Lỗi khiến học sinh mất điểm bài thi Lịch sử THPT quốc gia
[ 11/04/2016 07:00 AM | Lượt xem: 1571 ]

  Lỗi khiến học sinh mất điểm bài thi Lịch sử THPT quốc gia


Thực tế, nhiều học sinh rất chăm học, có kiến thức, thuộc bài, nhưng khi làm bài thi Lịch sử vẫn không đạt được điểm cao. Nguyên nhân chính là do các em thiếu phương pháp.

Lỗi phô kiến thức

Phô kiến thức là lỗi đầu tiên PGS.TS Vũ Quang Hiển (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội) lưu ý thí sinh. Theo PGS, có thí sinh viết rất nhiều, cố gắng thể hiện mình thuộc nhiều kiến thức mà không lưu ý đến yêu cầu của đề bài.

Ví dụ, có câu hỏi yêu cầu nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc sau chiến tranh thế giới thứ nhất cho đến đầu năm 1930, nhưng không ít thí sinh trình bày cả vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất, kể lể quá trình Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước...

Điều này dù thể hiện các em thuộc bài một cách chính xác, nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu của đề thi chưa đọc kỹ câu hỏi, chưa xác định chính xác yêu cầu của câu hỏi là gì?

Theo PGS Vũ Quang Hiển, bài thi Lịch sử làm trong thời gian 180 phút, điều đó có nghĩa 1 điểm tương đương với 18 phút làm bài. Điều đó có nghĩa, thời gian dành cho việc suy nghĩ nhiều hơn dành cho việc viết. Dù chỉ viết một dòng nhưng đúng còn hơn là viết cả một đoạn dài mà lạc đề.

Do đó, hay suy nghĩ thật kỹ trước khi làm bài; tìm hiểu kỹ đề; xác định đúng yêu cầu của đề để hình dung xác định đúng câu trả lời.

Nhiều bạn ngồi nháp ra rồi chép lại là không cần thiết; định hướng trả lời là vạch ra ý chính. Hãy lưu ý, trả lời đúng, đáp ứng yêu cầu của câu hỏi, tránh trình bày cả nội dung câu hỏi không yêu cầu.

Quan trọng nhất khi làm bài thi là đúng đủ, rõ ràng chứ không phải bài viết dài là được nhiều điểm. Bài thi Lịch sử cũng không đòi hỏi câu từ chau chuốt hình ảnh giống như văn học.

"Trong đề thi Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2015 có câu: Từ những nhân tố chủ quan đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam (1945 - 1954), hãy lựa chọn một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc ngày nay. Theo anh/chị, thanh niên Việt Nam cần làm gì để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó?

Với đề này, thí sinh nên chọn 1 nhân tố và đó phải là nhân tố này mình am hiểu tường tận nhất. Vì thời gian dành cho suy nghĩ trong bài thi khá nhiều nên thí sinh có thể thay đổi phương hướng viết nếu thấy cần phải điều chỉnh" - PGS Vũ Quang Hiển nêu ví dụ.

Thống kê chi tiết, vụn vặt

Một thói quen khác cũng khá phổ biến của thí sinh khi làm bài thi Lịch sử là luôn cố gắng nhớ bằng ra những chi tiết như ngày tháng, những con số...

PGS Vũ Quang Hiển lưu ý: Khi làm bài có thể có những chi tiết nhỏ, các em không cần phải học thuộc hết hay nhớ một cách chi tiết. Nếu không may lãng quên, chúng ta có thể bỏ qua, miễn là nó đảm bảo được yêu cầu của đề thi. Đừng máy móc ngồi nhớ cho bằng ra những chi tiết đó, sẽ rất tốn thời gian.

Mất nhiều thời gian cho mở bài, kết luận

Không ít thí sinh khi làm bài thi Lịch sử mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ làm mở bài, kết bài, trong khi hướng giải quyết câu hỏi đó mới là nội dung quan trọng nhất. Thậm chí, có bạn mở - kết bài rất dài, dày công, tuy nhiên phần này không không được điểm, hoặc được rất ít điểm.

Trước thực tế này, PGS Vũ Quang Hiển khuyên thí sinh: Sau khi suy nghĩ kỹ về nội dung, phương hướng trả lời, thí sinh sinh sẽ tự biết mở bài thế nào cho nhanh gọn, chỉ cần một đến hai dòng là đủ. Thường dựa ngay vào câu hỏi mà mở bài là tốt nhất.

Bên cạnh đó, nếu trình bày nội dung đúng hướng sẽ tự dẫn đến kết luận hợp lý. Nên đừng nghĩ trước mở bài, kết luận thế nào để tập trung vào nội dung theo yêu cầu của đề bài.

Căng thẳng tâm lý

Mang tâm lý lo lắng và căng thẳng vào phòng thi cũng là một nguyên nhân khiến thí sinh làm bài thi không được như mong muốn. Thậm chí có thí sinh dù đã học bài rất kỹ nhưng khi vào phòng thi, kiến thức "bay" đâu hết vì quá lo lắng.

Lời khuyên của PGS Vũ Quang Hiển là: Thí sinh phải tự tin vào chính mình, tin vào quá trình học tập của mình. Trước khi thi nên có biện pháp thư giãn để tâm trạng thoải mái, thư thái. Các môn khoa học xã hội, trong đó Lịch sử luôn "trả công" cho thí sinh xứng đáng, nếu các em có quá trình học tập nghiêm túc, chu đáo.

Khi làm bài, thí sinh tập trung lấy điểm ở những phần mình chắc chắn, đừng quá cầu toàn, cho rằng mình phải làm tốt 100% bài thi. Nếu có thể mất đi một phần điểm nào đó cũng là điều rất bình thường.

"Từ kinh nghiệm kỳ thi năm 2015, PGS Vũ Quang Hiển cho rằng, 100% học sinh trung tâm GDTX đạt được đủ điểm Lịch sử để đỗ tốt nghiệp, do đó, không lý gì học sinh các trường THPT không làm được" - PGS Vũ Quang Hiển cho hay.

"Năm 2015, lần đầu tiên chúng ta tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia với mục đích vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

Hướng chung của Bộ GD&ĐT là đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng giảm hẳn việc học vẹt, học thuộc bài nhưng không cần hiểu, đúng như SGK.

Đề thi Lịch sử năm 2015 có độ phân hóa cao, thể hiện ở phổ điểm đẹp và giải phân cách rất rộng. Chắc chắn kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cũng vẫn sẽ theo xu hướng đó; cấu trúc đề có lẽ cũng không có gì thay đổi.

Tức là mức 6 điểm thường tập trung ở hai câu đầu, câu 1 ba điểm, câu 2 ba điểm, dành cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT. Hai câu hỏi này chỉ cần đạt được mục tiêu về mặt nhận thức, nhận biết. Học sinh làm được 50% nội dung trên là hoàn toàn đủ điều kiện để xét tốt nghiệp, điều đó không hề khó.

Phần dành cho tuyển sinh ĐH, CĐ là 2 câu sau với yêu cầu khả năng vận dụng và vận dụng cao. Để làm được 2 câu hỏi này, học sinh cần có khả năng so sánh, phân tích, tổng hợp, khả năng đánh giá phán xét".

PGS Vũ Quang Hiển
< Giáo dục & thời đại >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 15