Giỗ tổ Hùng Vương - từ lịch sử tới hiện tại luôn hướng về cội nguồn dân tộc
[ 14/04/2016 07:00 AM | Lượt xem: 1122 ]

Giỗ tổ Hùng Vương - từ lịch sử tới hiện tại luôn hướng về cội nguồn dân tộc

Giỗ tổ Hùng Vương là một biểu hiện cụ thể của tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng - một nhân vật gắn liền với những truyền thuyết cùng với giai đoạn lịch sử sơ khai của dân tộc. Do đó thờ cúng vua Hùng chính là nhớ về nguồn cội, là ý thức đoàn kết dân tộc, hướng về một cái gốc duy nhất, tạo thành những giá trị nhân văn. Những giá trị đó được hình thành, vượt qua rào cản giai cấp, lan tỏa trên toàn lãnh thổ và duy trì từ Trung-Cận-Hiện, đưa tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng lên tầm Di sản, trở thành một “liều thuốc tinh thần” cho triệu triệu con người đất Việt.


Biển người hành hương về đất tổ nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch, năm 2014 (nguồn: internet).

Tục thờ cúng vua Hùng được cho rằng đến thời Lý – Trần mới hình thành, do đất nước phải đối mặt với nạn ngoại xâm vì vậy chính quyền quân chủ đã phải xây dựng một ý thức hệ, nhằm đoàn kết sức mạnh của cả dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược và kết quả của những cuộc kháng chiến ấy đã được lịch sử chứng minh.

Từ nhà Trần chính quyền đã cho các nhà nho ghi chép về thời Hùng Vương, đến đời vua Lê Thánh Tông đã cho lập Ngọc phả Hùng Vương. Bản Ngọc phả Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền do Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố biên soạn năm Nhâm Thìn (1472), đến năm Canh Tý (1600) được Lễ phiên Lê Đình Hoan phụng sao là minh chứng rõ ràng nhất về sự ra đời của ngọc phả này. Các vương triều kế tiếp như Lê – Trịnh, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đã nhiều lần phong sắc, ra chỉ dụ cho các làng xã ở Phú Thọ thờ cúng Thánh tổ Hùng Vương, cấp đất đai cho các làng xã cấy trồng, lấy hoa lợi thờ cúng Hùng Vương.

Nhằm thống nhất một ngày cụ thể để nhân dân cả nước có điều kiện hành hương về đất tổ, nhà Nguyễn dưới đời vua Khải Định (1917) đã giao cho Bộ Lễ chọn ngày mồng mười tháng ba âm lịch hàng năm là ngày giỗ của vua Hùng, thay cho việc người dân xã Hy Cương, Phủ Lâm Thao thường theo tục lệ là ngày mười một tháng ba. Từ đó đến khi chấm dứt chế độ quân chủ, nhà Nguyễn vẫn duy trì các nghi lễ thờ cùng vua Hùng ở các ngôi đền Hạ, Trung, Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ra đời chính quyền cũng đã tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn của các thế hệ trước. Trong lần giỗ đầu tiên của đất nước độc lập, tức vào ngày 11/4/1946 (dương lịch), Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu một đoàn đại biểu lên Phú Thọ, để dâng lên bàn thờ tổ tấm bản đồ non sông gấm vóc Việt Nam cùng một thanh gươm thể hiện ý chí gìn giữ độc lập chủ quyền của dân tộc

Đất nước sau khi giành được độc lập lại phải đối diện với nguy cơ xâm lược trở lại của đế quốc Pháp, dân tộc ta đã mất thêm 9 năm chiến đấu (1945 – 1954), sau đó lại mất thêm 30 năm kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), một giai đoạn lịch sử “chưa bao giờ bình yên”, nhưng vẫn luôn vững vàng hiên ngang, bồi đắp lên cho tinh thần đó chính là lòng đoàn kết dân tộc, cùng hướng về một cội nguồn con cháu Hùng Vương.

 Ngày nay, Đảng và nhà nước vẫn luôn có nhiều chính sách quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng thông qua nhiều hoạt động cụ thể, tiêu biểu nhất phải nói đến nỗ lực để ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng ở Phú Thọ được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ thời đại phong kiến, vua Lê Thái Tổ sau khi giành độc lập từ nhà Minh đã nói: “Vật gốc từ Trời, người gốc từ Tổ, ví như nước và cây phải có gốc nguồn… Vì rằng gốc có vượng thì lá mới tốt, nguồn có sâu thì dòng mới dài, nếu không có nhân ân của đời trước bồi đắp dày dặn, phúc trạch đời trước chung đúc lớn lao, thì làm sao lại có thể được như (ngày nay) vậy”. Bước sang thời cận đại, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Đại đoàn Quân Tiên phong trước cửa đền Hùng: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đến ngày nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, chung lòng, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Xứng đáng với công lao dựng nước của các Vua Hùng”. Như vậy có thể nói, trong bất cứ thời đại nào, cội nguồn của dân tộc cũng luôn được gìn giữ, tôn vinh. Tinh thần ấy đã đi cùng với dòng chảy của lịch sử và sẽ chảy mãi đến muôn đời.


< baotanglichsu.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 15