước.
[4]
  
1.5. Ngay sau khi chiến thắng quân Minh, vào tháng 11 năm 1428, Lê Lợi tiến hành tổ chức lại làng xã. Ông phân ra làm 3 loại xã theo số đinh: loại nhỏ từ 10 đến 49 đinh, loại trung bình từ 50 đến 99 đinh và loại lớn từ 100 đinh trở lên.[5] Theo cách phân loại này, những xã loại vừa và nhỏ trong thực tế chỉ là thôn. Thôn cũng được chia ra thành nhiều loại, trong đó có những thôn phụ thuộc xã và những thôn độc lập. Trên cơ sở phân loại như vậy, ông lại đặt các xã quan tuỳ theo từng loại xã: Xã nhỏ chỉ đặt 1 viên, xã trung bình đặt 2 viên và xã lớn đặt 3 viên xã quan. Các xã quan trên nguyên tắc vẫn là các viên chức của Nhà nước, do Nhà nước cử ra để quản lý làng xã, nhưng thực tế vào đầu thời Lê sơ họ đã là người quản lý trực tiếp từng làng xã, thậm chí là từng thôn xóm nhỏ. Với cách tổ chức này, việc quản lý xã thôn được quy định cụ thể hơn trên cơ sở quản lý dân đinh chứ không phải là quản lý hộ như dưới thời Minh thuộc.

Đến năm 1466 Lê Thánh Tông tiến hành cải cách lại bộ máy quản lý hành chính, đổi chức xã quan thành xã trưởng, quy định việc bầu xã trưởng cũng như tư cách, đạo đức, năng lực của xã trưởng rất chặt chẽ. Về số lượng xã trưởng, luật quy định các xã cứ trên 500 hộ thì bầu 5 xã trưởng, từ 300 đến 500 hộ thì bầu 4 xã trưởng, từ 100 đến 300 hộ thì bầu 2 xã trưởng và không đến 60 hộ thì bầu 1 xã trưởng.[6] Như vậy rõ ràng Lê Thánh Tông đã khéo biết khai thác và lợi dụng tục bầu cử người đứng đầu trong các công xã nông thôn trước đây để tuyển chọn người đứng đầu làng xã, bảo đảm họ vừa là đại diện của dân làng, vừa phục vụ một cách có hiệu quả cho yêu cầu quản lý làng xã của Nhà nước trung ương. Xã dưới thời Lê Thánh Tông được tổ chức theo hộ (chứ không theo số đinh như dưới thời Lê Thái Tổ). Gia đình là tế bào của xã hội, là đơn vị sản xuất cơ bản nhất trong nền kinh tế tiểu nông. Tổ chức và quản lý làng xã theo đơn vị hộ gia đình, Lê Thánh Tông đã đưa làng quê trở về với truyền thống, đạo lý, lối sống lâu đời.

Vào giữa năm 1490 Lê Thánh Tông lại ban hành thể lệ tách xã cũ, lập xã mới: nếu tiểu xã dân số tăng lên trên 500 hộ thì gọi là đại xã, nếu đại xã mà dân số tăng lên trên 600 hộ thì tách số hộ này ra lập thành tiểu xã mới và chia tài sản công cộng (chủ yếu là ruộng đất công) dựa theo tỷ lệ số hộ.[7] Lúc này trong xã hội tồn tại phổ biến loại hình một xã có nhiều thôn phụ thuộc và bên cạnh chức danh xã trưởng cũng đã thấy xuất hiện chức danh thôn trưởng.

Đồng thời với việc cải tổ bộ máy quản lý hành chính là việc thi hành chính sách mới về ruộng đất, thâu tóm toàn bộ ruộng đất của các làng xã trong tay Nhà nước và tiến hành phân chia theo thể lệ, thời gian cũng như quy định mức tô thuế chung cho cả nước, biến làng xã thành người quản lý ruộng đất công cho nhà vua và nông dân cày ruộng đất công làng xã thành tá điền của Nhà nước. Những làng xã tương đối tự trị trước đây bây giờ trở thành một đơn vị kinh tế phụ thuộc Nhà nước, vừa cung cấp lương thực, thực phẩm, lao dịch, binh dịch cho Nhà nước, vừa cung cấp đất đai để Nhà nước ban cho những viên chức của mình.

Mặc dù là người kiên quyết chủ trương xây dựng chính thể quân chủ tập trung, đề cao luật pháp thống nhất, nhưng chính Lê Thánh Tông lại là người ra điều luật cho phép các làng xã được lập hương ước riêng.[8]

Nếu như nhà nước phong kiến chỉ quan tâm đến quyền thống trị của riêng mình mà không chấp nhận nhu cầu tự trị của làng xã tức là đã đẩy làng xã về phía đối lập và trong thực tế là không nắm được quyền quản lý làng xã đó. Trái lại nếu nhà nước phong kiến buông xuôi phó mặc cho làng xã tuỳ tiện vận hành theo tục thì cũng có nghĩa là nhà nước đã tự mình bỏ mất quyền quản lý làng xã. Trên cơ sở những cố gắng của các triều đại Lý, Trần, Lê trong quá trình từng bước vươn xuống nắm lấy và sử dụng làng Việt cổ truyền như là một công cụ quản lý của mình, Lê Thánh Tông trở thành ông vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã đưa ra được phương án tối ưu để xử lý hài hoà mối quan hệ giữa quyền quản lý của Nhà nước và truyền thống tự trị của xóm làng. Có lẽ cũng vì thế mà tất cả các vương triều phong kiến sau ông kể từ các vua Lê đầu thế kỷ XVI đến nhà Mạc, triều Lê Trung hưng, các chúa Trịnh chúa Nguyễn….trên đại thể đều lấy mô hình tổ chức quản lý làng xã thời Lê Thánh Tông làm khuôn mẫu.

1.6. Từ thế kỷ XVI, nhất là vào các thế kỷ XVII, XVIII tình hình nông thôn đã thay đổi nhiều nên mô hình tổ chức quản lý làng xã nông nghiệp tự cấp tự túc, công điền, độc canh lúa nước dường như không còn hiệu lực nữa. Vì thế vào năm 1658 vua Lê Thần Tông đã tiến hành cải cách bộ máy quản lý làng xã nhằm cứu vãn lại tình thế. Nhưng cải cách của Lê Thần Tông không được các làng xã ủng hộ nên chỉ ít năm sau, dưới thời Cảnh Trị (1663-1672) vua Lê Huyền Tông phải định lại việc bầu xã trưởng nhằm kiểm tra chặt chẽ hơn người lãnh đạo làng xã.

Bước sang thế kỷ XVIII họ lại cố gắng hơn nữa để can thiệp một cách trực tiếp vào công việc của làng xã (như vào năm 1726 vua Lê Dụ Tông định lại phép khảo công xã trưởng…), nhưng xem ra những cố gắng đến mức cao nhất này đã thực sự không còn hiệu quả. Có lẽ đấy chính là lý do giải thích vì sao vào năm Long Đức (1732) và Vĩnh Hựu (1735) nhà Trịnh đã buộc phải đi đến quyết định bãi bỏ phép khảo khoá xã trưởng, phó mặc cho làng xã tự chọn lấy xã trưởng của mình. Đây rõ ràng là sự bất lực hoàn toàn của Nhà nước phong kiến trong nhiệm vụ quản lý người đứng đầu làng xã. Sự bất lực của Nhà nước phong kiến trong việc quản lý các xã trưởng, phó mặc cho làng xã tự quyết định lấy người lãnh đạo của mình xét về hình thức là sự mở rộng quyền tự trị của làng xã, nhưng trong thực tế đây là sự bỏ mặc cho bọn cường hào hoành hành, gây ra muôn vàn tệ nạn ở thôn quê. Tình hình nông thôn càng ngày càng nặng nề căng thẳng. Người nông dân Việt Nam vốn hết sức gắn bó với làng quê mình thì bây giờ đây bị bần cùng hoá, phá sản, phải rời bỏ đồng ruộng, rời bỏ xóm làng đi lang thang kiếm ăn một cách tuỵêt vọng. Nông thôn Việt Nam thế kỷ XVIII đã thực sự tuột ra khỏi tay của các chính quyền phong kiến Lê Trịnh Nguyễn và nhanh chóng trở thành căn cứ xuất phát cho các cuộc khởi nghĩa nông dân rộng lớn và rồi cuối cùng tất cả các chính quyền đó đều bị lật nhào bởi phong trào nông dân Tây Sơn.
 
Vốn từ một thủ lĩnh phong trào nông dân trở thành Hoàng đế Quang Trung, ngay từ đầu vua Quang Trung đã kiên quyết và khẩn trương đưa dân phiêu tán trở về quê quán sản xuất và thanh toán tình trạng ruộng đất bỏ hoang. Tiếc rằng chủ trương này vừa mới được triển khai thì Quang Trung đã qua đời và người kế nghiệp ông không có đủ bản lĩnh và tài năng để tổ chức thực hiện chủ trương đó, nên tình hình không những không được cải thiện mà thậm chí lại ngày một xấu đi.

  1.7. Gia Long khôi phục lại nhà Nguyễn trong bối cảnh như thế, đã đặc biệt đề cao vai trò của làng xã trong quốc sách trị nước của mình. Ông nung nấu một ý chí cải tổ làng xã nhưng vì đây là vấn đề không đơn giản và chưa tìm ra được giải pháp thoả đáng nên xem ra chính sách của vua Gia Long đối với làng xã chưa có gì mới so với trước. Điều đáng nói là dưới thời vua Gia Long công việc điều tra ruộng đất, chí ít là trên phạm vi toàn miền Bắc và lập sổ địa bạ để quản lý ruộng đất một cách thống nhất và chặt chẽ đã được tiến hành một cách quy mô và vượt xa bất cứ các triều đại nào trước đó.

Minh Mệnh lên ngôi trong tình hình xã hội rất phức tạp: ở nông thôn nông dân đói khổ phải bỏ đi phiêu tán rất nhiều, làng xã chứa chất đầy rẫy những vấn đề phức tạp, mà phức tạp hơn cả vẫn là làm sao có thể quản lý được bộ máy quản lý làng xã. Chính vì thế mà Minh Mệnh đã đi đến quyết định cải tổ lại bộ máy quản lý xã thôn: Bỏ chức xã trưởng và thay vào đó chức lý trưởng, quy định một xã chỉ có 1 lý trưởng và tuỳ theo quy mô làng xã nếu đinh số từ 50 đến 149 thì đặt thêm 1 phó lý, đinh số trên 150 thì đặt thêm 2 phó lý. Lý trưởng và phó lý phải được chọn trong số những người “vật lực cần cán”, phải do dân làng bầu cử ra, được phủ huyện xét kỹ lại và bẩm lên trấn để cấp văn bằng, mộc triện. Trách nhiệm của lý trưởng rất nặng nề nhưng lý trưởng đến lúc này lại không được nằm trong hàng quan chức nữa. Đây xét về hình thức là biện pháp hạn chế quyền hành của Lý trưởng, nhưng trong thực tế lại chính là cơ hội tốt để cho bọn cường hào đứng sau lý trưởng mà thao túng làng xã. Thành thử cải cách của Minh Mệnh đã không diệt trừ được cường hào mà lại làm cho cường hào có điều kiện phát triển mạnh thêm.

Suốt thời kỳ tồn tại của nhà Nguyễn, Nhà nước đã thực sự bất lực hay chí ít là không thể giải toả nổi sự lộng hành, lũng đoạn của bọn cường hào, làm cho nhà Nguyễn trong thực tế không quản lý được làng xã một cách chặt chẽ.
 
1.8. Sau khi chiếm được nước ta thực dân Pháp đã chọn phương án không những không thủ tiêu tổ chức xã thôn cổ truyền mà còn tìm mọi cách duy trì nó, nuôi dưỡng nó thông qua bọn địa chủ phong kiến và hội đồng kỳ mục, biến nó thành công cụ hữu hiệu cho chính sách thống trị và khai thác thuộc địa. Nhưng sự thực lại diễn ra hoàn toàn trái ngược với những tính toán của bọn thực dân. Thôn làng cổ truyền chính là nơi nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia dân tộc, nhiều làng xã đã trở thành những pháo đài, những căn cứ chống Pháp mà chúng không thể đàn áp nổi. Để bảo đảm cho nền thống trị của mình, thực dân Pháp buộc phải tiến hành cải tổ lại tổ chức xã thôn cổ truyền, hướng hoạt động của bộ máy này vào việc phục vụ ngày một đắc lực cho chính sách đô hộ của thực dân Pháp. Một trong những thành công của người Pháp trong cuộc cải lương hương chính là đã lợi dụng được truyền thống quản lý làng xã của người Việt thông qua hương ước, khôn khéo đưa luật pháp của nhà nước bảo hộ vào lệ làng, lệ làng hoá phép nước, khuôn tất cả các hương ước vào một khuôn mẫu chung có lợi cho thực dân Pháp và buộc các làng phải nghiêm luật thực hiện.
 
1.9. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và sự thành lập chính quyền dân chủ nhân dân về nguyên tắc là sự phủ định hoàn toàn bộ máy chính quyền cũ của đế quốc phong kiến từ trung ương cho đến cơ sở.

Trong những ngày đầu của chính quyền dân chủ nhân dân, các Uỷ ban nhân dân lâm thời ở cơ sở được thành lập dựa theo các đơn vị xã thôn của thời kỳ trước cách mạng. Sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã vào tháng 4-1946, nhiều thôn làng cũ bắt đầu được sát nhập lại thành những xã tương đối lớn. Cơ sở để sát nhập các thôn làng này lại với nhau thường là những thôn làng có quan hệ về nguồn gốc lịch sử, văn hoá, có sự gần gũi về địa vực cư trú, sự gắn bó tự nhiên về kinh tế, xã hội…
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, do nhu cầu của việc thành lập các làng chiến đấu mà xu hướng sát nhập nhiều xã cũ thành một xã lớn được đẩy mạnh hơn. Cấp xã được xây dựng thành cấp cơ sở của hệ thống chính quyền, nhưng bên cạnh đó cấp thôn cũng vẫn tồn tại cho đến những năm cuối của cuộc kháng chiến. Trái lại ở vùng thực dân Pháp tạm thời chiếm đóng, chúng chủ trương lập bộ máy tề để quản lý làng xã, lập ra các làng tề trên cơ sở vẫn dựa theo quy mô các làng xã truyền thống.
 
1.10. Trong công cuộc cải cách ruộng đất và thời kỳ xây dựng tổ đổi công, Đảng ta cũng dựa vào thôn làng mà phát động phong trào. Đến thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp tuy thôn làng không còn là đối tượng quản lý nữa, nhưng nó đã hoá thân vào hợp tác xã (vì hợp tác xã lúc này chủ yếu được xây dựng theo quy mô thôn) và thôn cũng vẫn còn giữ được các nét truyền thống riêng của mình. Chỉ từ khi hợp tác xã chuyển lên bậc cao với quy mô toàn xã thì thôn làng truyền thống mới hầu như bị giải thể. Việc chia tách hay quy gọn các xã chỉ thuần tuý theo quy mô diện tích và dân số mà hầu như không tính đến cơ sở truyền thống của làng xã.
Khi mô hình tập thể hoá nông nghiệp được đẩy tới đỉnh cao thì khắp nông thôn miền Bắc cả cuộc sống vật chất và tinh thần của người nông dân cũng đang dấn sâu vào cảnh nghèo nàn đơn điệu. Để tồn tại và phát triển, chúng ta không còn con đường nào khác là phải đổi mới mô hình tổ chức và quản lý nông thôn, nông nghiệp. Đây là sự mở đầu hết sức có ý nghĩa không chỉ công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn mà cũng chính là bước chuẩn bị hết sức cơ bản cho sự nghiệp đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước ta ở thập kỷ cuối thế kỷ XX và thập kỷ đầu thế kỷ XXI.

II. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Giải quyết mối quan hệ Nhà nước – làng xã (hay vấn đề quản lý làng xã) của các nhà nước Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử, thật ra không có mấy kinh nghiệm thành công.

  Chúng ta đã có những bài học đắt giá cho thái độ chủ quan nóng vội muốn xoá sạch làng xã cũ bằng các biện pháp hành chính cực đoan của thời kỳ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bậc cao quy mô liên thôn và toàn xã. Việc xử lý không đúng mối quan hệ Nhà nước- làng xã này đã dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề là nhiều mặt bảo thủ, lạc hậu của làng xã cổ truyền không những không mất đi, mà trong thực tế còn gia tăng trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngày một sa sút, nông dân đói khổ, xã hội nặng nề, căng thẳng. Trong lịch sử cũng đã có khá nhiều Nhà nước giải quyết vấn đề quản lý làng xã theo hướng cực đoan này, nhưng cũng có không ít Nhà nước lại giải quyết theo hướng hoàn toàn  ngược lại. Đó là sự phó mặc cho làng xã toàn quyền chọn lấy người đại diện của mình, đẩy hẳn thôn làng về phía xã hội. Về hình thức, phương thức này có vẻ đề cao quyền tự trị, tự quản của làng xã, nhưng thực chất chỉ là sự rút lui của Nhà nước trước sự hoành hành của cường hào, sự bất lực không quản lý nổi làng xã, khiến nông thôn, làng xã rơi vào tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn triền miên.   
 
Làng xã Việt Nam vốn có những đóng góp hết sức to lớn vào trong tiến trình lịch sử đất nước, nhưng nó không thể không là đối tượng cần phải xử lý của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới hiện nay.

C.Mác trong tác phẩm nổi tiếng Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ đã chỉ rõ những hạn chế căn bản của công xã nông thôn Ấn Độ nói riêng và công xã phương Đông nói chung: “Chúng ta cũng không được quên rằng những công xã nông thôn thơ mộng ấy, dẫu cho chúng có vẻ vô hại như thế nào chăng nữa, bao giờ cũng vẫn là cơ sở bền vững của chế độ chuyên chế phương Đông, rằng những công xã ấy đã hạn chế lý trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp nhất, làm cho nó trở thành công cụ ngoan ngoãn của mê tín, trói buộc nó bằng những xiềng xích nô lệ của các quy tắc cổ truyền, làm cho nó mất hết mọi sự vĩ đại, mọi tính chủ động lịch sử”.[9] Trên cơ sở đó, ông đã nêu một thái độ hết sức mẫu mực của nhà cách mạng khi cho rằng: “Sự can thiệp của Anh… đã phá hoại những công xã nhỏ bé nửa dã man, nửa văn minh ấy bằng cách thủ tiêu cơ sở kinh tế của chúng và do đó đã thực hiện một cuộc cách mạng xã hội hết sức vĩ đại và, phải nói thật, đó là một cuộc cách mạng xã hội duy nhất mà châu Á đã trải qua từ trước đến nay”.[10]

Thủ tiêu cơ chế làng xã cũ và các mặt hạn chế của nó đi đôi với việc giải quyết một cách hợp lý, hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước và làng xã trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, theo chúng tôi, chính là chìa khoá của sự phát triển bền vững. Thế nhưng thủ tiêu chúng như thế nào, giải quyết chúng ra sao, bằng các biện pháp gì lại là một hệ các vấn đề vô cùng phức tạp khó có thể nhận diện được một cách đầy đủ ngay được.

Trong khi xử lý mối quan hệ Nhà nước – làng xã, thiết nghĩ cũng cần phải có cái nhìn tổng thể và khách quan hơn, không thể nói một cách giản đơn rằng nước là tổng các làng. Ở đây có sự mâu thuẫn và phi lô gích của những người chủ trương làng là một thực thể cô lập, bất biến nhưng chính họ lại đặc biệt đề cao mối quan hệ làng- nước trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Nếu làng là đóng, là độc lập và nhất là hoàn toàn biệt lập với xung quanh thì lấy đâu ra mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ giữa làng với nước, giữa nước với làng. Sức mạnh của nước vì thế làm sao lại có thể cộng sức mạnh của các làng mà thành được. Nhà nghiên cứu không thể không chú ý đầy đủ đến các mối liên hệ giữa làng với bên ngoài bao gồm những liên hệ giữa làng này với làng khác và những liên hệ giữa làng với các hệ thống lớn hơn chứa đựng nó. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề phương pháp luận đặc biệt quan trọng để nghiên cứu về mối quan hệ giữa làng với nước. Không thể nói một cách giản đơn rằng ý thức cộng đồng làng xã phát triển thành ý thức quốc gia và ý thức dân tộc. GS Hà Văn Tấn trong bài viết rất nổi tiếng của mình Làng, liên làng và siêu làng (Mấy suy nghĩ về phương pháp) đã chứng minh chính từ mối liên hệ siêu làng mà hình thành ý thức cộng đồng siêu làng, rồi từ ý thức cộng đồng siêu làng tiền dân tộc hình thành ý thức cộng đồng siêu làng dân tộc, chứ không phải ý thức cộng đồng làng phát triển thành ý thức cộng đồng dân tộc[11].

Điều có thể khẳng định là làng Việt Nam không phải là cấu trúc đóng kín, không có mối liên hệ với bên ngoài, mà trong thực tế nó tồn tại và phát triển trong các mối quan hệ liên làng và siêu làng, hay nói khác đi các mối liên hệ liên làng và siêu làng luôn luôn tác động làm cho làng Việt luôn luôn có những thay đổi và biến chuyển. Không có làng Việt bất biến mà chỉ có làng Việt biến đổi nhiều hay ít cho phù hợp với những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà thôi. Vì thế không được coi làng Việt như một cơ thể chết, cô lập và bất biến mà phải nghiên cứu làng Việt như một cấu trúc động luôn luôn chịu sự tác động của các mối quan hệ bên trong, bên ngoài, (trong đó đặc biệt là mối quan hệ làng- nước) và luôn luôn biến đổi trong tiến trình lịch sử.
 
  Ghi chú
 
 
* Trong quá trình nghiên cứu và trình bày về mối quan hệ Nhà nước – làng xã, chúng tôi đã sử dụng một số thuật ngữ, khái niệm tuy hết sức thông dụng, nhưng vì người sử dụng thường giải thích theo ý hiểu riêng của mình nên nhiều khi chưa có sự thống nhất. Vì thế chúng tôi thấy cần thiết phải trình bày quan niệm của mình về những thuật ngữ và khái niệm này:

1. Làng: Làng là một khái niệm hết sức quen thuộc, mọi người đều dùng nhưng khi cần phải định nghĩa về “làng” thì lại có những quan niệm không giống nhau. Có người coi làng như một cộng đồng, có người coi làng như một đơn vị cư trú trên một địa vực nhất định. Nhiều chuyên gia phương Tây đã nêu lên 3 đặc trưng cơ bản của làng cổ truyền: Về mặt chính trị là sự tự quản; về mặt kinh tế là tự cấp tự túc và về mặt xã hội là thuần nhất, cộng đồng. Và như thế có thể đồng nhất khái niệm làng cổ truyền với khái niệm “công xã nông thôn”.
“Làng” là một từ thuần Việt, được sử dụng rất phổ biến trong dân gian, nhưng không thấy ghi chép trong thư tịch cổ hay trong địa bạ, hương ước cổ. Có thể nêu ra mấy tiêu chí để nhận diện một làng truyền thống:
– Mỗi làng có một địa vực nhất định coi như không gian sinh tồn gồm khu cư trú, ruộng đất, đồi gò, núi sông, ao đầm… do cộng đồng làng hay các thành viên của cộng đồng làng sử dụng.
– Cư dân trong làng là thành viên của một cộng đồng gắn bó với nhau bằng nhiều mối quan hệ như quan hệ láng giềng (làng, xóm, ngõ…), quan hệ huyết thống (gia đình, dòng họ), quan hệ nghề nghiệp, quan hệ tín ngưỡng, quan hệ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau (phường, hội, họ…)…
– Về mặt văn hoá mỗi làng thường có đình làng thờ thành hoàng làng, có chùa, đền, miếu, am, quán, có cơ sở sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và lễ hội chung (riêng các làng theo Thiên chúa giáo các sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng tập trung ở nhà thờ).
– Về mặt quản lý thời kỳ đầu có thể chỉ là hội đồng già làng, chủ yếu tổ chức, quản lý theo tục, sau đó đến Hội đồng kỳ mục rồi Hội đồng tộc biểu…, quản lý thông qua hương ước.

Làng Việt bắt đầu xuất hiện cùng với quá trình tan rã của công xã thị tộc hình thành công xã nông thôn, có lịch sử khoảng 4000 năm.

2. Xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở của Nhà nước, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ VII dưới thời thống trị của nhà Đường. Tuy nhiên phải đến khi họ Khúc giành được quyền tự chủ vào đầu thế kỷ thứ X, ý tưởng biến làng Việt cổ truyền thành đơn vị hành chính cấp cơ sở của Nhà nước trước đây mới được khẳng định và chính thống hoá. Mặc dầu vậy, vai trò của cấp xã thời kỳ này cũng chưa thật rõ. Thời kỳ đầu một xã chỉ có một làng, nhưng dần dần trong quá trình phát triển, một xã có khi bao gồm vài ba làng, thậm chí nhiều hơn nữa. Khi ấy sự khác nhau giữa xã và làng còn ở cả quy mô nữa.

3. Làng xã là một đơn vị tụ cư, đơn vị kinh tế, đơn vị tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đơn vị hành chính cấp cơ sở (ở đây chúng tôi muốn nói về trường hợp thời kỳ đầu một xã chỉ có một làng). Cụm từ “làng xã” hết sức thông dụng, thậm chí nhiều người tưởng rằng làng với xã chỉ là một và có cùng nguồn gốc rất lâu đời. Thật ra khái niệm “làng xã” chỉ xuất hiện sớm nhất là từ thế kỷ VII, nhưng chắc chắn phải đến thế kỷ X, sau khi cấp xã chính thức xuất hiện mới có điều kiện trở thành phổ biến trong xã hội.

4. Thôn cũng xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ X. Cấp thôn ra đời chính là do nhu cầu quản lý hành chính của bản thân cấp xã. Thôn là đầu mối giáp nối, gắn kết và điều hoà hai hệ thống quản lý hành chính và tự trị, luật pháp và tục lệ, chính trị và xã hội.

Cả hai khái niệm “xã” và “thôn” đều có gốc từ Trung Quốc. Trung Quốc thời cổ đại cũng đã từng lấy xã làm đơn vị hành chính cơ sở. Theo sách Từ hải thì thời cổ xưa ở Trung Quốc cứ 25 nhà sinh sống trên một vùng đất vuông 6 dặm gọi là “xã”. Tuy nhiên cách tổ chức này không được duy trì lâu dài. Sau này khi Trung Quốc mở rộng đất đai ra các vùng xung quanh, họ lấy “thôn” làm đơn vị hành chính cấp cơ sở ở khu vực nội địa, còn “xã” là đơn vị hành chính cấp cơ sở tương đương ở khu vực ngoại vi phụ thuộc. Như thế về hình thức mà xét thì đã có cấp xã tức là không có cấp thôn và ngược lại. Điều hết sức đặc biệt là ở Việt Nam xã với thôn xuất hiện đồng thời, song hành và hỗ trợ cho nhau trong quản lý nông thôn, tuy nhiên nội dung và mức độ có khác nhau. Xã là quản lý hành chính, bằng luật pháp của Nhà nước; còn thôn là nửa hành chính, nửa tự trị, nó có chức năng tham gia giải quyết các công việc hành chính dưới luật và nhất là phải xử lý các vụ việc xẩy ra mang tính nội bộ của cộng đồng làng. Thôn có vai trò tổ chức và quản lý, tham gia giải quyết các công việc hành chính sự vụ dưới luật trên quy mô làng. Trưởng thôn vừa chịu sự lãnh đạo của xã trưởng vừa phải thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng làng (ở đây là Hội đồng kỳ mục) giao phó.

5. Quản lý hành chính là quản lý bằng luật pháp của Nhà nước. Tuy nhiên trong điều kiện xã hội Việt Nam truyền thống khi luật pháp chưa hoàn chỉnh, không bao quát được hết đời sống xã hội nông thôn và bản thân người nông dân chưa thực sự hiểu biết và quan tâm đến pháp luật, thì quản lý hành chính cần tránh cực đoan, máy móc và rất cần các biện pháp linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả.

6. Tự trị làng xã: Trong thời kỳ công xã nông thôn phát triển (tức là thời kỳ làng cổ truyền điển hình), nhà nước mới ra đời, có mặt bóc lột nhưng cũng có mặt đại diện cho công xã, trong đó mặt đại diện là chủ yếu. Khi ấy cũng đã có sự quản lý ở mức độ nhất định của Nhà nước đối với làng, nhưng làng về cơ bản vẫn là đơn vị tự trị, tự quản. Đứng đầu làng là Bồ chính (tức già làng) và bên cạnh Bồ chính là Hội đồng công xã gồm những người do các thành viên công xã cử ra để tổ chức mọi hoạt động chung của làng và giải quyết công việc trên cơ sở những luật tục, tục lệ mang tính chất bình đẳng, dân chủ của cộng đồng công xã. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, yếu tố tự quản càng ngày càng bị thu hẹp và chính sự thu hẹp này đã làm biến chất làng cổ truyền.

7. Hương ước: Quá trình can thiệp của Nhà nước vào làng, dần dần biến làng thành một đơn vị hành chính cấp cơ sở của Nhà nước đương nhiên là quá trình hạn chế và thu hẹp dần quyền tự trị của làng xã. Tất nhiên làng xã dù là đơn vị hiền lành nhất thì cũng không bao giờ dễ dàng chấp nhận ngay sự can thiệp này và khi ngấm ngầm, lúc công khai tìm mọi cách chống lại sự can thiệp đó của Nhà nước. Cuộc đấu tranh giằng dai giữa làng xã và Nhà nước, giữa tục lệ và luật pháp, giữa truyền thống tự trị với cách thức tổ chức quản lý tập trung thống nhất, khiến cho Nhà nước không thể không có nhân nhượng nhất định đối với làng xã trên nguyên tắc bảo đảm quyền quản lý của mình. Hương ước ra đời vừa đáp ứng nhu cầu tự trị, tự quản của làng xã, vừa khẳng định quyền quản lý làng xã của bản thân Nhà nước thống trị. Một hương ước chính thức thành văn bao giờ cũng phải bảo đảm cả hai yếu tố luật nước và lệ làng. Chắc chắn sẽ không có hương ước nếu như hoàn toàn chỉ có luật nước, nhưng cũng không thể trở thành một hương ước chính thức nếu như hoàn toàn chỉ là những tập tục cổ truyền của làng xã từ ngàn xưa mà không hề biết đến đời sống chính trị và pháp luật hiện hành.
 

[1] Cao Hùng Trư­ng, An Nam chí nguyên, bản chữ Hán.
[2] Việt sử thông giám cư­ơng mục, bản dịch, tập I, Nxb Giáo dục, H., tr 218.
[3] Đại Việt sử ký toàn th­ư, bản dịch, tập III, Nxb Khoa học xã hội, H., 1993, tr 19.
[4] Tham khảo Phan Huy Lê: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam , Tập II, Nxb Giáo dục, H., 1960.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư­, bản dịch, tập II, Sđd, tr 297. 
[6] Thiên Nam dư hạ tập, bản dịch, in trong sách Một số văn bản pháp luật Việt Nam thế kỷ XV- thế kỷ XVIII, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1994, tr  234.
[7] Như trên, tr 241.
[8] Điều luật 260 trong sách Hồng Đức thiện chính thư (được ban hành vào năm 1464) khẳng định: nếu làng xã nào có những tục khác lạ thì được phép lập khoán ước nhưng phải nhờ viên chức nho giả là người đứng tuổi, có đức hạnh ngay thẳng giúp cho việc soạn thảo và phải trình lên quan chức các nha môn xem xét rõ các điều để phê chuẩn hay bác bỏ. Nếu ai vi phạm các quy định của nhà nước thì cho phép xã quan tố cáo lên nha môn để trị tội. Như thế, có thể coi đây là thời điểm xuất hiện của loại hình hương ước với tư cách là một bộ luật thành văn của làng xã, được Nhà nước chính thức cho phép soạn thảo và thừa nhận.
[9] C.Mác, Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ // Các Mác Phri-đrích Ăng-ghen, Tuyển tập, Tập II, Nxb Sự thật, H., 1981, tr 559.
[10] Như trên, tr. 558.
[11] Hà Văn Tấn: Làng, liên làng và siêu làng (Mấy suy nghĩ về ph­ơng pháp) // Một chặng đư­ờng nghiên cứu lịch sử (1995-2000), Nxb Chính trị quốc gia, H., 2000, tr 51-58.
< http://khoalichsu.edu.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 16