Hội đàm Paris: Đường tới hòa bình
[ 18/01/2013 18:08 PM | Lượt xem: 1169 ]

Tiếng bom Hà Nội dội tới Paris
Bà Nguyễn Thị Bình (bìa trái) trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế tại Paris - Ảnh: UPI

Tiếng bom Hà Nội dội tới Paris

Thứ Sáu, 18/01/2013, 05:11 PM (GMT+7)
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN đã được ký kết tại Paris ngày 27/1/1973 giữa bốn bên: VN Dân chủ cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam VN và VN Cộng hòa. Đó là kết quả của cả một chặng đường đấu tranh ngoại giao cam go và căng thẳng, bắt đầu từ giữa năm 1968.


Nhân kỷ niệm “40 năm Hiệp định Paris”, chúng tôi ghi lại hồi ức của một số thành viên tham gia cuộc đàm phán. Đồng thời một số tài liệu mật từ phía chính quyền Sài Gòn cũng sẽ được đăng tải trong loạt bài này.

1972 là năm quyết định của cuộc hòa đàm Paris về chiến tranh VN. Đó cũng là năm đỏ lửa ở miền Nam và cũng là năm Mỹ sử dụng B-52 rải bom Hà Nội.

“Chúng tôi hết sức lo lắng cho Hà Nội...”

Bà Nguyễn Thị Bình, lúc đó là bộ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN, nhớ lại:

“Tôi nhớ mãi... vào những ngày cuối năm 1972, tình hình so sánh lực lượng trên chiến trường phát triển có lợi cho ta, trong lúc nội bộ Mỹ mâu thuẫn gay gắt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa và vấn đề bầu cử tổng thống ở Mỹ cận kề, Bộ Chính trị chỉ thị cho đoàn ta ở Paris đấu tranh để buộc Mỹ đi vào giải quyết thực chất vấn đề chiến tranh VN.

Các cuộc họp riêng giữa đồng chí Lê Đức Thọ và cố vấn Kissinger diễn ra dồn dập trong những ngày đầu tháng 10.

Đến 20/10, hai bên căn bản nhất trí trên văn bản dự thảo Hiệp định Paris do phía ta đưa ra.

Tổng thống Nixon gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoan nghênh thiện chí của ta và đề nghị ngày 31/10/1972 tiến hành ký kết.

Nhưng như mọi người đều biết, ngày 22/10 Tổng thống Nixon lại gửi công hàm cho ta, nêu khó khăn với Nguyễn Văn Thiệu, nên chưa có thể ký hiệp định như đã thỏa thuận.

Chúng tôi ở Paris lúc đó hiểu ngay là Mỹ lật lọng muốn kéo dài đàm phán để vượt qua bầu cử.

Quả thật, sau ngày 7/11 Tổng thống Nixon được tái đắc cử, trong cuộc họp ngày 23/11 giữa ta với Mỹ, Kissinger trắng trợn đòi sửa lại 60 điều trong văn bản thỏa thuận.

Tối 18/12, máy bay B-52 bắt đầu giội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác.

Tiếng bom Hà Nội dội tới Paris, Tin tức trong ngày, hiep dinh paris, hoi dam paris, ket thuc chien tranh, hoa binh, chien tranh viet nam, hoa binh lap lai, nguyen thi binh, le duc tho, bao, tin tuc, tin hot, tin hay, vn

 Bà Nguyễn Thị Bình (bìa trái) trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế tại Paris - Ảnh: UPI

Tại cuộc họp bốn bên thường lệ ở Trung tâm hội nghị quốc tế Kleber, đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN và đoàn VN Dân chủ cộng hòa tuyên bố ngừng họp để phản đối hành động tráo trở và leo thang chiến tranh của Mỹ.

Thực tế, cuộc tập kích bằng máy bay B-52 của Mỹ làm anh chị em chúng tôi ở hai đoàn đàm phán tại Paris hết sức lo lắng, không biết chúng ta sẽ đối phó ra sao. Nhưng khi được tin chiếc B-52 đầu tiên bị bắn hạ, chúng tôi vô cùng sung sướng đến khóc được. Sau đó, nhiều chiếc B-52 bị bắn rơi trước sự thán phục của cả thế giới.

Sau 12 ngày đêm ném bom dữ dội xuống Hà Nội và các tỉnh, rất nhiều máy bay B-52 của Mỹ bị hạ... Mỹ không những thất bại nặng nề về quân sự mà cả về chính trị ngoại giao. Cả thế giới lên án Mỹ, cả Chính phủ Anh, người đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cũng lên tiếng phản đối.

Vài ngày sau chính quyền Nixon gửi công hàm đề nghị họp lại và cuối cùng họ cũng phải chấp nhận hoàn toàn dự thảo hiệp định đã thỏa thuận hồi tháng 10/1972”.

“Ông Thọ đã mổ xẻ tôi bằng một con dao rất nhọn...”


Ông Lưu Văn Lợi (thư ký của cố vấn Lê Đức Thọ tại hội nghị Paris) kể:

“Các phiên họp riêng giữa các anh Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và Kissinger, cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon, đều là những ngày làm việc dài. Có ngày làm việc đến 13 tiếng, lấn sang cả đêm. Anh Lê Đức Thọ sinh năm 1911, lúc ấy hơn 60 tuổi, nhiều hơn Kissinger gần một giáp. Kissinger rất là mánh lới, vào đầu các cuộc họp riêng thì cứ đưa chuyện nọ chuyện kia dài lê thê và cứ nhè vào lúc chiều hay gần tối mới đưa việc chính ra tranh cãi. Đó là lúc mà ông ta nghĩ rằng ông già kia mệt mỏi rồi, chắc dễ ừ, dễ gật. Nhưng ông ta không biết anh Thọ! Đàm phán càng muộn, anh Thọ càng tỉnh và thậm chí có lúc diễn thuyết làm cho Kissinger sau này phải nói: “Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng một con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật. Có những lúc ông ấy nói cả giờ, tôi bảo cái điều này tôi đã nghe nhiều lần rồi thì ông Thọ bảo: Ông nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi nói lại...”.

Năm 1972 là giai đoạn đi vào thương lượng cụ thể. Hồi đó lập trường của hai bên khác nhau lắm, Mỹ muốn rút nhưng muốn giữ nguyên chế độ Thiệu - Kỳ, mà lại không công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN. Lúc bấy giờ đã đi vào thảo luận về hiệp định rồi, hôm trước vừa thỏa thuận như thế nhưng hôm sau họ lại lật lại. Mỹ luôn luôn lấy cớ rằng chính quyền Sài Gòn không chấp nhận. Ở nhà, đồng chí Lê Duẩn đã dặn đồng chí Lê Đức Thọ: Anh sang bây giờ anh sẽ là tư lệnh ở mặt trận ngoại giao, làm thế nào thì làm, nhưng anh phải đạt được là “Mỹ rút, quân ta ở lại”.

Tháng 10/1972, tưởng đàm phán xong rồi, Tổng thống Nixon đã gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói rằng hiệp định đã có thể hoàn chỉnh, rồi Kissinger cũng huênh hoang nói rằng không còn điểm bất đồng gì lớn nữa. Đã thỏa thuận là tháng 10 Kissinger sẽ sang Hà Nội ký tắt, rồi sau đó về Paris ký chính thức. Mỹ đã nhượng bộ không đòi quân Bắc VN rút, chỉ yêu cầu có một số biểu hiện, thí dụ như hồi hương một ít, hay di chuyển quân, tượng trưng cũng được, để máy bay chụp ảnh, chứng minh cho dư luận Mỹ biết rằng cũng đòi được quân Bắc VN rút lui.

Lúc đầu ta còn trả lời vòng vo, nhưng sau nói thẳng: người VN sống trên đất VN, mà quân đội miền Bắc gồm cả những người miền Nam tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ và Thiệu - Kỳ, chính là những người đã tập kết ra Bắc. Hơn nữa, người VN bất cứ ở đâu đều có nghĩa vụ đánh Mỹ.

Ở Paris, chúng tôi cũng theo dõi được chuyện bắn B-52 như thế nào, ở đâu. Tin tức không được như ở nhà nhưng vẫn theo dõi được. Đến khi nghe nói “Trận Điện Biên Phủ trên không”, bọn tôi không biết cái ý đó từ đâu ra, tưởng đó là do báo chí nước ngoài sáng tác, nhưng nghe cụm từ ấy thì sướng không thể tưởng tượng được. Như vậy tức là mình thắng. Anh em tin tưởng lắm và chờ. Lúc bấy giờ đã có tin là mình với Mỹ sẽ họp lại và có thể ngày 6-1 đồng chí Lê Đức Thọ sẽ sang lại. Đúng là ông sang lại.

Ngày 13/1, cuộc gặp riêng cuối cùng giữa Lê Đức Thọ và Kissinger tại Paris, đoàn của ta đến sớm, đoàn Mỹ thì đúng giờ hẹn đến sau. Chỗ hẹn là ngôi biệt thự ở ngoài có cái sân có thể để được mấy chiếc xe hơi. Mọi lần khi còn đương đàm phán với nhau, mình là chủ, theo phong tục VN ra đón khách vào, mấy ông nhà mình đứng tận ngoài cổng, bắt tay mời vào phòng họp. Lần gặp này báo chí đứng bên ngoài chờ chụp ảnh đã sẵn sàng rồi nhưng thấy trong này có vẻ im lặng. Tôi và mấy chuyên viên trong phái đoàn miền Nam ngồi ở một phòng trên gác nhìn ra cổng biệt thự.

Đúng giờ đoàn Kissinger đến thì người gác ra mở cổng. Kissinger không thấy có người ra đón nên ngỡ ngàng, tuy nhiên họ cũng hiểu vì sao mình tỏ thái độ lạnh nhạt ấy. Vào phòng, ông Lê Đức Thọ nổ luôn một loạt câu chỉ trích bên kia túi bụi. Bọn tôi ở trên gác nghe qua loa rất sướng. 

Nhà báo HÀ ĐĂNG

Theo Thanh Huyền - Đức Tuệ (Tuổi Trẻ)

Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn

(0208).3848.976
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 1837307
Trong ngày:
Đang online: 1