THƠ XUÂN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
[ 18/02/2015 07:00 AM | Lượt xem: 1898 ]

  THƠ XUÂN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

          ĐỖ THỊ KIỀU NGA

Tóm tắt
Thơ Xuân có một vị trí "đặc biệt” trong thơ chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt bởi lời thơ ngắn gọn, ngôn từ và cách diễn đạt dễ hiểu như lời Người tâm sự: “Mấy lời thân ái nôm na, Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Thêm nữa, bên cạnh những cảm xúc đẹp về mùa xuân, Người còn làm thơ để mừng tuổi đồng bào. Gần 30 năm trời (1942 – 1969), cứ mỗi khi tết đến xuân về là đồng bào cả nước lại mong chờ những vần thơ chúc tết của Bác như một món quà ý nghĩa. Món quà ấy là nguồn động viên, cổ vũ toàn dân tộc cùng nhau đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trong đấu tranh cách mạng, trong lao động và sáng tạo để  dựng xây quê hương, đất nước... Hơn thế, đằng sau thi hứng từ mùa xuân, đằng sau nỗi niềm dân tộc, tấm lòng với đồng bào, mỗi bài thơ của Hồ Chí Minh còn là một bài học lớn khiến chúng ta phải suy ngẫm, noi theo.
Mùa xuân với sức sống và vẻ đẹp của nó từ bao đời nay đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân. Là thi sĩ ai lại không có một đôi vần thơ xuân trong đời? Hồ Chí  Minh cũng vậy. Yêu đời, say mê cuộc sống, tâm hồn dễ xúc cảm trước cái đẹp của con người, thiên nhiên, tạo vật, vì thế, thơ xuân chiếm một phần không nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của Người. Có điều khác là, xuân trong thơ Hồ Chí Minh không chỉ là mùa xuân hiện hữu của đất trời mà còn là mùa xuân chất chứa bao nỗi niềm dân tộc, xuân bởi lòng người, xuân của lịch sử và của mong ước tương lai. Đọc thơ xuân của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy có hai mảng: Những bài thơ viết về mùa xuân và những bài thơ viết nhân dịp mừng xuân hay chính là thơ chúc mừng năm mới.
1. Thơ viết về mùa xuân
Nói đến thơ xuân của Bác, chúng ta không thể không nhắc tới một bài thơ được coi là kiệt tác, Người viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1948: Nguyên tiêu:
                               
                      Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên                      
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền 
Vẻ đẹp của bài thơ này đã được các nhà nghiên cứu, nhà phê bình và những người yêu thơ Bác viết khá nhiều. Chỉ với bốn câu thơ, Bác đã khơi gợi trước mắt người đọc vẻ đẹp thơ mộng, tràn đầy, viên mãn của mùa xuân trong không gian và thời gian. Đêm rằm tháng giêng, mặt trăng tròn sáng ngời soi tỏ dòng sông mùa xuân, làn nước mùa xuân, bầu trời mùa xuân. Tưởng như rất quen thuộc nhưng cũng không khỏi bất ngờ bởi góc nhìn tươi mới của thi nhân:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
   (Bản dịch của Xuân Thuỷ)
Vẫn dòng sông ấy, màu nước ấy, vẫn mây trời ấy, dưới ánh trăng rằm, trong một đêm mùa xuân lại mang một màu sắc mới: Mùa xuân làm cho trăng thêm đẹp. Và trăng làm cho cảnh vật thêm hữu tình. Ánh trăng, mùa xuân, sông nước, mây trời quyện hòa, chứa chan vào nhau, tô điểm cho nhau, cùng nhau khơi gợi tâm hồn thi sĩ, soi xuống con thuyền Người đang “đàm quân sự”. Có lần Người đã từng hẹn với trăng: “Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”. Bàn xong việc quân trời đã nửa đêm nhưng Người chiến sĩ – thi sĩ ấy không thể lại một lần lỗi hẹn cùng trăng nữa. Trăng xuân oà vào lòng người, người mở rộng lòng đón trăng, thưởng ngoạn chất xuân sung mãn với tâm thế sảng khoái và lạc quan. Con thuyền bàn bạc việc quân đã trở thành con thuyền trăng trôi nhẹ trên sông, ẩn hiện trong màn khói sóng. Trăng là biểu tượng cao đẹp, sáng láng của tự do. Con thuyền bát ngát trăng cũng bát ngát niềm vui cao đẹp tin tưởng vào bình minh sáng rỡ của dân tộc. “Nguyên tiêu” là một bức tranh xuân đẹp được vẽ nên từ những vần thơ đẹp. Viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, “Nguyên tiêu” mang phong vị Đường thi: một con thuyền, một vầng trăng, có sông xuân, nước xuân, trời xuân, khói sóng, không gian bao la yên tĩnh…Chỉ khác một điều, ở giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình ấy, nhà thơ không có rượu và hoa để thưởng trăng, không đàm đạo thi phú mà “đàm quân sự”. Bài thơ vừa thể hiện tâm hồn, phong thái của một “tao nhân mặc khách” vừa thể hiện trí tuệ, cốt cách thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài.  
Không chỉ rung động trước vẻ đẹp của mùa xuân. Xuân còn đi vào trong thơ Bác như là một nguyên cớ, là nguồn cảm hứng để người bày tỏ cái nhìn lạc quan, biện chứng về xu thế vận động, phát triển của lịch sử, của dân tộc. Trong bài Tự khuyên mình Người viết:
Nếu không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.
Mùa xuân ở đây được đặt trong mối tương quan đối lập với mùa đông. Đông về, giá lạnh, khắc nghiệt. Xuân tới, ấm áp, tươi vui. Bốn mùa luân chuyển: hết đông tất tới xuân. Cuộc sống con người cũng vậy. Để có được ngày xuân rạng rỡ, huy hoàng, đừng ngại gian truân, vất vả. Nắm được quy luật tất yếu của lịch sử, của xã hội, Bác luôn nhìn cuộc sống, nhìn cách mạng với một tinh thần lạc quan và lòng tin tưởng sâu sắc vào ngày thắng lợi.
Lấy xuân để giãi bày, nhân lên niềm vui, niềm phấn khởi tới muôn người con đất Việt, năm 1968, Bác Hồ viết nhiều thơ xuân nhất. Điều đặc biệt là chùm thơ xuân ngày ấy (gồm 6 bài) được viết ở những thời khắc khác nhau, với những nội dung và cách biểu đạt khác nhau, nhưng tất cả đều khởi nguồn từ niềm tin và niềm vui chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân năm 1968. Chiến công nối tiếp chiến công. Tin thắng trận từ khắp các chiến trường miền Nam dồn dập báo về chính là nguồn thi hứng dạt dào với Người. Giữa mùa xuân chiến thắng ấy, Người mượn  cớ đã lâu không làm thơ, đọc cho đồng chí thư ký chép bài thơ "Không đề” gửi một đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng:
"Đã lâu chưa làm bài thơ nào,
Đến nay thử làm xem ra sao.
Lục mãi giấy tờ vẫn chưa thấy,
Bỗng nghe vần thắng vút lên cao".        
Nghe như một lời bộc bạch giản dị, thân tình, nhưng chỉ với một “vần thắng” cho thấy cảm hứng mới thật mãnh liệt. Mãnh liệt và truyền cảm, câu thơ ấy đã đem đến niềm xúc động cho bao người, những người chiến sĩ, những đồng bào đang một lòng hướng tới Miền Nam ruột thịt. Với Bác, không có công việc nào trọng đại hơn việc đánh giặc giữ nước và không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui thắng trận. Giữa xuân này, Bác viết:
"Tháng tư hoa nở một vườn đầy,
Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi.
Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá,
Hoàng oanh vút tận trời.
Trên trời mây đến rồi đi,
Miền Nam thắng trận báo về tin vui".
      Mậu thân xuân tiết (dịch thơ)
Hoà cùng niềm vui chiến thắng chung của dân tộc, trong mùa xuân ấy, Bác Hồ cũng góp thêm một "chiến công" thầm lặng của mình. Đó là, khi sức khoẻ của Bác đã suy giảm nhiều so với những năm trước, thấy Người ho nhiều, để giữ gìn sức khoẻ cho Người, các bác sĩ đã đề nghị “hai chớ” (chớ hút thuốc, chớ uống rượu). Nhân dịp này, Bác Hồ đã "tự mình đề thơ làm chứng" về quá trình rèn luyện đó:
"Thuốc không, rượu chẳng có mừng xuân,
Dễ khiến thi nhân hoá tục nhân,
Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt,
Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần".
    Nhị vật (dịch thơ)(1, tr.336)
Từ bỏ một thói quen đã lâu năm mà nỗi nhớ đi cả vào trong mộng thì quả không phải là điều dễ dàng. Nhưng, Người đã quyết tâm và thực hiện thành công. Đó là kết quả của ý chí và sự kiên trì. Và niềm vui phấn chấn tinh thần ấy lại được Người viết tiếp trong bài thơ "Vô đề”:
"Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa xuân" .
                                  Không đề (dịch thơ) (1, tr.341)
Cách mạng thành công, đất nước độc lập, nhân dân tự do chính là mùa xuân tươi đẹp nhất trong trái tim thiêng liêng, ngời sáng của Hồ Chí Minh. “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, “Một năm là cả bốn mùa xuân”, là nỗi niềm, là mong muốn khôn nguôi của Bác. Nỗi niềm riêng, mong muốn riêng cũng là nỗi niềm chung, mong muốn chung của cả dân tộc, là cái đích Đảng ta phấn đấu đạt tới. Đây chính là nét đẹp tột đỉnh của nhân cách, trí tuệ Hồ Chí Minh.
Qua những vần thơ viết về mùa xuân, chúng ta thấy ở Bác luôn có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của một thi nhân cùng với một cốt cách, phong thái ung dung, tự tại của người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Xuân khơi nguồn cảm hứng thơ. Thơ lấy xuân làm nguyên cớ. Xuân tự đất trời và xuân tự lòng người hòa quyện, tâm hồn thi sĩ và tinh thần chiến sĩ kết tụ, Bác để lại cho đời những vần thơ vừa rung động, tràn ngập sắc xuân, vừa toát lên tinh thần lạc quan, khoẻ khoắn của một ý chí lớn: ý chí cách mạng.

2. Thơ chúc mừng năm mới
Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã viết “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người nào hết. Ngót ba mươi năm bôn ba bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần tuý phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Ngay sau khi về nước, gặp tết, Người không quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ em. Chỉ có mấy đồng xu, nhưng cũng bọc giấy hồng đơn cẩn thận, tươm tất…”. Không chỉ có thế, mỗi dịp tết đến, Người luôn có một món quà mừng tuổi ý nghĩa có thể gửi tới tất cả đồng bào của mình đó là những bài thơ chúc mừng năm mới. Lấy thơ làm quà “mừng xuân”, Người cũng mượn thơ để “kêu gọi”, khích lệ đồng bào và khẳng định niềm tin vào một tương lai rạng ngời của dân tộc:
Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong !
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi !
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau !
Chúc Việt-minh ta càng tấn tới,
Chúc toàn quốc ta trong nǎm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.
(Thơ chúc tết xuân Nhâm Ngọ - 1942) (2, tr.210)
Theo thơ chúc tết của Bác, chúng ta như được dịp ôn lại lịch sử của dân tộc, được dịp nhìn lại những năm tháng kháng chiến của toàn dân vừa trường kỳ gian khổ vừa thắng lợi vẻ vang. Xuân 1946, xuân đầu tiên nước nhà được độc lập. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên… một loạt các sự kiện ghi dấu son lịch sử đã mang đến cho nhân dân cả nước một mùa xuân đầy hào khí của bài ca thắng lợi. Vui cái vui của đồng bào, trong cái tết đặc biệt này, Bác Hồ đã có đến ba bài thơ xuân chúc tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: Chúc tết Bính Tuất – 1946, Mừng báo Quốc gia, Gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất (3, tr.169).   
Bác chúc đồng bào cả nước:
Trong nǎm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi.
       ...
Việt Nam độc lập muôn nǎm!
Đối với Bác, với nhân dân ta, mùa xuân 1946 này mới thực sự là mùa xuân dân chủ cộng hoà, tết này mới thực sự là tết độc lập, tự do:
Tết này mới thực Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba chén rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Mọi nhà vui đón Xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh Phúc Cộng hoà.
Ca bài ca chiến thắng, Bác không quên nhắc nhở mọi người phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng cần, kiệm, liêm, chính để xây dựng đất nước:
Năm mới Bính Tuất
Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây đời sống mới
………….
Cần, kiệm, liêm , chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống “Đời sống mới”
Từ năm 1945 đến năm 1954, thời kỳ “Toàn dân kháng chiến – toàn diện kháng chiến”, trong mỗi bài thơ chúc tết của Bác, chúng ta đều như nhìn thấy, nghe thấy diễn biến của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ. Đó là hào khí của dân tộc:
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
(Thơ Chúc năm mới xuân Đinh Hợi - 1947)

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 4