Độc lập, tự chủ về đối ngoại của Việt Nam trong hội nhập quốc tế hiện nay 1
[ 03/02/2013 23:03 PM | Lượt xem: 1886 ]

Độc lập, tự chủ về đối ngoại của Việt Nam trong hội nhập quốc tế hiện nay

17:24' 23/7/2012

TCCSĐT- Trong giai đoạn hiện nay, khi hội nhập quốc tế trở thành một thực tế khách quan, một xu thế chi phối sự vận hành của cả thế giới thì việc nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ về đối ngoại với hội nhập quốc tế là vấn đề thời sự chính trị nóng bỏng, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

 

V.I.Lênin đã từng khái quát, chính sách đối ngoại là sự kéo dài của chính sách đối nội. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đường lối độc lập, tự chủ về đối ngoại của Việt Nam luôn tuân thủ vấn đề có tính quy luật này.

Đại hội XI của Đảng chủ trương: “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(1). Đại hội xác định một trong tám mối quan hệ cần tập trung giải quyết là mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế. Để giải quyết được mối quan hệ này, bên cạnh việc nắm vững những đặc điểm của thời đại, bối cảnh quốc tế và khu vực, cần thấy rõ một số thuận lợi và khó khăn song hành do hội nhập quốc tế đem lại với đối ngoại của Việt Nam.

Thứ nhất, với nội dung cốt lõi của hội nhập quốc tế là quá trình các nước tăng cường sự gắn kết với nhau trên cơ sở nền tảng là sự chia sẻ lợi ích, mục tiêu, giá trị nguồn lực, quyền lực và tuân thủ các luật “chơi” chung trong khuôn khổ các định chế, tổ chức quốc tế nên hoạt động đối ngoại sẽ có nhiều cơ hội mở rộng, đi sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống thế giới, góp phần cùng các mặt hoạt động của quốc gia nhằm mau chóng cụ thể hóa các mục tiêu đối nội đã đặt ra. Tuy nhiên, do phải chia sẻ lợi ích và các giá trị nguồn lực, quyền lực của mình với các nước theo những quy định bắt buộc của “cuộc chơi” nên các mục tiêu đối nội của các nước cũng như Việt Nam sẽ không thể thực hiện được triệt để, kéo theo tính chất độc lập, tự chủ về đối ngoại sẽ bị tác động ở những phạm vi khác nhau và mức độ nhất định.

Thứ hai, hội nhập quốc tế mang tính ràng buộc hơn và vượt lên trên sự hợp tác thông thường, bởi nó đòi hỏi sự chia sẻ và tính tuân thủ cao của các chủ thể tham gia. Khi các cam kết quốc tế được ký kết sẽ tạo ra điều kiện pháp lý, trên cơ sở đó các thành viên tham gia ký kết có thể được hưởng quyền và lợi ích của mình. Tuy nhiên, việc có được lợi ích luôn đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ. Điều này sẽ tạo sức ép không nhỏ đối với các thành viên khi thực thi cũng như khi không tuân thủ. Sự độc lập, tự chủ của đối ngoại, vì thế, sẽ phụ thuộc vào sức mạnh nội lực, mức độ am hiểu luật pháp quốc tế, các mối quan hệ lợi ích ràng buộc, lường trước những vấn đề có thể xảy ra cũng như khả năng đề kháng với những ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài...

Thứ ba, việc hội nhập quốc tế khi được mở rộng sang các lĩnh vực sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức hơn. Mô hình Liên minh châu Âu (EU) hiện nay là một thí dụ. Đường lối đối ngoại, thậm chí đối nội của mỗi quốc gia thành viên đều ít nhiều, ở những mức độ nhất định chịu sự ràng buộc, can thiệp của cả cộng đồng EU. Cuộc bầu cử tổng thống ở Hy Lạp tháng 6 vừa qua là một dẫn chứng. Vị tổng thống được bầu nếu chủ trương tiếp tục chính sách thắt chặt chi tiêu sẽ tiếp tục được nhận gói cứu trợ của EU và IMF, trong trường hợp ngược lại, nếu tân tổng thống không theo quan điểm này (do chính sách tài chính khắc khổ tỏ ra thiếu hiệu quả), nguồn cứu trợ sẽ bị dừng lại. Và nếu điều đó xảy ra, Hy Lạp sẽ đứng trước nguy cơ phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (điều mà châu Âu và cả người dân Hy Lạp không mong muốn), đe dọa đến sự tồn tại của khu vực này. Tình thế “lưỡng nan” và sức ép về trách nhiệm lớn như vậy đã không thể không ảnh hưởng đến lá phiếu bầu của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ hai, cho dù đã có rất nhiều cuộc biểu tình diễn ra để phản đối chính sách tài chính khắc khổ của chính phủ trước đây.

Thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu vào một “sân chơi” đa dạng các đối tác lẫn đối tượng, phương pháp và phong cách đối ngoại khác nhau sẽ tạo điều kiện phát triển toàn diện trí tuệ, tăng cường nguồn lực và nâng cao bản lĩnh độc lập, tự chủ của ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng thử thách sự bền vững, dẻo dai trong việc giữ vững độc lập, tự chủ về đối ngoại. Khẳng định mình hay đánh mất mình chính là một thách thức khi hội nhập sâu hơn vào một “sân chơi” quốc tế rộng lớn.

 Trong giai đoạn phát triển mới của nước ta - giai đoạn phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại, nhiệm vụ trung tâm của công tác đối ngoại Việt Nam là “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(2). Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị này, đối ngoại Việt Nam phải đồng thời tiến hành nhiều hoạt động khác nhau. Rất nhiều vấn đề cần thực hiện tốt để có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Một là, quán triệt sâu sắc và thực hành đúng tư tưởng xây dựng thực lực mạnh. Thực hiện đúng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to tiếng mới lớn”(3). Tư tưởng này khẳng định bản chất, nguồn gốc cũng như điều kiện của sức mạnh ngoại giao Việt Nam là thực lực, “muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”(4). Điều kiện để bảo đảm độc lập, tự chủ về đối ngoại hiện nay là giữ vững ổn định về chính trị, xã hội; kinh tế tăng trư­ởng nhanh và bền vững; củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh; xây dựng nguồn nhân lực đối ngoại trung thành và chuyên nghiệp; đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế; thiết lập và duy trì được trạng thái quan hệ quốc tế cân bằng với các nước lớn, các trung tâm tài chính, kinh tế lớn, các nhóm, khối nước khu vực có ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Hai là, kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Mọi hoạt động đối ngoại xét đến cùng cũng vì lợi ích của dân tộc Việt Nam; cụ thể là “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”(5). Lợi ích của dân tộc là tối cao, xa rời mục đích này mọi hoạt động đối ngoại đều trở nên vô nghĩa. Cho nên, mọi sự đoàn kết, hợp tác hay hội nhập quốc tế hiện nay, tất thảy đều phải xoay quanh cái trục “dĩ bất biến” này. Trong đó, chính trị, quốc phòng, an ninh là những lợi ích có tính nguyên tắc. Có như vậy, bản chất của độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế mới được thực hiện và thực hiện theo đúng nghĩa: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở bên ngoài”(6).

 Độc lập, tự chủ của Việt Nam hoàn toàn khác về bản chất và luôn xa lạ với tư tưởng biệt lập, khép kín, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và biệt phái. Độc lập là thực hiện các quyền dân tộc cơ bản trong điều kiện cùng bảo đảm lợi ích chính đáng của các dân tộc. Độc lập, tự chủ nhưng cần gắn với đoàn kết, hợp tác quốc tế. Cho nên, đối ngoại cũng phải thực hành “ứng vạn biến”. Theo đó, sự chia sẻ hệ thống các lợi ích về kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường… phải dựa trên các nguyên tắc: 1) tối ưu hóa các lợi ích quốc gia và lợi ích trong nước; 2) chia sẻ cùng có lợi với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực; 3) không để sự chia sẻ bởi hai lợi ích trên đây chuyển hóa, tác động, ảnh hưởng lớn đến hệ thống lợi ích chính trị, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Giải quyết được vấn đề cơ bản trên đây về mối quan hệ lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế cũng đồng nghĩa với tăng cường độc lập, tự chủ của đối ngoại Việt Nam trong hội nhập quốc tế; tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Ba là, chủ động tham gia vào các tiến trình khu vực và quốc tế, nêu cao cảnh giác và có các biện pháp phù hợp trong hội nhập quốc tế. Độc lập và tự chủ về đối ngoại của Việt Nam hiện nay luôn nằm trong các mối tương quan chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực trên thế giới; giữa sự ổn định, phát triển hay bất ổn, khủng hoảng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; giữa tương quan lực lượng các đối tác và đối tượng. Tính biện chứng của vấn đề độc lập, tự chủ không chỉ bao gồm việc khắc phục sự lệ thuộc, phụ thuộc, chống áp đặt, lôi kéo, chi phối, can thiệp vào công việc nội bộ hay bị động, bất ngờ trước những diễn biến của môi trường quốc tế, sự hợp tác của đối tác hay chống đối của đối tượng mà chủ yếu còn là nêu cao và phát huy tính chủ động trong việc tham gia vào các nội dung, tiến trình hoạt động của khu vực và quốc tế. Định hướng hoạt động đối ngoại, Đại hội XI của Đảng xác định phải: “chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế. Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc”.

Để giữ được độc lập, tự chủ trong đối ngoại cần luôn chủ động tham gia vào các tiến trình hoạt động quốc tế, với tư cách là người trong cuộc để có các dự báo chiến lược và trực tiếp đề xuất những sáng kiến của mình trong các thỏa thuận quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hạn chế thấp nhất những khác biệt, bất đồng... Đồng thời, cũng cần phát huy vai trò, tham gia một cách có trách nhiệm đối với việc bảo đảm sự ổn định của khu vực và quốc tế, thông qua các sáng kiến, đề xuất được cộng đồng chấp nhận. Mặt khác, cần luôn đề cao cảnh giác trong quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế. Tích cực thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, “thêm bạn bớt thù”... Bằng nhiều nội dung, biện pháp thích hợp chống chủ nghĩa cơ hội về chính trị, sự lừa đảo và “chụp giật” về kinh tế; bằng nhiều hình thức đối ngoại phù hợp để chủ động tiến công các thế lực thù địch từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, thực hành tốt tư tưởng “ngoại giao là một mặt trận”.

Bốn là, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh ngoại giao Việt Nam. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, sự hiểu biết toàn diện mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, cũng như quốc tế và khu vực là sức mạnh của ngoại giao Việt Nam. Trong đó, điểm mấu chốt là nắm vững nội dung, xu thế vận động phát triển tất yếu của thời đại và mục tiêu của cách mạng Việt Nam; hiểu rõ lực lượng cách mạng trong nước, khu vực và quốc tế, phương thức phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; nắm vững phương pháp, nghệ thuật ngoại giao, nhất là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và phong cách ứng xử linh hoạt…Có sự hiểu biết, trí tuệ và sáng suốt đó sẽ giúp hoạt động đối ngoại đi đúng hướng, xây dựng được đội ngũ cán bộ ngoại giao có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, trung thành với Tổ quốc, có phong cách ngoại giao chuyên nghiệp, hiện thực hóa được chủ trương của Đảng: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”./. 

 


(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 72

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr 236

(3)  Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr 126

(4)  Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr 293

(5)  Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị ngoại giao lần thứ ba, 1964. Hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao

(6)  Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr 136

Đại tá, TS Nguyễn Văn QuangTrưởng Ban Nghiên cứu - Tổng kết lý luận, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 5