VAI TRÒ TỔ CHỨC CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN
[ 08/04/2016 07:00 AM | Lượt xem: 12031 ]

  VAI TRÒ TỔ CHỨC CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN


Sau gần 10 năm bôn ba vất vả tìm con đường cứu nước và bước ngoặt to lớn khi gặp được chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa được Nguyễn Ái Quốc đọc trên báo L’Humanité (Nhân đạo) tháng 7 năm 1920, từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy ánh sáng giải phóng cho nhân dân Việt Nam, tìm thấy cái cẩm nang thần kỳ cho những thắng lợi phía trước trên con đường tranh đấu đánh đuổi chủ nghĩa thực dân giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Cũng từ đây, quá trình chuẩn bị xây dựng các tổ chức tiền thân cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc bắt đầu.

1. Cách mạng muốn thắng lợi thì phải có tổ chức lãnh đạo
Nguyễn Ái Quốc tìm thấy lý luận cách mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng Người hiểu, cách mạng muốn thắng lợi bắt buộc phải có tổ chức lãnh đạo. Bởi, như Các Mác đã từng nói “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng” , Nguyễn Ái Quốc cũng rất đồng tình với quan điểm của V.I Lênin khi khẳng định vai trò và sức mạnh của tổ chức trong cuộc cách mạng giải phóng nhân dân Liên Xô, V.I Lênin cho rằng: “sức mạnh của giai cấp công nhân là ở tổ chức. Không tổ chức quần chúng thì giai cấp vô sản không là cái gì hết. Được tổ chức, giai cấp vô sản sẽ là tất cả” , vì vậy, V.I Lênin đã yêu cầu: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên” .

Từ năm 1920, khi bắt đầu được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I Lênin đến năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là một quá trình chuẩn bị lâu dài những tiền đề chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc, từ những tổ chức tiền thân sơ khai đến những tổ chức có hệ thống bí mật, hoạt động chặt chẽ mà đỉnh cao chính là Đảng Cộng sản Việt Nam là cả một bước chuyển mình to lớn của cách mạng, trải qua bước chuyển mình đó không thể không kể đến những bước kế tiếp, giữ vai trò như những mắt xích liên hoàn. Trong từng giai đoạn, từng tổ chức có vai trò, cách thức hoạt động khác nhau nhưng đều đóng góp vào sự trưởng thành về lý luận xây dựng tổ chức của Nguyễn Ái Quốc, vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính là một tổ chức như vậy.

Đồng tình sâu sắc quan điểm của vị lãnh tụ giai cấp vô sản quốc tế về vai trò và sứ mệnh của tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng, vì vậy, ngay từ khi còn hoạt động trên nước Pháp, quê hương của kẻ thù áp bức dân tộc mình, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần xây dựng và phát triển các tổ chức cách mạng, từ cải tổ vai trò, cách thức hoạt động của tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, tham gia sáng lập và là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp cho đến thành lập và điều hành tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa, chính qua những tổ chức đầu tiên này, Nguyễn Ái Quốc đã học được cách tổ chức những phong trào, thấu hiểu yêu cầu và nguyện vọng của các dân tộc bị áp bức và sức mạnh to lớn khi họ được đoàn kết lại. Trong dự thảo Lời kêu gọi những người dân thuộc địa sống trên đất Pháp gia nhập Hội Liên hiệp thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc tham gia viết có kêu gọi: “Đồng bào thân mến, Nếu câu phương ngôn "Đoàn kết làm ra sức mạnh" không phải là một câu nói suông, Nếu đồng bào muốn giúp đỡ lẫn nhau, Nếu đồng bào muốn bênh vực cho quyền lợi của bản thân mình, cũng như quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa, Hãy gia nhập Hội Liên hiệp thuộc địa” .

Thời điểm những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc chưa thể thành lập được Đảng Cộng sản ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân trong đó việc dân chúng ở Việt Nam chưa biết và chưa hiểu về chủ nghĩa cộng sản là một trong những yếu tố quyết định, Nguyễn Ái Quốc nắm rất rõ tình hình Đông Dương và Việt Nam vì vậy, Người cho rằng: “Trừ một số rất ít người Việt Nam sang du học bên châu Âu, không một ai biết chủ nghĩa cộng sản là gì và không thể thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương khi không một ai hiểu được ý nghĩa của từ “cộng sản”; chỉ có thể thành lập được một đảng xã hội dân tộc mà các lãnh tụ của nó có nhiệm vụ dần dần đưa các hội viên của mình tới chủ nghĩa Mác” , để giúp quần chúng nhân dân biết, có cảm tình rồi đi theo chủ nghĩa cộng sản thì trước nhất cần thành lập một tổ chức cách mạng có khuynh hướng mácxít rồi từ đó tìm cách truyền bá những quan điểm, học thuyết Mác - Lênin vào Việt Nam, giúp quần chúng nhân dân đặc biệt là giai cấp công nhân Việt Nam hiểu được sứ mệnh và trách nhiệm lịch sử trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Năm 1924, khi trở về Quảng Châu - Trung Quốc và được tiếp xúc với một bộ phận đông đảo những người Việt Nam yêu nước nghe theo tiếng gọi cách mạng của tiếng bom Sa Diện sang đây, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng tìm thấy nguồn gốc và nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự thất bại của họ trong các phong trào yêu nước trước đó. Trong bức thư Gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản ngày 18 tháng 12 năm 1924, Người viết: “Tôi đến Quảng Châu vào giữa tháng 12. Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia An Nam, trong số này có một người (tức Nguyễn Hải Thần  - TG) đã xa rời xứ sở từ ba mươi nǎm nay. Trong thời gian đó ông ta đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp. Tất cả những cuộc nổi dậy ấy đều đã đưa tới cái chết của mấy tên sĩ quan và binh lính Pháp, sự chiếm đoạt mấy khẩu súng và...  là việc người của chúng ta chạy thoát, do không được giúp đỡ và viện trợ” . Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra sự thất bại của những cuộc nổi dậy đó là do thiếu phương pháp tổ chức, cả người đứng đầu cũng không hiểu và không biết cách tổ chức phong trào, theo Nguyễn Ái Quốc: “Mục đích duy nhất của ông này (tức Nguyễn Hải Thần) là trả thù cho nước, cho nhà đã bị bọn Pháp tàn sát. Ông không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng” .

Nguyễn Ái Quốc cũng cho rằng ngay chính những người làm chính trị, hoạt động cách mạng nhưng lại không hiểu về chính trị và càng không hiểu về tổ chức, những hành động yêu nước của họ đơn thuần là sự bộc phát, ám sát cá nhân, đấu tranh tự phát giải quyết nguyện vọng tức thời khi bị thực dân áp bức đè nén đến mức cùng cực. Phương pháp đó, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn nhận là cách “làm liều, và kết quả ít, vì giết thằng này còn thằng khác, giết sao cho hết? Cách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình, chứ không phải chỉ nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua, 9, 10 anh quan mà được” .

Nhận thấy những người yêu nước ở Quảng Châu cần được tổ chức lại ngay, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng tập hợp họ lại và tìm nhiều cách giảng giải cho họ “hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không cơ sở” . Sự giải thích của Nguyễn Ái Quốc đã có tác dụng to lớn trong việc giác ngộ những thanh niên yêu nước tại đây, qua đó, Người đã lựa chọn những người ưu tú nhất, có tinh thần kiên quyết, cách mạng nhất để tiến hành huấn luyện cho họ về phương pháp và cách thức tổ chức, cách đấu tranh cách mạng.

Từ những thành viên xuất sắc, hạt nhân của tổ chức Tâm Tâm Xã  ở Quảng Châu khi đó, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập một Nhóm bí mật có hạt nhân là Cộng sản Đoàn với những cá nhân tiêu biểu như: Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lưu Quốc Long, Trương Văn Lĩnh, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ. Ngày 19 tháng 2 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã gửi báo cáo cho Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản, trong đó Người viết: “Chúng tôi đã lập một nhóm bí mật gồm 9 hội viên, trong đó có: 2 người đã được phái về nước. 3 người ở tiền tuyến (trong quân đội của Tôn Dật Tiên). 1 người đang đi công cán quân sự (cho Quốc dân Đảng). Trong số hội viên đó, có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản. Chúng tôi còn có 2 đoàn viên dự bị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin” .

Trên cơ sở lấy Nhóm bí mật làm nòng cốt, tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thông qua Chính cương, Điều lệ và Chương trình hành động của Hội. Tôn chỉ và mục đích của Việt Nam Cách mạng Thanh niên là “làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại độc lập cho xứ sở), sau đó làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)” .

2. Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức Hội tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập, Nguyễn Ái Quốc tiến hành mở các lớp học cho những thành viên trong Hội nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ truyền bá về chủ nghĩa cộng sản cho cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1925, Lớp huấn luyện chính trị chính thức khai mạc tại nhà số 13 và 13.1 Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Tại các lớp học đó, Nguyễn Ái Quốc có khi là người trực tiếp giảng dạy, có khi mời các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc đến truyền thụ. Tại các lớp học, Nguyễn Ái Quốc luôn nhắc nhở các học viên phải đặc biệt lưu tâm đến công tác tổ chức, bởi “cách mạng thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công”, Người còn chỉ ra “Dân thường chia rẽ phái này bọn kia, như dân ta người Nam thì nghi người Trung, người Trung thì khinh người Bắc, nên nỗi yếu sức đi, như đũa mỗi chiếc mỗi nơi. Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh” .

Trước những lý luận đúng đắn và cách giảng giải dễ hiểu cùng những kiến thức thực tiễn về phong trào cách mạng thế giới của Nguyễn Ái Quốc, các học viên tại lớp học do Người tổ chức đã vỡ ra được nhiều điều khó hiểu, thắc mắc bấy lâu, thấy rõ được tầm quan trọng, vai trò và sức mạnh của tổ chức, tính tất yếu để cách mạng thành công phải có tổ chức, vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhưng quần chúng nhân dân đó phải được tổ chức, phải được đoàn kết dưới một ngọn cờ thống nhất. Họ đã nhận thấy trách nhiệm của mình khi hiểu rằng “muốn làm lực lượng dân chúng được thống nhất thì trước phải có bọn giác ngộ trong dân chúng tổ chức lại, thế nên trước phải tổ chức ra bổn hội (tức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội - TG) là thế. Bây giờ các đồng chí làm thế nào thân dân chúng, làm thế nào cho dân chúng đi lên đường cách mệnh. Đây là công việc các đồng chí phải làm” .

Ngày 3 tháng 6 năm 1926, hơn nửa năm sau khi mở lớp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản, báo cáo viết: “Tổ chức một trường tuyên truyền. Các học viên được bí mật đưa đến Quảng Châu. Sau một tháng rưỡi học tập họ trở về nước. Khóa thứ nhất được 10 học viên. Khóa thứ hai sẽ mở vào tháng 7 tới, sẽ có khoảng 30 người”. Đồng thời với việc tổ chức lớp học, Nguyễn Ái Quốc còn tiến cử nhiều học viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên sang Liên Xô học trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông hay Trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu. Với ý chí và sự nỗ lực hết mình vượt qua các khó khăn về tài chính, về cơ sở vật chất, vì sự phát triển của cách mạng Việt Nam, đến tháng 4 năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở được ba khóa huấn luyện cho khoảng 75 người . Chính lực lượng được đào tạo này đã giữ vai trò quyết định trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào quần chúng nhân dân lao động ở trong nước, chuyển hóa con đường cách mạng Việt Nam những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX sang quỹ đạo cách mạng vô sản.

Để có tiếng nói rộng rãi trong quần chúng nhân dân, Nguyễn Ái Quốc còn tổ chức cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội. Báo Thanh Niên ra số đầu tiên vào ngày 21 tháng 6 năm 1925, với tôn chỉ đoàn kết hết thảy những người yêu nước Việt Nam đứng lên làm nhiệm vụ cứu nước, giác ngộ tinh thần cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, báo Thanh niên viết: “Để dẫn dắt nhân dân làm một sự nghiệp vĩ đại cần phải có một sức lãnh đạo, sức lãnh đạo đó không phải có một vài người thôi, mà phát sinh từ sự hiệp lực của hàng ngàn vạn người. Muốn cho hàng ngàn hàng vạn người ấy đoàn kết chặt chẽ với nhau thì họ phải cùng một ý chí như nhau, họ phải nuôi kỳ vọng giống nhau, có vậy mới có đoàn kết. Khi nào cùng ý chí, cùng kỳ vọng thì khi ấy mới có thể đoàn kết, bằng không dầu có hô hào đoàn kết mấy đi nữa cũng không thể nào đoàn kết được.

Sự nghiệp cách mạng lớn lắm. Những người cách mạng phải đoàn kết với nhau để thực hiện sự nghiệp đó. Người mình đã làm việc cách mạng nhiều năm rồi mà chưa thành công bởi vì thiếu đoàn kết với nhau” . Sự ra đời, tôn chỉ, mục đích đúng đắn và khả năng truyền tải của báo Thanh niên đến quần chúng nhân dân thực sự đã phát huy vai trò tiên phong, trở thành vũ khí lý luận tuyên truyền sắc bén cho sự nghiệp giác ngộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Sự trưởng thành của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đã chứng minh tài tổ chức nhuần nhuyễn, sâu sắc trong việc xây dựng lực lượng cho cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Ngoài việc được đào tạo, bồi dưỡng về cách thức, nguyên tắc hoạt động của tổ chức trên trường lớp, qua sách vở trong những năm tháng Người ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc còn là người đã trực tiếp tham gia, và trưởng thành trong quá trình hoạt động cách mạng và lãnh đạo những tổ chức yêu nước từ sơ khai, giản đơn đến chặt chẽ, bí mật. Để đến khi Người trở về Trung Quốc hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng, Người đã có cả lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng tổ chức cách mạng. Sự ra đời từ chỗ nhỏ bé, sơ khai của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đến khi phát triển lớn mạnh và trở thành nhân tố chủ chốt, xương sống quyết định cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc trong việc tư tưởng, lý luận và tổ chức giai đoạn 1920-1930. Để tổ chức luôn đi đúng định hướng đã đề ra, Nguyễn Ái Quốc xác định:

Điều đầu tiên, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phải có sự thống nhất trên một nền tảng tư tưởng lý luận nhất định, lý luận đó, theo Người chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, bởi mặc dù “… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” , vì vậy, Người đặc biệt yêu cầu “trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” . Để làm cách mạng lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa thực dân áp bức dân tộc thì phải học, phải hiểu, phải đứng vững trên nền tảng chủ nghĩa Lênin, phải hiểu thực tế sự phát triển của thời đại và đặc điểm lịch sử của dân tộc, hiểu được ai là bạn ta ai là thù ta, phải hiểu và đi theo con đường Cách mạng Vô sản Tháng Mười Nga, vì vậy, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” . Các thành viên còn phải nắm rõ đường lối cách mạng của Hội, đường lối đó chỉ ra cuộc cách mạng Việt Nam sẽ phải trải qua hai giai đoạn kế tiếp nhau, trước làm cách mạng dân tộc rồi sau làm cách mạng thế giới, về đối nội và đối ngoại cũng hết sức rõ ràng, với nhiệm vụ sau khi cách mạng thành công sẽ thành lập nhà nước nhân dân, áp dụng những chính sách kinh tế mới để xây dựng và phát triển đất nước đồng thời phải đoàn kết với giai cấp vô sản toàn thế giới để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản.

Thứ hai,Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phải là nơi tập hợp những người đồng tâm, có quyết tâm giải phóng dân tộc. Khi nền tảng tư tưởng lý luận đã được thống nhất, thì yếu tố con người trong tổ chức giữ vai trò quyết định, những người đó phải có tư cách, đạo đức của người làm cách mệnh. Trong việc xây dựng con người trong tổ chức Hội, giai đoạn đầu để đảm bảo an toàn và có tính bí mật cao thì ưu tiên tuyển mộ những người thân thích hoặc bạn bè quen biết, “quá trình hình thành hệ thống tổ chức của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội là một quá trình từ phân tán lẻ tẻ đến tập trung; từ những nhóm hoặc cá nhân riêng biệt không liên hệ với nhau đến chỗ thống nhất trong một hệ thống từ trên xuống dưới. Trong việc xây dựng và phát triển tổ chức của Hội, mối quan hệ bạn bè và thân tộc giữ một vai trò quan trọng, nhất là trong buổi đầu. Hầu hết những cơ sở đầu tiên đều được xây dựng qua mối quan hệ đó. Chính vì vậy mà trong thành phần ban đầu của Hội, tầng lớp học sinh tiểu tư  sản chiếm một tỷ lệ lớn” .

Thứ ba, vì là tổ chức cách mạng mang khuynh hướng cộng sản, hoạt động bí mật lại bị kẻ thù đặt ra ngoài vòng pháp luật nên Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng đến nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc sinh hoạt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, lấy tự phê bình và phê bình làm phương châm phát triển của mình. Trong quá trình xây dựng Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lênin cũng đã triệt để áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, V.I.Lênin cho rằng “Chúng ta chủ trương theo chế độ tập trung dân chủ. Nhưng cần phải hiểu rõ rằng chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ” . Đây chính là cách thức tổ chức của một đảng vô sản kiểu mới mà Nguyễn Ái Quốc đã học được khi Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp và khi ở Liên Xô, để từ đó, Người đã áp dụng vào xây dựng tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để công tác truyền bá về chủ nghĩa cộng sản đạt hiệu quả, tất cả các hội viên phải hoạt động trong quần chúng, nhưng cũng phải đảm bảo tuyệt đối giữ bí mật hoạt động của Hội. Với những kinh nghiệm trong việc học tập cách thức xây dựng các tổ chức cách mạng trước đó ở Pháp và Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức bộ máy của Hội gồm 5 cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ và Chi bộ. Hội quy định Chi bộ là đơn vị tổ chức cấp cơ sở, Tổng bộ là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội. Tổng bộ đầu tiên gồm các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Lâm Đức Thụ, Lê Hồng Sơn,... Trên cơ sở bộ máy gồm 5 cấp, Hội còn tổ chức thành lập nhiều tổ, phường, hội theo tính chất ngành nghề khác nhau để thu thập hội viên như: Tổ tương tế, hội công ích, hội may quần áo, hội hiếu, hội hỷ, hội tập võ, hội đi thuyền, hội nông dân tương tế,…

Sự sắp xếp khoa học của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã giúp phát huy sức mạnh của những chiến sĩ cách mạng, tạo ra khả năng liên kết không những chỉ ở trong nước mà còn ở cả các phân hội ở hải ngoại, tạo ra ảnh hưởng to lớn với quần chúng nhân dân. Đặc biệt, phong trào “vô sản hóa” do Hội xây dựng và tổ chức giai đoạn 1928-1929 đã tích cực đưa các hội viên vào các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy, nông thôn để rèn luyện học tập nâng cao lập trường giai cấp công nhân, đồng thời trực tiếp tuyên truyền giác ngộ và tổ chức quần chúng đấu tranh. Số hội viên của Hội giai đoạn đỉnh điểm đã lên tới hơn 1.700 người, nhờ vậy, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân ngày càng phát triển rầm rộ, sôi nổi. Nhiều tổ chức đương thời cũng ít nhiều đã chịu sự ảnh hưởng từ học thuyết của Hội. Từ những phong trào và ảnh hưởng do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tạo ra đã tạo nên sự chuyển biến về lượng dẫn tới sự biến đổi về chất cho cách mạng Việt Nam.  

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là sự hợp nhất của nhiều tổ chức cộng sản khác nhau khi đó, những tổ chức cộng sản này đa phần đều từ gốc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoặc ít nhiều ảnh hưởng tư tưởng của Hội, điều này thể hiện vai trò, uy tín của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và cách thức tổ chức chặt chẽ, khoa học mà Người đã xây dựng cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chính những quan điểm, cách thức tổ chức này đã được tiếp nối, phát huy mạnh mẽ trong Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. 90 năm đã qua kể từ khi được thành lập tháng 6 năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tập hợp, giác ngộ quần chúng nhân dân về con đường cách mạng Việt Nam, xây dựng và phát triển phong trào cách mạng, thổi luồng gió mới đến giải độc cho nhân dân Việt Nam những năm từ 1925 đến 1929. Khi nhắc đến vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định Hội chính là “vườn ươm giống cho Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Lao động Việt Nam hiện nay) nở hoa kết quả về sau” .

Hải Anh


< baotanghochiminh.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 9