"Phải trả lại vị trí cho những anh hùng đã hy sinh"
[ 17/02/2014 13:33 PM | Lượt xem: 1543 ]

"Phải trả lại vị trí cho những anh hùng đã hy sinh"








Đó là một nhận xét khoa học, tôn trọng sự thật lịch sử và đạo lý của GS. Sử học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nói về cuộc chiến tranh vệ quốc 1979 trên báo Lao động ngày 11/2/2014.


“Cần được xem như chiến thắng chống ngoại xâm”


GS. Giang khẳng định sự kiện 17.2.1979 là “không thể diễn giải khác đi được, ngoài việc đây là cuộc chiến tranh xâm lược hay cuộc tấn công vào Việt Nam”.

Cách đây tròn 35 năm, khi đất nước vừa thống nhất, khói lửa chiến tranh chưa kịp nguôi ngoai, Trung Quốc đã đem 600.000 – 700.000 quân sang đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc ta. Ngay lập tức, cả dân tộc Việt Nam lại bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Cuộc chiến đấu ngoan cường của toàn quân, toàn dân ta nơi biên giới chiến thắng ngoại xâm mãi mãi là trang sử vàng và những người con thân yêu đã hi sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất non sông mãi mãi là những anh hùng của dân tộc.

Nhớ lại những ngày tháng oai hùng khi “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, cả dân tộc lại một lần nữa hừng hực khí thế chống giặc ngoại xâm. Tinh thần yêu nước nồng nàn một lần nữa lại trỗi dậy, như lời Bác Hồ kinh yêu từng nói thủa nào: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta….”.

Mùa xuân 1979, lòng nồng nàn yêu nước lại một lần nữa trỗi dậy…

Trong khi tại các tỉnh biên giới, đồng bào và chiến sĩ ta vùng lên đánh trả quân xâm lược, giành lại từng quả đồi, góc núi, con suối, bờ rừng… thì tại hậu phương, lớp lớp trai làng sẵn sàng cầm súng lên đường bảo vệ non sông, như lời bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác vào đêm ngày 17/2 năm 1979: “Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng - Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!”.

Nếu như không có tinh thần anh dũng quật cường đó, không biết cuộc chiến tranh sẽ đi đến đâu.

Giờ đây sau 35 năm, một thời gian đủ để nhìn nhận, đánh giá một cách trung thực, khách quan về cuộc chiến tranh vệ quốc oai hùng của dân tộc.

Cũng trong bài phỏng vấn trên, GS Vũ Minh Giang cho biết: “Phải trả lại vị trí cho những anh hùng đã hy sinh. Chúng tôi đã tiếp cận với rất nhiều bậc lão thành cách mạng, họ rất khắc khoải về cuộc chiến biên giới 1979”.

Không và không chỉ các vị lão thành cách mạng “khắc khoải” mà cả dân tộc Việt Nam “khắc khoải”. Khắc khoải bởi 35 năm qua, chúng ta đã ít, thậm chí rất ít đề cập đến cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này.

Ngay cả các sách giáo khoa cũng chỉ thấy có lác đác vài dòng ngắn ngủi. Đó là điều không nên và không được.

Ôn lại lịch sử không phải để hằn sâu mối oán thù mà cao cả hơn, là để hiểu rõ cái giá của hòa bình. Ôn lại lịch sử những năm tháng đổ vỡ còn là để quý mến và trân trọng tình hữu nghị. Ôn lại lịch sử là để hiểu mình và hiểu người…

Ôn lại lịch sử còn là sự tri ân những người đã ngã xuống vì toàn vẹn lãnh thổ như lời GS. Vũ Minh Giang: “Những cắc cớ trong quan hệ lịch sử giữa các quốc gia phải xem như những cái hố, hay vết hằn lịch sử. Nếu cứ giấu giếm, hay bảo rằng không có, thì đó là cách che giấu lịch sử. Điều này không chỉ không được phép, mà còn có tội với các liệt sĩ, những người đã đổ xương máu bảo vệ đất nước. Nhưng một thái độ khác, bới sâu nó ra để gây hận thù lại là xuyên tạc lịch sử. Tội này cũng không kém việc che giấu lịch sử…

Tới đây, các sự kiện như Hoàng Sa, Trường Sa bị đánh chiếm, hay việc Trung Quốc đưa quân đánh Việt Nam năm 1979 cũng sẽ được đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Nếu chúng ta không nói gì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho xuyên tạc”.

Vâng! Thưa GS. Vũ Minh Giang, lịch sử là khách quan nên không ai thoát được lịch sử và cũng không ai che lấp được lịch sử. Sự im lặng sẽ là “mảnh đất màu mỡ cho xuyên tạc”, nhất là trang lịch sử huy hoàng như cuộc chiến tranh vệ quốc 2/1979, phải không các bạn?


Bùi Hoàng Tám

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 9