MỘT SỐ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA SINH VIÊN MIỀN NAM VIỆT NAM (1954-1975)
[ 26/03/2015 07:00 AM | Lượt xem: 5049 ]
  MỘT SỐ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA SINH VIÊN 
MIỀN NAM VIỆT NAM (1954-1975)
  
Ths. Hoàng Thị Hồng Nga

Cộng đồng đại học miền Nam Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh của giới sinh viên trong giai đoạn 1954-1975, đặc biệt nổi bật với các phong trào đấu tranh chính trị vô cùng rầm rộ. Giới sinh viên miền Nam Việt Nam đóng vai trò như một lực lượng “chính trị” có vai trò “xung kích”, ngòi pháo trong các phong trào đấu tranh của đồng bào ở đô thị. Trong số các phong trào đấu tranh đó, có những phong trào sinh viên đấu tranh đòi quvền tự trị, tự do cho giáo dục đại học của chính sinh viên. Bài viết này góp phần làm sáng tỏ một số phong trào đó của sinh viên miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.
 
1. Phong trào sinh viên đòi tự trị đại học
Quan điểm, chính sách của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở miền Nam Việt Nam được thể hiện trong “Hiến pháp Đệ nhị VNCH ngày 1-4-1967”. Điều 10, Chương II nêu rõ: “Nền giáo dục đại học được tự trị”. Nền giáo dục đại học dưới chính quyền VNCH theo đuổi ba nguvên tắc là tự do, tự trị và phi chính trị. Trong một chừng mực nào đó, Viện Đại học độc lập đối với các đảng phái chính trị, tôn giáo và tự trị đối với chính quyền.
Vấn đề tự trị đại học được đặt ra ngay từ những ngày đầu còn phôi thai của nền đại học ở miền Nam Việt Nam, lúc bấy giờ ngưòi ta đã nhắc đến tính chất tự trị cần thiết cho sự phát triển đại học. Sở dĩ về sau rộ lên vấn đề tự trị đại học là vì nó đã nhuốm màu sắc chính trị. “Vấn đề tự trị đại học là một trong những vấn đề đang được mọi giới chú ý và bàn tán. Nhưng nó cũng là một trong những vấn đề bị hiểu lầm nhất trong dư luận, trong giới sinh viên và ngay cả đại học, cũng như trong chính quyền”[1]. Chính vai trò tự trị của một đại học không phải là điều mà nhà cầm quyền nào cũng tán thành. Chính quyền Sài Gòn chỉ muốn xây dựng Viện Đại học hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền hoặc đảng phái hay cá nhân người lãnh đạo. Theo văn bản, Viện Đại học tùy thuộc Bộ Giáo dục. Cụ thể như sau: “Về học vụ, sự thành lập các khoa, trường, ngành học, văn bằng, chứng chỉ phải do Bộ Giáo dục chấp thuận, về nhân viên, việc tuyển dụng, lương bổng, thăng thưởng, sa thải phải do Bộ Giáo dục và Tổng Nha Công vụ chấp thuận, về Ngân sách: Quyền chuẩn chi được ủy nhiệm cho Viện trưởng”[2]. Như vậy, về hành chính, Viện Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục, và có thể bị chi phối bởi Bộ Giáo dục và Tổng Nha Công vụ chứ “chưa hẳn” là tự trị.
Bởi vậy, trong cộng đồng sinh viên đại học miền Nam Việt Nam dấy lên phong trào đòi tự trị đại học. Nguyên cớ làm phát sinh phong trào này trong giới sinh viên chính là khi chính quyền Sài Gòn ra nghị định đổi cơ cấu lãnh đạo của Đại học Y khoa thành Trung tâm Y-Nha Dược trực thuộc Phủ Thủ tướng Chính phủ VNCH và không còn nằm trong hệ thống Viện Đại học Sài Gòn. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng tính độc lập của nền giáo dục Việt Nam. Sinh viên Y khoa phản đối chính sách này của chính quyền Sài Gòn. Trong ngày bàn giao Khoa trưởng, sinh viên Y khoa biểu tình ngồi chặn trước cửa văn phòng Khoa trưởng. Tổng Giám đốc cảnh sát Quốc gia là Nguyễn Ngọc Loan đã đích thân dẫn cảnh sát đến để đàn áp sinh viên. Từ đó, một phong trào chống xâm phạm tự trị đại học nổ ra ở Đại học Y khoa rồi lan ra Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học và các trường khác.
Tháng 8-1967, Đại hội sinh viên Sài Gòn đòi tự trị ở bậc đại học ra mắt. Ban Chấp hành (BCH) Trung ương gồm Chủ tịch Hồ Hữu Nhựt. Tổng Thư ký là Dương Văn Đầy. Có khoảng 2.500 sinh viên và giáo sư, ký giả, nhà văn ở Sài Gòn dự. Đại hội ra Tuyên ngôn chủ trương một nền đại học tiến bộ, chống việc can thiệp của chính quyền vào khuôn viên Đại học. Nhiệm kỳ BCH của phong trào tự trị đại học ở Trung ương (Sài Gòn) và các cơ sở là 1 năm. Phong trào có Ban cố vấn gồm khoảng 30 giáo sư, giảng viên và cả viện trưởng ở Sài Gòn. Cần Thơ và BCH các phân bộ tự trị Đại học Khoa học, Sư phạm, Y khoa, Luật khoa. Dược khoa, Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ, Cao đẳng Nông Lâm Súc. Các phân bộ tự trị đại học đều tổ chức hội thảo, đại hội sinh viên trường và bầu ra BCH Phân bộ tự trị đại học. Phong trào xuất bản tờ báo “Tự trị đại học”, nhiều trường ra nội san, tập san về tự trị đại học. Chính phủ VNCH bị sinh viên lên án là vi phạm nghiêm trọng quyền tự trị đại học thông qua các chính sách can thiệp trực tiếp vào môi trường học tập của sinh viên. Việc “quân đội chiếm đóng các phòng cao ốc và bao vây Trường Đại học Văn khoa bằng hàng rào thép gai. Đây là hành động làm ô nhục sinh viên Văn khoa vì sự chiếm đóng và canh gác này có thể khiến cho dư luận hiểu lầm là sinh viên làm loạn nên chính quyền mới làm như vậy”[3]. Đông đảo sinh viên cho rằng chính quyền xâm phạm nền tự trị đại học và “đòi chính phủ phải giải thích trước dư luận quốc tế và quốc nội”.
Ngày 31-12-1968, sinh viên kiên quyết phản đối chính quyền bắt giữ một số học sinh, sinh viên trong cuộc biểu tình ngày 24-12-1968. Nội dung phong trào Tự trị đại học phân bộ Luật khoa đưa ra “chính quyền chà đạp hiến pháp, coi thường chủ trương “thượng tôn pháp luật” tiếp tục xâm hại nền tự trị đại học, gây không khí bất an và sợ hãi trong dân chúng, hầu thi hành chủ trương cảnh sát trị”[4].
Năm 1970, một cuộc bãi khóa rầm rộ được phát động với những yêu cầu mà sinh viên đưa ra như sau:
-   Quyền tự trị đại học, trong đó sinh viên có trụ sở sinh viên, có pháp lý sinh viên và có luật về tự trị đại học
-   Duyệt xét các bản án của học sinh, sinh viên từ trước, trả tự do cho những học sinh, sinh viên không bị kêu án.
Đầu tháng 3-1971, sinh viên Hạ Đình Nguyên bị cảnh sát bắt ngay trong khuôn viên Trường Đại học Văn khoa. Việc sinh viên Nguyên bị bắt vô cớ đã tạo nên không khí sôi sục trong sinh viên. Chính giáo sư Khoa trưởng Văn khoa đã lên tiếng chính thức đề nghị cơ quan an ninh trả tự do cho học trò mình. Khẩu hiệu bích chương phản đối chính quyền đã được đưa ra. Cho đến ngày 5-3-1971, các phân khoa đại học đã có phản ứng rõ rệt là bãi khóa để phản đối chính quyền xâm phạm tự trị đại học và bắt bớ sinh viên một cách trái phép. Tại Viện Đại học Vạn Hạnh, ngày 24-3-1971, trong khuôn viên của Viện cũng đã xuất hiện nhiều bích chương đòi chính quvền trả tự do cho sinh viên Trần Hữu Quang-một sinh viên cao học bị bắt trong kỳ tổ chức cứu lụt tại miền Trung. Lệnh bãi khóa được ban hành và thực hiện[5]. Phong trào đòi tự trị đại học lan rộng và phát triển mạnh mẽ buộc chính quyền Sài Gòn phải có nhượng bộ.
Phong trào tự trị đại học nhằm thống nhất hành động trong sinh viên chống lại mọi sự can thiệp của chính quyền Sài Gòn vào các sinh hoạt đại học, hỗ trợ cho phong trào đòi chuyển ngữ Việt ở đại học. Đây là một phong trào rộng lớn có sự tham gia của nhiều vị giáo sư, giảng viên đại học tạo thế công khai hợp pháp, hỗ trợ cho sinh viên đấu tranh. Phong trào không chỉ mở rộng tổ chức xuống cơ sở các trường đại học ở Sài Gòn mà mở rộng đến Huế, Cần Thơ, Đà Lạt... tạo thành một lực lượng chống lại mọi sự đàn áp, bắt bớ của chính quyền Sài Gòn.

2. Phong trào đấu tranh đòi dạy tiếng Việt ở bậc đại học
Một trong những vấn đề ở bậc đại học được nhiều giới, cả trí thức, giáo sư và sinh viên đại học miền Nam Việt Nam quan tâm đó là vấn đề ngôn ngữ. Trước năm 1954, giáo dục đại học chủ yếu nằm trong tay người Pháp và dùng ngôn ngữ là tiếng Pháp. Sau 1954, người Pháp chuyển quản tự trị đại học cho chính quyền Sài Gòn, do vậy yêu cầu phải chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt được đặt ra. Câu hỏi lớn đặt ra là: “Khi nào có thể dùng hoàn toàn tiếng Việt làm chuyển ngữ tại cấp đại học”, vấn đề chuyển ngữ được đặc biệt lưu tâm vì mấy lý do sau:
- Số sinh viên tốt nghiệp bậc trung học tại các trường Quốc gia ngày càng tăng, so với số trường trung học dạy bằng ngoại ngữ đào tạo.
- Viện đại học có dạy bằng tiếng Việt thì mới khuyến khích được các giáo sư, sinh viên, các nhà trí thức biên soạn ngày càng nhiều những tác phẩm văn hóa, khoa học bằng tiếng Việt.
- Một nền văn hóa hoàn toàn quốc gia dân tộc lý thuyết sẽ không những được phát triển bằng quốc văn, mà vẫn có những giao lưu cần thiết và thường xuyên vối những trào lưu tư tưởng quốc tế.
Việc chuvển ngữ trải qua 2 giai đoạn: thời kỳ chuyển tiếp (1955-1960) những ngành học tương đối đủ giáo chức Việt Nam, việc chuyến ngữ bắt đầu được áp dụng (Luật học, Hán Việt ...). Còn những ngành kỹ thuật các danh từ chuyên môn được thiết lập. Trong niên học 1961-1962 sẽ phổ biến việc dùng tiếng Việt khắp các trường trực thuộc Viện. Tuy nhiên cũng khuyến khích sinh viên trao đổi thêm ngoại ngữ bằng cách bắt họ tham gia tích cực những cuộc hội thảo ngoại ngữ để diễn đạt tư tưởng, đọc những sách nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển ngữ gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của văn hóa, giáo dục Pháp quá nặng. Năm 1954, tiếng Việt được dùng đầu tiên ở đệ thất-trung học và đến năm 1956 chương trình học bằng tiếng Việt được áp dụng tại Trường Đại học Luật khoa và Viện Đại học Huế năm 1957.
Đến năm 1961, việc chuyển ngữ ở bậc đại học chỉ được Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn khuyến cáo chứ chưa có chính sách phải thực hiện triệt để “chúng tôi chưa thể thực hiện việc chuyển ngữ bằng tiếng Việt trong niên khóa 1961-1962 mà phải mất thời gian nữa... việc chuyển ngữ là vấn đề quan trọng, chúng tôi chưa thể áp dụng trước khi có một sự thống nhất danh từ khoa học”[6]. Phải đến 1965 mới được thực hiện, bởi việc chuyển ngữ còn có nhiều ý kiến khác nhau, một số người vẫn muốn duy trì Pháp ngữ trong một số ngành học, đặc biệt là những ngành kỹ thuật. Vì theo họ bỏ hẳn ngoại ngữ đồng nghĩa với việc từ chối những tiến bộ từ nước ngoài, mà những ngành học đại học ở nước ngoài phát triển hơn Việt Nam. Vì thế không nên coi tiếng Việt là phương tiện duy nhất.
Cuối năm 1966 đầu năm 1967, phong trào đòi dạy tiếng Việt ở bậc dại học bùng nổ. Ở Đại học Y khoa, 500 sinh viên tổ chức hội thảo chủ trương phản đối dạy bằng tiếng ngoại quốc, nêu khẩu hiệu “Dân tộc Việt học tiếng Việt”. Phong trào này được sinh viên Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học hưởng ứng, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, biểu tình. Phong trào nhanh chóng lan rộng sang nhiều trường đại học và cả trường phổ thông trong thành phố và các trường ở các đô thị khác ở miền Nam và được sự ủng hộ của nhiều nhân sĩ, trí thức. Các lực lượng trên đã tập hợp lại thành một mặt trận chống lại nền giáo dục thực dân mới ở đại học. Đầu năm 1967, tại Trường Đại học Sư phạm, ủy ban thanh niên, học sinh, sinh viên đòi chuyển ngữ Việt ở đại học được thành lập do Hồ Hữu Nhựt làm Chủ tịch. Thông qua tờ báo“Chuyển ngữ”,  phong trào ngày càng thu hút được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức Sài Gòn. Tại Trường Đại học Khoa học, giáo sư Lê Văn Thới đã cùng nhiều cán bộ giảng dạy khác soạn thảo cuốn “Từ điển Danh từ khoa học”, làm cơ sở cho việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở đại học.
Kết quả là vào đầu năm 1967, các trường đại học ở miền Nam Việt Nam đều dạy tiếng Việt, trừ Đại học Y khoa, vẫn còn một hệ học theo chương trình Mỹ và dạy bằng tiếng Anh.

3. Phong trào chống quân sự hóa học đường
Mục đích chính của chính sách quân sự hóa học đưòng của Mỹ là biến các trường đại học trở thành nơi cung cấp binh lính cho quân đội Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn đã ban hành nhiều điều luật để hợp pháp hóa chính sách này như: học sinh đến 19 tuổi không đậu đại học sẽ bị sung lính, những sinh viên nào không lên lớp được cũng bị gọi nhập ngũ. Sinh viên và học sinh đang đi học bị buộc phải tham gia vào các tổ chức quân đội của chính quyền Sài Gòn và được sử dụng như một lực lượng quân đội dự bị phục vụ cho cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Sinh viên tham gia đấu tranh chống chính phủ bị bắt sẽ gọi vào quân đội mà không cần lý do. Chính quyền Sài Gòn hợp pháp hóa những âm mưu trên bằng các sắc lệnh động viên và “Tổng động viên”. Sinh viên Trường Đại hoc Sư phạm và Đại học Khoa học đã tổ chức hội thảo phản đối Luật Tổng động viên số 04/67 của Nguyễn Văn Thiệu. Tổng hội sinh viên Sài Gòn lên tiếng công kích Luật Tổng động viên là bất hợp hiến.
Sau “biến cố” Tết Mậu Thân (1968) Mỹ và chính quyền Sài Gòn ban hành Luật Tổng động viên số 3/68, tại Sài Gòn, lập “Sư đoàn sinh viên bảo vệ thủ đô” buộc sinh viên tập luyện quân sự và phát súng đi gác. Các khoa thuộc các trường đại học đều có một liên đoàn do một sĩ quan (thiếu tá hoặc trung tá) chỉ huy. Sinh viên phải đi học quân sự học đường và là một môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp. Nữ sinh phải vào lực lượng phòng vệ hậu phương mà chủ yếu là học cứu thương.
Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả chính sách “quân sự hóa học đường” chính quyền Sài Gòn đã chủ trương “tách chính trị ra khỏi học đường”. Mục đích của chính sách này là tách rời học sinh, sinh viên ra khỏi đời sống hiện tại của xã hội, là “che mắt, bịt tai” lớp người trí thức, tạo cho họ đầu óc cầu an tự kỷ, buông xuôi, vô trách nhiệm với vận mệnh lịch sử. Đồng thời, chính sách trên nhằm phủ nhận vai trò chính trị của học sinh, sinh viên và âm mưu dập tắt ngọn lửa đấu tranh của họ. Mặc cho sinh viên sục sôi phản đối chương trình quân sự học đường, chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục thi hành. Tình trạng o ép mà chính quyền Sài Gòn tạo ra đối với sinh viên đã làm dấy lên những phong trào phản đối. Sinh viên cho rằng “Đưa chính trị ra khỏi học đường” nhằm mục đích “khóa miệng, cùm tay” học sinh, sinh viên, hạn chế tối đa các phong trào đấu tranh chống chính phủ của họ. Để chống lại những hành động của chính quyền Sài Gòn, Tổng hội sinh viên lập ra Ủy ban chống quân sự hóa học đường và kêu gọi sinh viên bất phục tùng huấn luyện viên. Những cuộc míttinh, hội thảo có nội dung chống quân sự hóa học đường, chống đôn quân bắt lính diễn ra liên tiếp. Ngay từ cuối năm 1969, trên 400 sinh viên thuộc 9 trường đại học và cao đẳng đã tổ chức hội thảo tại Trung tâm giáo dục Y khoa Hồng Bàng, hô hào chốngquân sự hóa học đưòng, không đi quân trường. Tiếp đó, một cuộc hội thảo lớn được tổ chứcvới chủ đề “sinh viên và quân trường” có trên 2.000 sinh viên thuộc nhiều trường đại học ở Sài Gòn tham dự. Tại hội thảo này, sinh viên đã nêu một hình thức đấu tranh độc đáo là “biểu tình ngồi”, “đêm không ngủ”. Trên 200 sinh viên Đại học Dược khoa nêu cao các khẩuhiệu như: “Toàn thể sinh viên tuyệt thực vô hạn định”, “Hãy tôn trọng quyền tự trị đại học”, “Hãy trả lại cho sinh viên nhiệm vụ học vấn thuần túy”[7]. Các cuộc biểu tình của sinh viên đã tạo nên không khí đấu tranh sôi nổi trong môi trường đại học và đã lôi kéo được lực lượng quần chúng khác ở đô thị cùng tham gia đấu tranh. Phong trào đã tranh thủ được sự ủng hộ của các thầy, cô giáo ở một số trường đại học. Ngày 30-9-1970, 20 giáo viên đại học và trung học, tiểu học trong đó có các giáo sư Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Châu Tâm Luân, Phạm Trọng Cầu... tập hợp tại Viện Đại học Sài Gòn để tuyệt thực với biểu ngữ “giáo chức yêu cầu Tổng thống Thiệu giải quyết cấp bách, trả tự do cho sinh viên học sinh bị bắt”.
Tổng nha cảnh sát Quốc gia chính quyền Sài Gòn đã phải thừa nhận “một số sinh viên quá khích trong BCH sinh viên đã tổ chức một cuộc hội thảo nhằm mục đích chống lại chương trình huấn luyện quân sự học đường”[8]. Ở các trường học, phong trào chống quân sự hóa học đường diễn ra sôi nổi, rầm rộ, lôi kéo được hầu hết sinh viên tham gia. Họ cho rằng: “chính phủ đã xem nhẹ vấn đề huấn luyện thiếu thực tế, chú trọng nhiều hình thức mà quên hẳn sức khỏe đã khiến cho một số sinh viên bị bệnh và thậm chí bị chết trong thời gian theo học quân sự (điển hình là cái chết của sinh viên Văn khoa Trần Ngọc Thảo). Việc huấn luyện quân sự chỉ là hình thức không thực tế và làm tổn hại sức khỏe sinh viên”[9]. Đồng thời, sinh viên yêu cầu Chính phủ cải thiện toàn diện vấn đề huấn luyện quân sự để họ không có ấn tượng là bị cưỡng bách thụ huấn “như một người đi đày”; lên án Chính phủ đưa ra lập luận “Vấn đề tổng động viên là giải pháp chính trị của cuộc thương thuyết và được đặt ra với mục đích tăng cường tiềm năng hòa bình”. Hàng loạt các phong trào đấu tranh với nội dung là chống quân sự hóa học đường đã diễn ra trong suốt 3 tháng (7, 8, 9-1970). Phong trào phát triển mạnh mẽ có đến 30.000 sinh viên trốn lệnh điều động, không đi học quân sự. Kết quả là trước sức ép của quần chúng và sinh viên, chính quyền Sài Gòn buộc phải giải tán “Sư đoàn bảo vệ thủ đô’. Âm mưu tách chính trị ra khỏi học đưòng vàquân sự hóa học đường của chính quyền Sài Gòn và Mỹ thất bại.
Tự trị đại học là một nội dung lớn mà bất cứ một nền giáo dục đại học nào cũng muốn hướng tới. Chính quyền, giới trí thức đại học lẫn cộng đồng sinh viên các trường đại học miền Nam Việt Nam đều có những tranh luận, những quan điểm để xác lập nội dung quan trọng này cho giới đại học. Đối với giới sinh viên các viện đại học ở miền Nam lúcbấy giờ, đã có những phong trào đấu tranh đòi tự trị đại học, đòi dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ ở bậc đại học, chống quân sự hóa học đường để nói lên tiếng nói “độc lập” của giới mình. Các cuộc đấu tranh hướng tới đòi những quyền tự trị của nền đại học, đòi chính quyền trả lại những nhiệm vụ thuần túy cho giới đại học. Nó đã góp phần đập tan những luận điệu “giả hiệu” của chính quyền Sài Gòn về tự trị đại học trên giấy tờ, những âm mưu, luận điệu trá hình để hạn chế quyền tự do, tự trị, độc lập vốn có của giới đại học. Sinh viên đã biết kết hợp đấu tranh cho tự trị đại học, cho bản thân giới mình cũng như đòi đượcnhững quyền lợi chính trị chính đáng cho giới trí thức, học sinh, sinh viên để thể hiện được vai trò “xung kích” trong phong trào đấu tranh đô thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.
 
Nguồn: Tạp chí Lịch sử quân sự, số 271 (tháng 7-2014), tr.22-27.
 
 
________________________________________
[1] Tôn Thất Thiện, Vấn đề tự trị Đại học, Tạp chí Tư Tưởng, số 8-1970.
[2] Theo lời của Giáo sư Lê Thanh Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Huế, dẫn theo Tập san Phát triển xã hội (Hội KHXH Việt Nam), Phỏng vấn về giáo dục đại học, tr.185-192.
[3] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tuyên cáo của sinh viên sư phạm, số 294/TH.T/VP/M ngày 9-4-1968.
[4] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Phiếu trình Thủ tướng của Tổng cục Cảnh sát Quốc gia, số 001505, /TCCSQG/S1 /D/A ngày 13-1-1969.
[5] Báo Tìm hiểu, số 28, ngày 30-9-1972.
[6] Công báo Việt Nam Cộng hòa, trích Nghị định số 922 GD/NĐ tổ chức kỳ thi phổ thông, tiếng Việt ở bậc sơ đẳng và trung đẳng tại vùng Cao nguyên miền Nam và ấn định thành phần giám khảo những kỳ thi này, số 52 ra ngày 10-11-1956, Bản lưu tại Thư viện Viện Sử học, tr.2803.
[7] Nhiều tác giả, Phong trào cách mạng đô thị Sài Gòn và các thành thị Nam Bộ (1945-1975), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2004. tr.31.
[8] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tuyên cáo của sinh viên sư phạm, số 294/TH.T/VP/M ngày 9-4-1968.
[9] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tuyên cáo của sinh viên sư phạm, số 294/TH.T/VP/M ngày 9-4-1968.



Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 9