BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN QUA NĂM THÁNG
[ 08/04/2016 07:00 AM | Lượt xem: 1860 ]


BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN QUA NĂM THÁNG

Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) đã trải qua gần nửa thế kỷ với sự tiếp nối phấn đấu không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, viên chức và người lao động của Bảo tàng. Ngày 25-11-2015, Bảo tàng Hồ Chí Minh tròn 45 năm tuổi với 20 năm vừa hoạt động, vừa chuẩn bị cho sự ra đời của công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh và 25 năm Bảo tàng chính thức mở cửa đón khách về tham quan và nghiên cứu. Hôm nay, giữa lòng Thủ đô Hà Nội, tại Cụm Di tích - Lịch sử - Văn hóa Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế hình ảnh một Bảo tàng lưu niệm về một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một người bạn lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi vào cõi vĩnh hằng (2-9-1969), Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 206-NQ/TW, ngày 25-11-1970, thành lập Ban Phụ trách xây dựng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bắt đầu từ đây ghi dấu sự phát triển của Bảo tàng qua từng bước đi đan xen khó khăn và thuận lợi. 
Có lẽ giai đoạn đầu tiên dài 20 năm (1970 - 1990) với bộn bề công việc là nhiều khó khăn nhất. Bởi, những năm đầu thành lập, đất nước còn chiến tranh, kinh tế còn nghèo, cơ quan vừa xây dựng đội ngũ cán bộ, vừa xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc xây dựng công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong những năm 70, việc đào tạo cán bộ có trình độ đại học về bảo tàng được cơ quan hết sức quan tâm, cán bộ mới được bổ sung dần, cơ cấu tổ chức của Viện về cơ bản đã được hình thành. Một kế hoạch toàn diện để bảo quản, gìn giữ an toàn tuyệt đối các tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển khai theo đúng các nguyên tắc chuyên môn. Đồng thời, cơ quan tập trung vào công tác sưu tầm và bảo quản những tài liệu hiện vật liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Người. Các đồng chí lãnh đạo Ban Phụ trách đã trao đổi đặt quan hệ với Bảo tàng lãnh tụ ở các nước anh em, mà trước hết là Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin (Liên Xô cũ) và Bảo tàng G.Dimitrop ở Bungari. Ngày 12-9-1977, khi những cơ sở ban đầu về con người cũng như vật chất đã hình thành, Tổng Bí thư Lê Duẩn, thay mặt Bộ Chính trị đã ký Nghị quyết số 04-NQ/TW về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Những năm 80, công việc chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng mang tên Bác càng được triển khai khẩn trương sôi động hơn. Bên cạnh việc tăng cường công việc sưu tầm cả ở trong và ngoài nước, tổ chức ghi âm ghi hồi ký và xét chọn tài liệu hiện vật theo các tiêu chí chuyên môn, công tác nghiên cứu về tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát triển lên một bước mới. Đó cũng là cơ sở để đào tạo một đội ngũ cán bộ làm công tác về bảo tàng ở Bảo tàng mang tên Bác ngày càng có trình độ cao hơn. Việc lựa chọn cán bộ trẻ có năng lực gửi đi học ở nước ngoài và đào tạo trên đại học đã được đặt ra.
Đặc biệt, thực hiện Nghị định 37CP ngày 15-10-1979 của Hội đồng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có việc “Quy hoạch hệ thống các chi nhánh của Viện bảo tàng và các nơi lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chỉ đạo và hướng dẫn về xây dựng, về nghiệp vụ cho các nơi đó”, năm 1982, một số nhà trưng bày và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các địa phương được xếp hạng, được tu bổ nâng cấp, được xây dựng mới đã chính thức quy tụ thành Hệ thống các chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước, trước khi tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành. Đây là bước phát triển rất quan trọng để tăng cường mở rộng công tác tuyên truyền và giáo dục về tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh. 
Những năm 1983 - 1984, công việc thêm thuận lợi và khẩn trương hơn khi Trung ương Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô đồng ý giúp Việt Nam xây dựng nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như nội dung trưng bày trong nhà bảo tàng. Ngày 31-8-1985, khi công tác chuẩn bị đã tương đối hoàn tất, Lễ khởi công công trình mang tên Bác đã được tổ chức long trọng.
Sau 5 năm thi công gấp rút với khối lượng công việc vừa lớn vừa phức tạp, nhất là vào cuối những năm 80 kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được khánh thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-5-1990. Công trình không chỉ là món quà quý của nhân dân Liên Xô với tình cảm trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một công trình có sự đóng góp to lớn của nhân dân Việt Nam từ mọi miền của đất nước. Ngày 19-5-1990 là mốc quan trọng đánh dấu Bảo tàng Hồ Chí Minh chuyển sang một giai đoạn mới: Chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan đến nghiên cứu và học tập. Nhiệm vụ đặt ra cho đội ngũ cán bộ Bảo tàng: Qua những tư liệu, hiện vật lịch sử được trưng bày, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào? để khi đến với Bảo tàng của Người, những ai đã có dịp sống và làm việc với Bác như được trở lại bên Người; những ai chưa từng một lần gặp nhưng thấy như được Bác chỉ dẫn, soi đường và với bạn bè quốc tế là sự quý trọng, ngưỡng mộ đối với danh nhân văn hóa thế giới.
Bằng lương tâm, trách nhiệm, bằng tình cảm, nỗ lực thực sự trong học tập và làm theo tấm gương của Bác, cán bộ, viên chức, người lao động bảo tàng đã giữ gìn và phát huy hiệu quả của công trình bằng các hoạt động sinh động, phong phú và đa dạng với những con số biết nói:
45 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón tiếp gần 30 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 5 triệu khách quốc tế từ nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới; nhiều đoàn nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của các quốc gia và các tổ chức quốc tế; Tổ chức 54 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công tác nghiệp vụ bảo tàng, di tích; Thực hiện 18 đề tài khoa học cấp Bộ và 29 đề tài khoa học cấp cơ sở.
Bảo tàng cũng chủ động nghiên cứu, biên soạn, xuất bản 60 cuốn sách với nguồn tài liệu tin cậy, biên soạn công phu, chất lượng. Nhiều cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, được bạn đọc hoan nghênh, đánh giá cao.
Gần 25 năm sưu tầm, gần 10.000 đơn vị tài liệu, hình ảnh, tư liệu và các tác phẩm nghệthuật thuộc nhiều thể loại khách nhau cùng hàng trăm băng ghi hình nội dung hồi ký của các nhân chứng đã được thu thập về Bảo tàng.
25 năm qua, kể từ khi chính thức mở cửa đón khách tham quan (5-1990) đến nay, thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước xác định từ ban đầu, để phát huy tác dụng di sản văn hóa Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh không ngừng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giáo dục, cũng như các công tác hậu cần phục vụ giúp cơ quan hoạt động an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Là Bảo tàng đầu hệ (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23-6-2005 về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể của hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020) đã cùng 14 đơn vị trong Hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước không ngừng được củng cố và phát triển, đã phát huy tốt các giá trị di sản Hồ Chí Minh tới nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giữ vững và làm tròn vai trò hướng dẫn về nghiệp vụ cho các đơn vị trong hệ thống. Hàng năm, Bảo tàng phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ trong nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, xác minh tư liệu và công tác thuyết minh... Các hoạt động đó đã tạo nên sự gắn kết, tạo điều kiện để các đơn vị cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cá nhân và các nhà khoa học ở một số nước như Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Lào, Nga... nghiên cứu, bảo tồn các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và sưu tầm các tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người; đồng thời xây dựng quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức ở nhiều nước như Trung Quốc, Lào, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Mêhicô, Cuba tổ chức các hội thảo khoa học, triển lãm, đặt tượng... về Hồ Chí Minh.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người là di sản văn hóa to lớn của thời đại, là hành trang và điểm tựa để dân tộc ta vững bước trên con đường phát triển. Là nơi nghiên cứu, lưu giữ và phát huy những giá trị vô giá đó, các thế hệ của Bảo tàng đã, đang và sẽ phấn đấu để Bảo tàng mãi là trường học lớn, là nhịp cầu văn hóa nối quá khứ với hiện tại, là điểm đến của đồng bào, đồng chí và bè bạn quốc tế. Cán bộ, viên chức và người lao động của Bảo tàng không chỉ nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà đã thực sự  góp phần để tư tưởng, đạo đức của Người lan tỏa đến mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên mọi miền đất nước.
45 năm xây dựng và trưởng thành, những thành quả Bảo tàng Hồ Chí Minh có được hôm nay chứa đựng bao tâm huyết, tình cảm và cả nỗi lo toan, trăn trở của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng. Những nỗ lực, những cố gắng đó đã được ghi nhận bởi những tấm huân chương Nhà nước, bằng khen của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Huân chương Lao động hạng Nhất (1994), Huân chương Độc lập hạng Ba (2000), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2005), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2014)…; sự trân trọng, tín nhiệm của các cơ quan hữu quan, các bảo tàng, di tích trong và ngoài hệ thống; cùng đó là những lời khen ngợi, tình cảm của nhân dân mọi miền đất nước, bạn bè quốc tế…   
Và để đạt được những thành quả to lớn ấy, bên cạnh sự phấn đấu của mình, Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao, Du lịch, các Bộ Ban ngành; được sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Cụm di tích Lịch sử Văn hóa Ba Đình, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Trung đoàn 375; sự chia sẻ hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Ba Đình, sự đoàn kết yêu thương của hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trong cả nước… và sự giúp đỡ của tất cả các đơn vị, tổ chức, các cá nhân trong ngoài nước có liên quan. Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn ghi nhớ và trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan, bạn bè quốc tế, đồng chí, đồng nghiệp đã đồng hành giúp đỡ Bảo tàng trong suốt chặng đường 45 năm qua.
Bảo tàng Hồ Chí Minh đã vượt qua một chặng đường 45 năm, tuy chưa phải là dài nhưng rất quan trọng và đầy ý nghĩa. Trên mỗi chặng đường phát triển, tuy còn bao khó khăn phức tạp trong thời điểm hội nhập, kinh tế thị trường… cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như mỗi người dân đất Việt luôn vũng tin vào tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mãi là ánh sáng dẫn đường, là nguồn cỗ vũ lớn lao, thôi thúc mỗi người góp phần sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh./. 
Ths. Nguyễn Thúy Đức
Q. Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh



< baotanghochiminh.vn >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 8