Ký ức ngày tổng tuyển cử đầu tiên
[ 06/01/2016 07:00 AM | Lượt xem: 1103 ]

Ký ức ngày tổng tuyển cử đầu tiên


Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên diễn ra trên cả nước, kể cả vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ông Vũ Oanh, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu năm 1945, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kể lại với VnExpress, thời điểm tổng tuyển cử, nhà nước non trẻ gặp muôn vàn khó khăn. Nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu làm hàng triệu đồng bào chết. 90% người dân mù chữ, các thế lực thù địch ra sức chống phá.

Ở miền Bắc, 200.000 quân Tưởng lấy danh nghĩa đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật kéo theo các thế lực phản động như Việt cách, Việt quốc vào trong nước hòng chiếm chính quyền. Chúng chống phá, nói xấu Chính phủ lâm thời, chặn các ngả đường không cho người dân đi bầu cử, dọa nạt cử tri. Mặt khác, chúng còn lên kế hoạch ám sát các ứng viên do Việt Minh giới thiệu.

Thời điểm tổng tuyển cử, ông Vũ Oanh làm Bí thư tỉnh Hà Đông, một tỉnh quan trọng giáp Hà Nội, có nhiều ngành nghề truyền thống. Nhiệm vụ của ông là phải tổ chức tổng tuyển cử thành công. Ngoài việc tập hợp tư liệu ứng viên, công khai lý lịch của họ ở nơi công cộng, thông báo đến địa bàn dân cư, ông còn phải tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri để người dân hiểu hơn về người mà họ sẽ lựa chọn bỏ phiếu. Những thứ đặc biệt quan trọng của ngày bầu cử như hòm phiếu, niêm phong, địa điểm tổ chức cũng được chuẩn bị, kiểm tra nhiều lần. Lực lượng an ninh, hỗ trợ tại các điểm bỏ phiếu được cắt cử chu đáo.

Ông Oanh nhớ lại, trước ngày toàn dân đi bầu cử mấy hôm, mặc dù đói và bị o ép bởi các thế lực thù địch, không khí ở các nơi vẫn phấn khởi. Băng rôn, khẩu hiệu chào mừng tổng tuyển cử được treo khắp nẻo đường, trong từng gia đình. Người người đều ăn mặc tươm tất, bàn tán sôi nổi về quyền công dân.

"Sáng sớm ngày tổng tuyển cử, tôi đến điểm bầu cử thấy người dân đã đứng chật kín ở đó, ai cũng hào hứng chờ đến lượt mình. Những nơi cử tri không thể tự đi bỏ phiếu thì ban tổ chức đem hòm phiếu đến tận nơi, như ở bệnh viện", ông kể và cho hay, không khí tự do, dân chủ không chỉ ở cử tri mà còn được thể hiện ở các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, không bó hẹp là người trong Đảng mà ngay cả người ngoài Đảng cũng được tín nhiệm, đề cử.

Báo Quốc hội ghi lại không khí ngày tổng tuyển cử ở Hà Nội. Trước tổng tuyển cử một ngày, khắp phố chỉ trông thấy 3 màu đỏ, vàng, xanh. Đỏ và vàng là màu của quốc kỳ. Cờ cắm trên những tầng lầu, trên mái hiên các ngôi nhà bất kể cao thấp, trên những cổng chào, trên những xe hoa cổ động. Ở phố Hàng Bạc, cờ cắm chạm đầu người. Còn xanh là màu lá kết trên những cổng chào dựng trước công sở, trụ sở Ủy ban khu phố thành nơi đặt hòm phiếu.

Đúng ngày 6/1/1946, ở ngoại thành từ 5h sáng, tiếng trống, tù và nổi lên giục người dân thức dậy chuẩn bị đi bầu cử. Đến 6h sáng, nội thành vắng tanh như ngày mùng 1 Tết. Cầu Long Biên không có người gánh hàng vào, trước cửa các chợ không bóng người. Người lớn dậy sửa soạn đi làm bổn phận của một công dân, trẻ em đi cổ động tổng tuyển cử. Đến trước trụ sở các khu phố, người trong ban thu phiếu, viết giúp phiếu và kiểm phiếu đã đứng chờ cử tri đến...

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão miêu tả trong cuốn Dấu son nghị trường: "Cuộc tổng tuyển cử diễn ra đầy phấn khởi và được chuẩn bị chu đáo. Mỗi khu vực bỏ phiếu đều có sáng kiến riêng trong cách tổ chức. Cuộc bỏ phiếu diễn ra rất nhanh, tấp nập nhất là từ 7h đến 10h sáng, có nơi 11h trưa đã gần 80% cử tri đi bỏ phiếu".

Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên ở Hà Nội trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Ở các địa phương khác, cuộc tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Sinh ra ở xã Đoài (Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An), trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên đại biểu Quốc hội liên tiếp các khóa 8, 9, 10) vẫn nhớ không khí ngày bầu cử đầu tiên tại vùng đất cách mạng lâu đời này.

Tròn 70 năm trước, không khí tổng tuyển cử lan đến từng ngõ xóm của xã Đoài. Là Bí thư Đoàn xã, chàng trai Nguyễn Quốc Thước khi ấy mới 20 tuổi, cùng thanh niên ngày đêm đi vận động, tuyên truyền người dân đi bỏ phiếu, thực hiện quyền làm chủ đất nước. Gia đình ông có 4 người, bà mẹ và ba con trai đều theo cách mạng, sớm dành lá phiếu cho Việt Minh.

"Cuộc vận động rất khó khăn, không hề đơn giản bởi một nửa là lương dân, nửa kia theo công giáo. Dòng họ tôi cũng vậy, thế nên, vận động phải bắt đầu từ chính người trong họ hàng rồi mới đi những nhà khác để giải thích, tuyên truyền người dân bỏ lá phiếu cho Việt Minh", ông kể.

Sáng 6/1/1946, ai nấy đều dậy rất sớm, kéo đến điểm bầu cử. Họ mang cả nong nia có viết khẩu hiệu "Ủng hộ bầu cử", "Ủng hộ Việt Minh" đi bỏ phiếu. Nhiều người không biết chữ nhưng vẫn cầm lá phiếu trên tay, không nhờ người khác đi thay hay bỏ phiếu hộ. Đến nơi, người ta bảo ban bỏ phiếu đọc tên từng đại biểu trong danh sách rồi hỏi kỹ càng thông tin thuộc tổ chức nào, Việt Minh hay Việt quốc, Việt cách rồi mới bầu. Bỏ phiếu xong, ai biết chữ thì ký tên, ai không biết chữ thì điểm chỉ vào danh sách đi bầu cử để công khai, tránh gian lận. Uy tín của Việt Minh trong nhân dân cao nên hầu hết đều bỏ cho Việt Minh.

"Gần 100 năm nô lệ giờ giành được độc lập, làm người dân nước tự do, có cảm giác như người vừa đi qua sa mạc tìm được nguồn nước, phải uống cho thỏa thuê. Khát vọng tự do, dân chủ khi được quyền bầu ra người đại diện để thay mình thực hiện mong muốn cũng vậy, rất mãnh liệt", tướng Thước ví von và nói rằng những năm sau này, chưa bao giờ chứng kiến lại bầu không khí đi bầu cử sôi nổi như năm ấy.

Ở Nam Bộ, quân Pháp quay trở lại đánh chiếm, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước. Chúng dùng các biện pháp mạnh như cướp của, đốt nhà hòng làm người dân nhụt chí, không dám đi bầu cử. Thực dân Pháp còn cho máy bay thả bom chống phá, đưa quân đi càn quét, phá hoại bầu cử. Có 40 người trong ban tuyên truyền bầu cử đã hy sinh, những lá phiếu của người dân miền Nam được ví như những lá phiếu máu.

Tại Tây Nguyên, ngay trước tổng tuyển cử, ngày 4/1/1946, thực dân Pháp đã dùng máy bay ném bom lửa xuống ba làng của người Ê Đê để khủng bố dân chúng. Hôm sau, chúng lại tấn công vào một làng khác, chỉ cách Buôn Ma Thuột 19 km nhưng cuộc bầu cử vẫn được tiến hành.

Theo tổng kết của Văn phòng Chính phủ, 71 tỉnh thành trong cả nước lúc bấy giờ có 89% cử tri đi bỏ phiếu. Tỷ lệ phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn đa số địa phương chỉ bầu một lần. Đợt tổng tuyển cử đầu tiên, cả nước bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% thuộc các đảng phái; 87% đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có Quốc hội, Chính phủ thống nhất với bản Hiến pháp tiến bộ và hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý đại diện cho nhân dân Việt Nam.

Hoàng Thuỳ - Hoàng Phương

< Hoàng Thuỳ - Hoàng Phương >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 16