Nguyễn An Ninh với văn hóa dân tộc
[ 21/03/2013 00:00 AM | Lượt xem: 2181 ]

NGUYỄN AN NINH VỚI VĂN HOÁ DÂN TỘC

TS Trần Viết Nghĩa


Đến đầu thế kỷ XX, văn hoá phương Tây đã thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam. Tiếp xúc với một nền văn hoá xa lạ, được đại diện bởi một nền văn minh công nghiệp tiên tiến đã gây nên sự xáo trộn lớn trong tâm lý người Việt Nam. Thực dân Pháp chủ tâm thực hiện âm mưu đồng hoá văn hoá của người Việt Nam. Vấn đề văn hoá trở nên cấp thiết chẳng khác gì vấn đề dân tộc. Vậy làm thế nào để có thể chống đồng hoá, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giải quyết được sự xung đột giữa cái cũ và cái mới, tiếp thu văn hoá phương Tây, và xây dựng được một nền văn hoá Việt Nam tiến bộ, độc lập?

Đây là những vấn đề lớn, những câu hỏi lớn cần phải giải quyết. Vì lớn nên nó thu hút được sự quan tâm của giới trí thức trong Nam ngoài Bắc. Thái độ ứng xử hay phương cách giải quyết của giới trí thức Việt Nam không đồng nhất. Giới Nho học bảo thủ tỏ rõ tâm lý chống đối và cự tuyệt văn hoá phương Tây. Một số trí thức Tây học, những người tham gia nhập làng Tây (nhập quốc tịch Pháp), chấp nhận sự đồng hoá văn hoá, tức là Âu hoá hoàn toàn, và từ bỏ văn hoá truyền thống. Những trí thức tiến bộ cho rằng cần dung hoà hai nền văn hoá Đông - Tây, tiếp thu có chọn lọc văn hoá phương Tây và bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc.

Giữa những thái độ ứng xử văn hoá rất cách biệt nhau ấy, Nguyễn An Ninh* bằng tư duy của một trí thức trẻ, am tường văn hoá Đông Tây, đã có sự nhìn nhận đúng đắn về văn hoá, về định hướng phát triển văn hoá dân tộc. Trước hết, Nguyễn An Ninh tỏ rõ thái độ phê phán Khổng giáo. Khổng giáo là một hệ tư tưởng ở Trung Hoa do Khổng Tử đặt nền móng và sớm được du nhập vào Việt Nam. Từ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, Khổng giáo trở thành Quốc giáo ở Việt Nam, là hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XX, nhiều trí thức Việt Nam mới hiểu ra rằng ngoài Khổng giáo còn có rất nhiều tư tưởng khác cần phải học hỏi, thậm chí họ còn nhận ra sự hạn chế của Khổng giáo trước những yêu cầu phát triển mới của thời đại. Từ đó xuất hiện tư tưởng phê phán và bài trừ Khổng giáo, và nhận thấy sự cần thiết phải tiếp thu văn hóa, tư tưởng của phương Tây. Trái lại, những trí thức còn nặng cốt cách phong kiến cố gắng níu kéo, duy trì Khổng giáo. Tranh luận, đụng độ trong giới trí thức cũ và mới, bảo thủ và cấp tiến cũng bắt đầu từ mâu thuẫn trên.

Theo Nguyễn An Ninh, Khổng giáo đã biện hộ cho chế độ phong kiến, nhờ có trật tự xã hội của Khổng giáo mà chế độ phong kiến tồn tại khá lâu dài, do đó nó kìm hãm tiến bộ xã hội: “Trật tự bất cứ giá nào, dù cho phải làm liệt bại cuộc sống, đó là các di sản nặng nề nhất của học thuyết Khổng Tử”[1]. Nguyễn An Ninh phê phán việc đẩy học thuyết Khổng Tử lên hàng tột đỉnh của tri thức nhân loại, là lý tưởng cao quý nhất của con người, trong khi chính Khổng Tử lại nhìn nhận có người khác hơn mình. Nguyễn An Ninh coi Khổng giáo như một món hàng ngoại nhập gây nhiều tác hại bởi nó được các nhà Nho của ta tôn thờ một cách thái quá khi họ muốn Khổng hoá tất cả những gì trong tay họ, biến mọi thứ theo tư duy hẹp hòi của họ2. Cuối cùng, ông cho rằng cần phải đi tìm những tư tưởng mới chứ không thể trông cậy vào Nho học cổ truyền được. Các cụ nhà Nho đã chẳng bám vào tư tưởng Nho giáo như người chết bám vào rơm rác hay sao3.

Rõ ràng, Nguyễn An Ninh với tư duy, cách nghĩ của thế hệ trẻ đã nổi lên chống lại những tư tưởng Khổng giáo và thủ cựu của các nhà Nho, những người luôn luôn ở trong vòng cương toả của cửa Khổng, sân Trình, coi giáo lý Khổng Mạnh là khuôn vàng, thước ngọc để học hỏi, noi theo. Tuy chống, nhưng không phải là sự loại bỏ, phủ nhận hoàn toàn, ông vẫn đánh giá cao giá trị nhân văn của Khổng giáo: “Tư tưởng của Khổng giáo nếu được hiểu đúng đắn có thể nâng đỡ con người lên một quan niệm quảng đại và nhân từ về đời sống”4.

Trong bối cảnh mà Khổng giáo không đáp ứng được những yêu cầu về nhận thức và sự phát triển mới của xã hội, để tìm kiếm những nguồn tư tưởng mới, Nguyễn An Ninh hướng tới các tư tưởng tiến bộ của phương Tây. Trên măng sét của La Cloche fêlée đề dòng chữ Cơ quan tuyên truyền những tư tưởng Pháp. Qua tờ báo của mình, Nguyễn An Ninh đã giới thiệu đến quần chúng những tư tưởng của các nhà triết học nổi tiếng châu Âu như nhóm Bách khoa thư (Voltaire, Diderot, Montesquier, Russeau), Niechers, Tolstoi, Jaures, Rolland,...; công khai đăng toàn văn Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền với các bản Hiến pháp nổi tiếng năm 1791, 1793 và 1794 của Cách mạng Pháp trên La Cloche fêlée (năm 1926). Đặc biệt hơn cả, ông và Phan Văn Trường còn cho đăng toàn văn Tuyên ngôn cộng sản của K. Marx và F. Engels trên tờ La Cloche fêlée[2]. Trước Nguyễn An Ninh, chưa có một tờ báo nào ở trong nước dám làm một chuyện động trời như vậy. Tư tưởng cộng sản là mối hiểm nguy với giai cấp tư sản Pháp bởi nó đề cập đấu tranh giai cấp, chỉ rõ việc giai cấp công nhân đứng lên đấu tranh và lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, thiết lập chính quyền vô sản. Ngay tại nước Pháp, giới cầm quyền còn phải hết sức dè chừng, huống hồ là tại Việt Nam, một xứ thuộc địa, lại có một tờ báo cả gan công khai tuyên truyền tư tưởng cộng sản. Đây là một việc làm vượt quá sức tưởng tượng của giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Tầm Vu đã có một nhận xét khá độc đáo và thú vị: “Việc công khai đăng Tuyên ngôn công sản trên một tờ báo Sài Gòn, đối với bọn thực dân thì giống như ném một hòn đá vào cái ao đầy cóc nhái; còn đối với những người trí thức Việt Nam thì đó là giới thiệu văn kiện kinh điển nhất, hoàn chỉnh nhất của chủ nghĩa cộng sản và văn kiện này lại được viết bằng một lối văn rất hay, hấp dẫn đặc biệt”[3].

Nguyễn An Ninh khẳng định văn hoá là tâm hồn của dân tộc[4], các giá trị văn hoá truyền thống chính là nền tảng vững chắc tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc. Bản sắc đó chính là sức sống trường tồn và sự sáng tạo của một dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử: “Nói đến sự trường tồn của một giống nòi, trước hết là nói đến văn hoá, là nói đến sức sống của một dân tộc, của giống nòi đó, nghĩa là tất cả những tiềm năng mà dân tộc đó đã để lại dấu ấn sâu đậm và toả sáng chói lọi trên tiến trình lịch sử của mình. Và người Việt Nam đã từng có một sức sống sáng tạo nên một nền văn hoá như vậy”4.

Theo Nguyễn An Ninh bản sắc văn hoá dân tộc không chỉ là các di sản văn hoá vật chất hiện hữu, cái cốt yếu là di sản văn hoá tinh thần của chúng ta, cái mà có thể để chúng ta thực hiện được ước mơ xây dựng một nền văn hoá độc lập, tự chủ, giàu đẹp: “Để chứng tỏ cho các bạn thấy sự cần thiết phải xây dựng một nền văn hoá dân tộc riêng cho ta không phải đến nỗi khó. Cái lúng túng của chúng ta là phải tìm ra một di sản tinh thần vững chắc thực hiện mong ước của chúng ta. Nếu chúng ta có thu nhặt tất cả những gì thuộc về văn chương, nghệ thuật đã được tạo ra trên đất nước ta, thì nguồn tài sản tự túc của tổ tiên ta để lại hết sức mỏng manh so với nhiều dân tộc khác”[5]. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một nền văn hoá độc lập: “Tôi cứ muốn được nói hoài về sự cần thiết phải xây dựng một nền văn hoá của riêng mình”2.

Nguyễn An Ninh nhận thấy sức mạnh của văn hoá đối với vấn đề dân tộc và chứng minh rằng nếu có được một nền văn hoá vững mạnh thì vẫn có thể giữ được độc lập dân tộc. Ông dẫn chứng Trung Hoa là một nước có nền văn hoá lâu đời, khi bị các tộc người khác chiếm đóng thì văn hoá là cơ sở để người Trung Hoa không những giành lại được độc lập dân tộc, mà còn đồng hoá được kẻ đã chinh phục mình. Cho nên giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ độc lập dân tộc trong bối cảnh bị mất nước và bị đồng hoá văn hoá. Nâng cao trình độ văn hoá cho bản thân là điều kiện cần trong cuộc sống, điều kiện đảm bảo giữ gìn độc lập và mở rộng ảnh hưởng cho một dân tộc3.

Tuy mong ước xây dựng được một nền văn hoá độc lập, nhưng Nguyễn An Ninh không đi theo xu hướng bài ngoại cực đoan. Ông phê phán chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi: “Chủ nghĩa yêu nước với trọng tâm là bài ngoại, chủ nghĩa yêu nước mà kêu gọi báo thù, tự tách mình ra khỏi người chiến thắng và lên án nền văn minh của họ, chủ nghĩa yêu nước đó, tự cô lập mình trong tháp ngà, và tưởng rằng mọi thứ ở đó sẽ hoàn hảo. Chủ nghĩa yêu nước mù quáng do cảm tính đó thật tình không có gì đáng khen ngợi cả, mà nó chỉ dẫn đến sự tê liệt và tiêu diệt giống nòi”4, thấy được sự vận động mang tính quốc tế hoá của thời cuộc: “Thế giới đang đi lên chủ nghĩa quốc tế y như một chiếc thuyền bị một dòng nước cuốn trôi không gượng lại nổi”[6], nhưng lại khẳng định: “Chủ nghĩa quốc tế không thể tồn tại nếu không có chủ nghĩa dân tộc”[7], và cuối cùng đi đến kết luận: “Dân tộc hay quốc tế chủ nghĩa không có gì phải đối chọi nhau. Hơn thế nữa, chủ nghĩa dân tộc kéo dài sang chủ nghĩa quốc tế thay vì gây chia sẻ, ngờ vực, thù ghét giữa các dân tộc chỉ góp thêm vào sự hài hoà và tô điểm cho nhân loại thêm tươi đẹp hơn”2. Bằng nhận thức sâu sắc và đúng đắn về chủ nghĩa quốc gia và quốc tế, Nguyễn An Ninh nhận thấy sự cần thiết phải giao lưu, học hỏi các giá trị văn hoá ở bên ngoài, nhất là văn hoá Âu châu. Theo ông, văn hoá Việt Nam cần phải được xây dựng trên cơ sở văn hoá truyền thống và tiếp thu những giá trị văn hoá ngoại lai: “Mà giờ đây vào thời buổi hiện nay, mỗi người châu Á chúng ta lại phải trang bị hai phía, vừa phải tiếp thu văn hoá phương Tây và cả văn hoá Á Đông nữa”3. Ông nhận thấy sự tương tác giữa hai nền văn hóa, hiểu văn hoá châu Âu cũng là cách để hiểu chính mình: “Lại phải qua con đường văn hoá châu Âu để hiểu sâu sắc văn hoá Viễn Đông”4. Vì vậy, ông kêu gọi nhân dân học theo văn hoá Pháp để mở mang dân trí, mở rộng tầm nhận thức, làm cho dòng giống tráng kiện mà mau thoát ly cái ách nô lệ5.

Tuy đề cao sức mạnh của nền văn minh công nghiệp phương Tây, nhưng Nguyễn An Ninh không đề cao và tâng bốc nó một cách thái quá như một số người khác. Ông tỏ ra thận trọng khi xem xét ảnh hưởng của văn minh phương Tây, cũng như sự nguy hiểm của nó. Ông dẫn lại lời của Tagore: “Nền văn minh châu Âu là một cái máy nghiền. Nó tàn hại các dân tộc bị nó xâm chiếm, nó huỷ diệt mọi chủng tộc dám cả gan gây cản trở bước đường xâm lược của nó. Đó là thứ văn minh của bọn ăn thịt người, áp chế kẻ yếu để làm giàu trên lưng họ. Đâu đâu nó cũng gieo sự ganh ghét và hận thù, đâu đâu nó cũng vơ vét sạch. Là một nền văn minh khoa học nhưng nó lại vô nhân đạo. Nó được trở nên hùng mạnh nhờ tập trung mọi sức lực vào mục tiêu duy nhất là làm giàu”6. Nguyễn An Ninh chỉ rõ mặt trái của nền văn minh phương Tây khi nó sang ngự trị ở nước ta. Nó tôn thờ đồng tiền, bắt mọi người trở thành nô lệ của đồng tiền. Nhiều tên bịp bợm cỡ bự được che lấp bởi tấm mặt nạ ngây thơ, đạo đức và thân thiện. Nhưng kỳ thực ẩn đằng sau tấm mặt nạ đó là những hành vi đốn mạt, những lương tâm bị mua chuộc, tha hoá và xấu xa. Có những con người bị nó mê hoặc đã làm mất đi những phẩm chất cao đẹp của nòi giống, từ bỏ Tổ quốc và phản bội lại anh em[8].

Nguyễn An Ninh không chấp nhận sự đồng hoá văn hoá bởi theo ông dân tộc nào để cho một nền văn hoá ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập thật sự. Quan điểm này của ông đã tấn công mạnh mẽ vào chính sách đồng hoá văn hóa của thực dân Pháp. Đồng thời ông cũng phê phán thói học đòi, thích Âu hoá, vong bản của một số người Việt Nam: “Nhiều người An nam bị Tây hoá hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt được những cái tầm thường của phong hoá châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào hiểu rằng họ đã được đào tạo theo kiểu phương Tây. Thái độ mù tịt về văn hoá châu Âu như thế không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Vì chỉ có những người vững một nền văn hoá rồi mới có đủ khả năng thưởng thức một nền văn hoá ngoại bang”2.

Từ vấn đề văn hoá nói chung, Nguyễn An Ninh đề cập cụ thể đến vấn đề ngôn ngữ, một phần quan trọng không thể thiếu được của văn hoá. Sự nhìn nhận về ngôn ngữ phản chiếu cách nhìn về văn hoá của Nguyễn An Ninh. Ông cho rằng, tiếng nói dân tộc là tài sản quý báu nhất, là vũ khí quan trọng để giải phóng giống nòi thoát khỏi sự thống trị: “Nếu người An nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An nam vứt bỏ tiếng nói của mình thì cũng đương nhiên khước từ niềm hy vọng giải phóng giống nòi… Đối với người An nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa không chỉ với từ chối sự tự do của mình”3.

Nguyễn An Ninh phê phán hiện tượng một số người Việt Nam ham mê ngôn ngữ Pháp mà xa rời tiếng mẹ đẻ, coi việc sử dụng tiếng Pháp như là dấu hiệu cao quý của giới quý tộc, Pháp hoá: “Nhiều người An nam thích bậm bẹ năm ba câu tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu chỉ thuộc giai cấp quý tộc”[9].

Nguyễn An Ninh cũng phê phán những người có thái độ xem thường tiếng mẹ đẻ, quy cho tiếng Việt nghèo nàn mà lấy cớ từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Theo ông, tiếng Việt không nghèo, chẳng hạn như Truyện Kiều của Nguyễn Du, một tác phẩm đạt đến đỉnh cao của ngôn ngữ tiếng Việt. Theo ông không nên quy tội cho ngôn ngữ nghèo nàn, mà chính là sự bất tài của những người không biết sử dụng nó2. Vì vậy, mọi người không nên mặc cảm với sự nghèo nàn của ngôn ngữ, mà phải quyết tâm, phải biết cách làm cho ngôn ngữ của mình thêm giàu, thêm đẹp, phù hợp với yêu cầu của thời đại: “Để có thể quyết tâm ra sức làm giàu cho ngôn ngữ của mình và thích nghi với các đòi hỏi hiện nay của thời đại, chúng ta cần phải cảm nghiệm nơi bản thân nhu cầu nâng cao tiếng nói ngang tầm với các đòi hỏi này”3. Tuy nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tiếng nói dân tộc, nhưng Nguyễn An Ninh không đi theo hướng bảo thủ, theo ông giới trí thức cần phải biết ít nhất một ngôn ngữ châu Âu. Học ngôn ngữ châu Âu không đồng nghĩa với việc từ bỏ văn hoá dân tộc, trái lại nó sẽ làm giàu thêm cho ngôn ngữ dân tộc: “Chúng ta không thể né tránh châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất một ngôn ngữ châu Âu. Nhưng những kiến thức thu thập được, họ không được giữ riêng cho mình. Đồng bào của họ cũng được thông phần nữa. Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại thứ tiếng nước ngoài mà mình đã học phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình”4.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, chính sách Pháp- Việt đề huề của thực dân Pháp đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống chính trị, văn hoá, xã hội ở Việt Nam5. Hiệu quả ban đầu của nó cũng rất đáng kể, nếu chư­a muốn nói là thành công khi góp phần đư­a văn hoá Pháp du nhập mạnh vào Việt Nam trong thập kỷ 1920 và 1930; thu hút và khống chế đư­ợc một bộ phận trí thức Việt Nam bằng cách mê muội họ vào các vấn đề văn hoá; tâm lý chống Pháp của người Việt Nam có phần suy giảm. Nhóm Nam Phong ngoài Bắc do Phạm Quỳnh đứng đầu, nhóm Lập hiến trong Nam của Bùi Quang Chiêu đều ra sức tung hô, say sưa với chủ thuyết này: “Từ Chiến tranh thế giới đến độ 1926, là thời kỳ thịnh đạt của chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề. Bùi Quang Chiêu nói Pháp- Việt đề huề, Phan Châu Trinh nói Pháp - Việt đề huề, Phan Bội Châu nói Pháp- Việt đề huề, cái bệnh dịch đề huề đó lan tràn rất dữ. Tư tưởng nhân dân bị đầu độc rất nặng”[10].

Để giải độc, Nguyễn An Ninh kêu gọi dân chúng và giới trí thức đừng có đặt niềm tin ở chính sách liên hiệp mà người ta đang nói đến rất nhiều. Muốn liên hiệp ít nhất cũng phải có hai người và chỉ có liên hiệp giữa hai bên bình đẳng ngang nhau. Chúng ta nói với Chính phủ hãy chờ đến khi chúng ta có quyền tự do và các quyền khác cũng như như các bên mà Chính phủ muốn chúng ta liên hiệp[11]. Trong hai năm 1925- 1926, các phong trào đấu tranh chính trị, đòi tự do dân chủ nổ ra mạnh mẽ[12], nó như­ một sự thẩm định cho tinh thần hợp tác Pháp- Việt, thẩm định tính dân chủ ở Việt Nam, điều đó làm cho ng­ười Pháp cảm thấy nền thống trị bị đe doạ nghiêm trọng, và họ thẳng tay đàn áp không thư­ơng tiếc. Ng­ười Việt Nam không còn ảo tưởng vào sự hợp tác thân thiện và hoà hợp của ngư­ời Pháp nữa.

Nhìn chung, trong bối cảnh quá trình Âu hoá đang diễn ra mạnh mẽ theo cả bề rộng lẫn chiều sâu ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, các giá trị văn hoá phương Tây đang có chiều lấn át văn hoá truyền thống, bị cưỡng bức, lại bị đồng hoá văn hóa, thì việc nảy sinh những thái độ ứng xử văn hoá đối lập nhau là chuyện tất yếu sẽ xảy ra. Mâu thuẫn giữa chống lại hay tiếp nhận văn hoá phương Tây, loại bỏ hay giữ gìn văn hoá truyền thống, bảo tồn hay cách tân... diễn ra căng thẳng, chưa thể ngã ngũ trong nhân dân, đặc biệt là trong tầng lớp trí thức, thì những tư tưởng tiến bộ của Nguyễn An Ninh về văn hoá đã góp phần vào việc hoá giải các mâu thuẫn đang nổi cộm và gay gắt trên.

* Nguyễn An Ninh sinh ngày 15- 9- 1900 tại quê mẹ (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn), trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Thân phụ là ông Nguyễn An Khương, một nhà văn hoá, một nhà Nho yêu nước thức thời, một thành viên tích cực của phong trào Duy tân ở Sài Gòn. Nguyễn An Ninh tốt nghiệp Đại học Sorbonne (Paris) với tấm bằng loại ưu. Năm 1922, Nguyễn An Ninh về nước với niềm tin: “Sự đàn áp đến từ nước Pháp nhưng tinh thần giải phóng cũng đến từ nước Pháp”. Năm 1923, Nguyễn An Ninh ra tờ La Cloche fêlée (Chuông Rè), một tờ báo cách mạng chống Pháp công khai đầu tiên ở Việt Nam, để bênh vực quyền lợi cho người Việt Nam, đòi các quyền tự do dân chủ, và tuyên truyền những tư tưởng tiến bộ trong nhân dân. Bên cạnh hoạt động viết báo, Nguyễn An Ninh còn tổ chức nhiều buổi diễn thuyết. Những bài diễn thuyết hùng hồn, bốc lửa, đầy nhiệt huyết yêu nước của ông đã lôi cuốn và chinh phục được công chúng Nam Kỳ. Ông là người có công thức tỉnh một thế hệ thanh niên yêu nước ở Nam Kỳ và là thần tượng của giới trẻ Nam Kỳ một thời.

[1],2,3,4. Nguyễn An Tịnh: Nguyễn An Ninh (tuyển chọn các tác phẩm), Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 79,78,81.

[2]. Từ số 53, ngày 29- 3- 1926 đến số 60, ngày 26- 4- 1926.

[3]. Tầm Vu: “Khuynh hướng cộng sản trong hai tờ báo “La Cloche fêlée và L’Annam””, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 175, Hà Nội,1977, tr.19.

[4],4. Nguyễn An Tịnh: Sđd, tr. 56,81.

[5],2,3,4. Nguyễn An Tịnh: Sđd, tr. 56,81,80,164-165.

[6]. Nguyễn An Tịnh: Sđd, tr. 185.

[7],2,3,4,5,6. Nguyễn An Tịnh: Sđd, tr. 185,186,81,76,125.

[8],2,3. Nguyễn An Tịnh: Sđd, tr. 175.

[9],2,3,4. Nguyễn An Tịnh: Sđd, tr. 175,176.

5. Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut là người khởi x­ướng và hiện thực hoá chính sách Pháp - Việt đề huề. Khi tới Việt Nam nhậm chức (năm 1917), hắn nhận thấy chính sách đồng hoá văn hoá chỉ làm gia tăng tâm lý chống Pháp của người Việt Nam. Đặt trong bối cảnh nước Pháp vừa mới bước ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất với những tổn thất nặng nề, nước Pháp cần phải tăng cường khai thác thuộc địa để bù đắp thiệt hại do chiến tranh gây ra, cho nên vấn đề bình ổn chính trị, tránh đối đầu ở thuộc địa là cần thiết. Vì vậy hắn đưa ra chính sách Pháp - Việt đề huề để vỗ về người Việt Nam, quy tụ giới trí thức chú tâm vào các vấn đề văn hoá mà sao lãng đi nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc.

[10]. Trần Văn Giàu (chủ biên): Địa chí Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, t.1, tr. 294.

[11]. Nguyễn An Tịnh: Sđd, tr. 170.

[12]. Trong thời gian này đã nổ ra các phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ta mà lực lượng nòng cốt là thanh niên đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu, để tang Phan Châu Trinh, đón Bùi Quang Chiêu, và đòi chính quyền thả Nguyễn An Ninh. Có học giả còn gọi cao trào đấu tranh đòi tự do dân chủ ở Sài Gòn những năm 1925- 1926 là Phong trào ái quốc Nguyễn An Ninh vì nó vốn chịu ảnh hưởng tư tưởng của ông, xem Phương Lan: Nguyễn An Ninh, nhà cách mạng 1899- 1943, ấn quán Thuý Phương, Sài Gòn, 1970.

< TS Trần Viết Nghĩa >

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 2